Lời khuyên từ chuyên gia để bảo vệ cơ sàn chậu

Sàn chậu là nhóm cơ ít được nhắc đến nhưng lại đóng vai trò quan trọng đối với sức khỏe của cả nam và nữ.

5 lầm tưởng phổ biến về sàn chậu

Chị em nên làm gì để cải thiện chức năng cơ sàn chậu?

Khổ sở sau sinh vì rối loạn chức năng sàn chậu

Ảnh hưởng của việc sinh con đến quá trình lão hóa?

Tại Vương quốc Anh, khoảng 1/3 phụ nữ đối mặt với tình trạng tiểu không tự chủ. Mặc dù vậy, nhiều người vẫn còn e ngại khi nhắc đến vấn đề này. Chuyên gia vật lý trị liệu Sara Reardon tại Mỹ cho biết: “Chúng ta thường nhắc nhiều đến loãng xương, cao huyết áp, đái tháo đường… nhưng lại quên rằng chứng tiểu són lại là vấn đề phổ biến hơn cả.

Sàn chậu chính là nền tảng của vùng lõi cơ thể, ai cũng có sàn chậu, không chỉ riêng phụ nữ. Sàn chậu được ví như một chiếc giỏ cơ ở đáy khung chậu, có chức năng hỗ trợ giữ nước tiểu và phân, nâng đỡ các cơ quan nội tạng vùng chậu, ổn định cột sống và giúp thực hiện các hoạt động hằng ngày như đứng lên, ho hay đi vệ sinh.

Sinh con là một trong những yếu tố rủi ro lớn nhất, nhưng không phải là nguyên nhân duy nhất dẫn đến các vấn đề sàn chậu. phụ nữ chưa từng mang thai vẫn có thể gặp khó khăn khi quan hệ tình dục, khám phụ khoa, hoặc dùng tampon do cơ sàn chậu bị căng và co thắt quá mức. Thực tế, một nghiên cứu đã chỉ ra rằng các sinh viên nữ chưa từng sinh con vẫn bị tiểu không tự chủ khi tham gia các môn thể thao cường độ cao như chạy bộ, cổ vũ thể thao, hoặc thể dục dụng cụ.

Theo bác sĩ Ranee Thakar, Chủ tịch Hội Sản phụ khoa Hoàng gia Anh, rối loạn chức năng sàn chậu có thể khiến người bệnh ngại giao tiếp, hạn chế sinh hoạt và ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống. Tuy nhiên, theo các chuyên gia tiết niệu và vật lý trị liệu, phần lớn các vấn đề liên quan đến sàn chậu đều có thể phòng ngừa và điều trị được.

Dưới đây là những lời khuyên từ chuyên gia để bạn có thể chủ động bảo vệ sức khỏe sàn chậu của mình:

1. Đừng cố "rặn mạnh" khi tiểu tiện: Điều này gây áp lực không cần thiết lên sàn chậu.

2. Dùng gương để quan sát vùng đáy chậu: Việc này giúp bạn nhận biết cơ thể và phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường.

3. Không uống quá nhiều nước: Mỗi người chỉ cần khoảng 2 lít nước mỗi ngày (bao gồm cả nước từ thực phẩm). Uống quá nhiều có thể khiến bàng quang bị quá tải.

4. Tránh đồ uống kích thích bàng quang: Hạn chế cà phê, rượu, nước có ga, và thức ăn cay.

5. Đừng hạn chế nước quá mức: Uống quá ít nước có thể dẫn đến nhiễm trùng đường tiểu, gây hại cho bàng quang.

6. Giữ thói quen vận động đều đặn: Cơ sàn chậu cần được vận động thường xuyên để tránh bị yếu hoặc co cứng.

7. Hạn chế ngồi quá lâu: Nên xen kẽ giữa ngồi và đứng, kết hợp duỗi cơ nhẹ nhàng giữa các cuộc họp hoặc giờ làm việc.

8. Quản lý căng thẳng: Căng thẳng ảnh hưởng đến nhịp thở, từ đó gián tiếp tác động đến chức năng sàn chậu.

9. Chú ý đến hệ tiêu hóa: Táo bón làm giảm sức chứa của bàng quang và làm tăng nguy cơ sa vùng chậu.

10. Tăng chất xơ phù hợp: Không phải ai cũng hợp với các loại chất xơ thông thường. Hạt chia, hạt lanh nghiền mịn có thể là lựa chọn thay thế tốt hơn.

11. Đi khám khi có dấu hiệu bất thường: Hãy gặp bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị đúng cách ngay khi nhận thấy các triệu chứng như són tiểu, đau hoặc cảm giác nặng ở vùng chậu.

 
Việt An (Theo theguardian.com)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Khỏe đẹp