Mối liên hệ giữa vòng eo và nguy cơ suy tim

Để giảm nguy cơ tim mạch, vòng eo của một người trưởng thành nên nhỏ hơn một nửa chiều cao của họ - Ảnh: Getty Images.

7 nguyên nhân khiến bạn khó giảm mỡ bụng

Dành 8 phút mỗi ngày cho 4 động tác tập bụng

Điều trị và kiểm soát bệnh suy tim cho người cao tuổi

Những điều bạn cần biết về bệnh suy tim

Theo Express, một nghiên cứu quy mô lớn trên 430.000 người ở Anh từ 40 đến 70 tuổi trong vòng 13 năm cho thấy, vòng eo là yếu tố lớn hơn đối với các vấn đề sức khỏe tim mạch so với các chỉ số béo phì khác như chỉ số khối cơ thể (BMI).

Nghiên cứu của các nhà khoa học thuộc Đại học Oxford được trình bày tại Đại hội Hiệp hội tim mạch Châu Âu ở Barcelona (Tây Ban Nha) cho thấy, những người có vòng eo lớn nhất có nguy cơ bị suy tim cao gấp 3,2 lần so với những người mảnh khảnh. Ngoài ra, những người trong nhóm có chỉ số BMI cao nhất có nguy cơ suy tim cao hơn 2,65 lần so với những người ở nhóm thấp nhất.

Trưởng nhóm nghiên cứu, Tiến sĩ Ayodipupo Oguntade khẳng định, lượng chất béo trong cơ thể đóng vai trò quan trọng trong việc theo dõi cân nặng và nguy cơ mắc bệnh tim mạch. 

Hiện có khoảng 920.000 người Anh bị suy tim với 200.000 trường hợp mới được phát hiện mỗi năm. Đây là nguyên nhân hàng đầu khiến những người trên 65 tuổi nhập viện.

James Leiper, phó giám đốc y tế Quỹ Tim mạch Anh, giải thích: “Số đo vòng eo lớn hơn thường là dấu hiệu cho thấy bạn có quá nhiều mỡ nội tạng. Chất béo này nằm xung quanh các cơ quan nội tạng của chúng ta và làm suy yếu hoạt động của tim và mạch máu".

"Suy tim là một tình trạng mạn tính và không thể chữa khỏi, sẽ trở nên trầm trọng hơn theo thời gian. Vì vậy, những phát hiện này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc kiểm soát cân nặng của bạn” - James Leiper nói thêm.

Các chuyên gia kêu gọi mọi người thường xuyên kiểm tra kích thước vòng eo và cho rằng, vòng eo của một người trưởng thành nên nhỏ hơn một nửa chiều cao của họ. 

Suy tim là tình trạng cơ tim suy giảm khả năng bơm máu dẫn đến cung cấp không đủ máu và oxy cho cơ thể. Các triệu chứng thường gặp là tim thường xuyên đập mạnh, mệt mỏi, khó thở khi làm những vận động đơn giản hằng ngày như đi bộ, leo cầu thang, ho dai dẳng, khò khè, phù chân, đầy bụng, chán ăn, giảm sút trí nhớ, lú lẫn… 

Số lượng bệnh nhân suy tim trên toàn thế giới tăng gần gấp đôi từ 33,5 triệu người năm 1990 lên 64,3 triệu người năm 2017. Thống kê được công bố trên Preventive Cardiology, Tạp chí của Hiệp hội Tim mạch Châu Âu. 

Tỷ lệ sống sót trong vòng 1 năm ở bệnh nhân suy tim là 76%, sau 5 năm là 45%, sau 10 năm là 24,5% và sau 15 năm là 13%.

 
Hiệp Nguyễn (Theo Express)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin