Mắc ung thư, chớ vội bi quan

Ung thư có thể phòng ngừa và điều trị khỏi khi được phát hiện sớm (Ảnh minh họa)

Ám ảnh làng ung thư dưới chân núi Nưa

Vitamin D "cứu" bệnh nhân ung thư vú

Test đúng - sai về bệnh gan

Rủi ro thường gặp khi ghép tủy chữa ung thư

Dũng cảm vượt lên căn bệnh ung thư vú

Ở tuổi 49, khi công danh sự nghiệp đang rạng rỡ, gia đình êm ấm, hạnh phúc, chị Đào Thị Huyền (ngụ tại TP.HCM) bất ngờ xuất hiện những triệu chứng khác thường của cơ thể. Vùng ngực của chị xuất hiện một cục u nhỏ sờ vào có cảm giác hơi đau, da bầu vú xù xì như da cam.

Đầu năm 2015, chị đến Bệnh viện Ung Bướu, thực hiện các xét nghiệm kiểm tra. “Hôm đó là buổi chiều ngày thứ 3 trong tuần, tôi đưa con đi học rồi chạy qua bệnh viện để lấy kết quả. Cầm kết luận ung thư vú giai đoạn II trên tay, tôi choáng váng và sốc đến nỗi không còn nhận biết được bác sỹ đang nói những gì với mình. Cảm giác bi quan, sợ hãi đã hoàn toàn chi phối tôi. Tôi đã định lao đầu vào xe tải để kết liễu số phận của mình. Nhưng khi trấn tĩnh lại, tôi nhận ra việc đầu hàng kiểu tiêu cực chỉ giải thoát cho bản thân còn người đau khổ nhất là chồng con và gia đình”.

 

Chị Đào Thị Huyền chia sẻ tại Diễn đàn ung thư vú ngày 9/5

Thoát khỏi những suy nghĩ mê muội, chị Huyền quyết định đương đầu với căn bệnh ung thư vú quái ác. Nhưng để tránh cho chồng con gặp phải cú sốc về mặt tâm lý, chị lẳng lặng vào bệnh viện thực hiện các xét nghiệm. Đến khi phải nhập viện điều trị, chị mới lựa lời thông báo cho gia đình.

“Chính tình yêu thương, sự chia sẻ của hai bên nội ngoại, chồng con và những tư vấn, giải thích, chăm sóc, điều trị tận tình của y bác sĩ đã giúp tôi vượt qua giai đoạn khó khăn nhất. Tôi như được sinh ra lần nữa khi việc phẫu trị, xạ trị thành công với tiên lượng rất khả quan.”

Tình cảnh còn bi thương hơn đã xảy đến với chị Vũ Thị Thu Huyền (30 tuổi, ngụ tại Hà Nội). Vốn là người sôi nổi luôn sống hết mình trong mọi hoàn cảnh, ngoài công việc, chị tham gia vào một nhóm từ thiện chuyên hỗ trợ cho những hoàn cảnh khó khăn ở vùng cao Tây Bắc. Cuối năm 2014, khi thấy cơ thể có những biểu hiện bất thường, chị đến bệnh viện kiểm tra thì được xác định mắc ung thư vú.

Chị tâm sự: “Tôi bàng hoàng không tin tuổi mình còn trẻ nhưng đã mắc căn bệnh quái ác như vậy. Tôi đã tự cho mình 1 ngày để suy nghĩ bản thân cần phải làm gì. Thực lòng khi đó tôi rất lo lắng nhưng không buông xuôi, không đầu hàng mà quyết định đương đầu với bệnh tật. Tôi cho rằng mình có quyền được sống, quyền hy vọng và tin tưởng căn bệnh của mình có thể chữa khỏi”.

Giai đoạn xạ trị, hóa trị đã khiến thân hình yêu kiều và mái đầu xanh mướt của người mẹ trẻ trở nên tiều tụy xác xơ. Nhưng sau khi kết thúc hóa trị 2 tháng, mái tóc mượt mà ngày nào của chị đang bắt đầu mọc lại, nét xuân sắc cũng ngập tràn theo tiếng cười rộn rã cùng chồng con và gia đình. “Không gì tốt đẹp hơn niềm hạnh phúc được sống thêm dù chỉ là 1 ngày để làm những điều tốt đẹp cho mọi người”, chị Huyền chia sẻ.

“Ung thư vú không phải nan y”

Đó là khẳng định của GS Nguyễn Chấn Hùng, Chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam trong Diễn đàn người bệnh ung thư vú, tổ chức tại TP.HCM (ngày 9/5) do Quỹ Hỗ trợ bệnh nhân ung thư - Ngày mai tươi sáng, Bộ Y tế kết hợp với Hội ung thư Việt Nam, Bệnh viện Ung Bướu TP.HCM tổ chức.

GS Nguyễn Chấn Hùng chia sẻ: “Đôi gò bồng đảo là niềm kiêu hãnh của nữ tính nhưng lại thường bị ung thư nhất ở phụ nữ với tỷ lệ khoảng 29,9/100.000 dân. Tuy nhiên, hiện nay những kiến thức về bệnh ung thư vú và các bệnh ung thư nói chung vẫn chưa được phổ biến rộng rãi khiến người dân chưa hiểu biết đầy đủ về căn bệnh này, người bệnh thường vào viện khi đã ở giai đoạn muộn làm giảm hiệu quả điều trị.

 

Y học phát triển giúp người bệnh ung thư tự tin chiến đấu, chiến thắng bệnh tật

Bệnh ung thư vú thường gặp ở phụ nữ trong độ tuổi từ 35 - 50. Bệnh khởi phát với các triệu chứng: Ban đầu có thể im lìm, không nhận diện được cho đến khi xuất hiện một cục nhỏ hoặc chỗ dầy trong bầu vú khiến hình dáng vú thay đổi, da vú xù xì như vỏ cam, ngứa cuồng vú, núm vú ứa dịch đỏ, núm vú thụt vào, khi hạch xuất hiện ở nách thì bệnh đã nặng.

GS Nguyễn Chấn Hùng khẳng định, ung thư vú ngày này không còn là án tử nữa. Bây giờ điều trị hay lắm, nếu đoạn nhũ, bác sỹ có thể tái tạo tuyến vú ngay để trả lại nét yêu kiều cho chị em. Khám tầm soát, biết bệnh thật sớm thì người bệnh chỉ bị bứng khối ung thư rồi xạ trị liền sẽ bảo tồn được bầu vú, giữ dáng ngọc.

Hóa trị hiện đã dùng nhiều thuốc mới, thuốc tốt giúp tiêu diệt tế bào ung thư còn rơi rớt, tránh nguy cơ tái phát bệnh. Liệu pháp nội tiết đời mới dùng các chất kháng estrogen đang mang lại hiệu quả bất ngờ. Máy xạ trị hiện đại dùng tia phóng xạ giết chết tế bào ung thư rất êm. Thuốc nhắm trúng đích mới xuất hiện mươi năm nay đã mang lại những tiến bộ vượt bậc giúp các bác sỹ có nhiều lựa chọn phù hợp với cơ địa của từng người bệnh.

Ở góc độ tâm lý bệnh nhân ung thư vú, PGS.TS.BS Trần Văn Thiệp, Chủ nhiệm Bộ môn Ung thư, Đại học Y Dược, TP.HCM phân tích: “Thời gian đầu khi mới phát hiện bệnh, tâm lý bệnh nhân vô cùng căng thẳng, nếu không tìm được hướng giải quyết người bệnh dễ rơi vào lo buồn, trầm cảm, suy nghĩ tiêu cực. Bên cạnh đó, bệnh nhân thường có những lo lắng về biến dạng cơ thể khi đoạn nhũ, lo lắng về phương pháp điều trị, sợ bệnh tái phát dẫn đến thiếu tự tin và bị ám ảnh bởi cái chết. Người bệnh lúc này rất cần sự quan tâm, động viên chia sẻ của gia đình, xã hội. Để bệnh nhân an tâm điều trị, các bác sỹ phải tận tâm trong việc tư vấn, cung cấp thông tin đẩy đủ về tình hình bệnh và các giải pháp điều trị”.

 

 

Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Bạn đọc viết