Muối kali hỗ trợ dự phòng đột quỵ tái phát

Muối ăn bổ sung kali là lựa chọn thay thế tốt cho sức khỏe tim mạch

Bệnh nhân cấp cứu và đột quỵ tăng đột biến dịp Tết Nguyên đán

Vệ sinh răng miệng bằng chỉ nha khoa giúp giảm nguy cơ đột quỵ?

Cách phòng tránh cục máu đông gây đột quỵ

Nhận biết sớm dấu hiệu nhồi máu não

Nghiên cứu lâm sàng ngẫu nhiên quy mô lớn đã phát hiện rằng, sử dụng muối bổ sung kali có thể giảm tỷ lệ tái phát đột quỵ và tử vong. Kết quả được phân tích từ dữ liệu thuộc nghiên cứu về Muối thay thế và Đột quỵ (SSaSS) được thực hiện tại gần 21.000 người ở Trung Quốc.

Đột quỵ là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong và tàn tật ở các nước thu nhập thấp và trung bình. Tỷ lệ tái phát đột quỵ cũng là vấn đề đáng lo ngại. Tại Trung Quốc, tỷ lệ tái phát đột quỵ cao hơn mức trung bình toàn cầu là 17% sau 1 năm và 41% sau 5 năm. Thói quen ăn nhiều muối natri, trong khi ăn ít kali được coi là yếu tố nguy cơ chính dẫn đến đột quỵ, đặc biệt ở miền bắc Trung Quốc. 

Trong nghiên cứu SSaSS, các nhà nghiên cứu đã thay thế muối ăn thông thường bằng muối chứa 75% natri chloride và 25% kali chloride. Kết quả cho thấy, việc sử dụng muối thay thế giúp giảm 14% tỷ lệ tái phát đột quỵ so với nhóm sử dụng muối thông thường. 

Nhóm sử dụng muối thay thế cũng có huyết áp tâm thu trung bình thấp hơn trong quá trình theo dõi. Đáng chú ý, tỷ lệ đột quỵ xuất huyết não giảm 30% và tỷ lệ tử vong liên quan đến đột quỵ giảm 21%. Không có sự khác biệt đáng kể về nguy cơ tăng kali máu giữa các nhóm.

Muối kali giúp giảm nguy cơ bệnh tim và đột quỵ

Muối kali giúp giảm nguy cơ bệnh tim và đột quỵ

Những phát hiện này cho thấy, giảm lượng muối natri bằng cách bổ sung 25% muối kali là một biện pháp can thiệp an toàn có thể giảm tỷ lệ tái phát đột quỵ và tử vong ở những người sống sót sau đột quỵ. Các nhà nghiên cứu đã đề xuất áp dụng rộng rãi hơn biện pháp này để cải thiện sức khỏe cộng đồng.

Sử dụng các loại muối thay thế chứa ít natri cũng là khuyến cáo mới nhất của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) trong năm 2025. Trên toàn cầu, trung bình mỗi người dùng hơn 4,3gr natri mỗi ngày, tức là gấp đôi giới hạn khuyến nghị của WHO. 

Các chuyên gia của WHO đã xem xét 26 thử nghiệm ngẫu nhiên trên tổng cộng gần 35.000 người tham gia, đa phần là người bệnh tăng huyết áp. Tất cả các nghiên cứu này đều không thực hiện trên đối tượng dễ gặp biến chứng khi nồng độ kali máu tăng cao. Kết quả cho thấy chỉ số huyết áp tâm thu và tâm trương đều giảm rõ rệt khi sử dụng muối thay thế chứa kali chloride.  

Các loại muối thay thế sẽ chứa ít natri hơn, thay vào đó là kali chloride, cùng các phụ gia khác để tạo vị mặn tương tự muối ăn. Đây là chiến lược có nhiều tiềm năng giúp giảm huyết áp và dự phòng bệnh mạch vành. Dù vậy, khuyến cáo này không dành cho phụ nữ mang thai, trẻ em, người có bệnh về thận, hoặc đang gặp các vấn đề hoặc dùng thuốc gây ức chế quá trình thải kali qua nước tiểu.

Một thách thức khác là muối kali đắt hơn so với muối natri, phổ biến ở các nước thu nhập cao với giá thành gấp 15 lần muối ăn thông thường.

Khuyến cáo của WHO cũng không đề cập đến việc các cơ sở sản xuất thực phẩm chế biến sẵn chuyển đổi sử dụng muối ít natri. Trong khi đó, thói quen sử dụng thực phẩm chế biến sẵn, đồ ăn nhanh đóng góp một lượng muối không nhỏ vào chế độ ăn của chúng ta.

 
Quỳnh Trang (Theo Medical Xpress)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Tim mạch