Caffeine có trong cà phê có thể phản ứng tiêu cực với một số loại thuốc.
Cách pha cà phê không làm tăng cholesterol
Tin vui cho những người hay uống cà phê buổi sáng
Có nên uống cà phê đen sau tập luyện?
Uống trà và cà phê giảm nguy cơ mắc ung thư đầu cổ?
1. Thuốc chống đông máu
Một số nghiên cứu khoa học đã chỉ ra caffeine có khả năng làm tăng nồng độ của thuốc chống đông máu trong máu, từ đó khuếch đại tác dụng của thuốc. Điều này đồng nghĩa với việc những người thường xuyên tiêu thụ caffeine trong quá trình sử dụng thuốc chống đông máu có thể đối mặt với nguy cơ chảy máu cao hơn do tác dụng chống đông máu quá mức.
2. Thuốc chống trầm cảm
Uống nhiều cà phê trong quá trình sử dụng thuốc chống trầm cảm có thể làm giảm lượng thuốc mà cơ thể hấp thụ, dẫn đến làm giảm công dụng thuốc trong điều trị trầm cảm, lo âu và các vấn đề sức khỏe tâm thần khác. Một số thuốc chống trầm cảm đã được ghi nhận có tương tác với caffeine bao gồm fluvoxamin, escitalopram, amitriptylin và imipramine. Đặc biệt, khi dùng đồng thời fluvoxamin với cà phê có thể làm tăng nguy cơ gặp phải các tác dụng phụ của caffeine như tim đập nhanh và rối loạn giấc ngủ.
3. Thuốc chống loạn thần
Uống cà phê cùng lúc với một số thuốc chống loạn thần có thể làm giảm khả năng hấp thụ thuốc của cơ thể, dẫn đến giảm hiệu quả điều trị. Các ví dụ về thuốc chống loạn thần có tương tác với cà phê bao gồm aripiprazole, prochlorperazine, haloperidol và pimozide. Mặc dù vậy, việc sử dụng cà phê trong quá trình điều trị bằng thuốc chống loạn thần vẫn có thể an toàn nếu người bệnh tuân thủ nguyên tắc chia đều liều dùng thuốc và tách biệt thời điểm uống thuốc với thời điểm uống cà phê để tránh tương tác làm giảm hấp thu thuốc.
4. Thuốc điều trị hen suyễn
Thuốc giãn phế quản thường được sử dụng nhằm mục đích làm thư giãn các cơ trơn bao quanh đường thở, giúp mở rộng chúng và cải thiện lưu thông khí, từ đó làm người bệnh hen suyễn dễ thở hơn. Tuy nhiên, sử dụng thuốc giãn phế quản có thể đi kèm với một số tác dụng phụ như bồn chồn, tim đập nhanh, đau đầu và cảm giác cáu kỉnh. Điều quan trọng cần lưu ý là caffeine có khả năng tương tác tiêu cực với thuốc giãn phế quản, có thể làm trầm trọng thêm các tác dụng phụ đã nêu và đồng thời có thể làm giảm hiệu quả của thuốc do ảnh hưởng đến quá trình hấp thụ thuốc tại đường thở.
5. Thuốc huyết áp
Thuốc huyết áp propranolol và metoprolol thuộc nhóm thuốc chẹn beta, có cơ chế hoạt động bằng cách làm chậm nhịp tim và giảm lực co bóp của tim, từ đó hạ huyết áp và giảm gánh nặng cho tim. Việc uống cà phê đồng thời với các thuốc này có thể gây ra tương tác dược lý, dẫn đến giảm khả năng hấp thu của thuốc. Caffeine trong cà phê có tác dụng kích thích hệ thần kinh giao cảm, làm tăng nhịp tim và huyết áp, đi ngược lại tác dụng hạ huyết áp của propranolol và metoprolol. Ngoài ra, cà phê có thể làm tăng tốc độ chuyển hóa của thuốc, khiến thuốc bị đào thải nhanh hơn và giảm nồng độ hiệu quả trong máu.

Không nên dùng chung cà phê với các loại thuốc - Ảnh tạo bởi AI
6. Thuốc cảm và dị ứng
Nếu người bệnh đang sử dụng thuốc điều trị dị ứng hoặc cảm lạnh, hãy kiểm tra thành phần vì một số loại có chứa pseudoephedrine kích thích hệ thần kinh tương tự như caffeine. Việc kết hợp pseudoephedrine với cà phê có thể làm tăng nguy cơ gặp các tác dụng phụ như bồn chồn, tim đập nhanh và khó ngủ. Do đó, nên tránh uống cà phê khi đang dùng các thuốc chứa pseudoephedrine hoặc fexofenadine.
7. Thuốc cho người bệnh đái tháo đường
Caffeine có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng của bệnh đái tháo đường và ảnh hưởng đến quá trình chuyển hoá glucose. Cụ thể, uống nhiều cà phê có thểm làm tăng lượng đường trong máu và nồng độ insulin, gây khó khăn trong việc kiểm soát bệnh.
8. Thuốc điều trị loãng xương
Các thuốc điều trị loãng xương như ibandronate và risedronate giúp tăng cường mật độ xương và giảm nguy cơ gãy xương. Để đảm bảo hiệu quả tối ưu, các chuyên gia y tế khuyến cáo nên uống các thuốc này khi bụng đói, chỉ với nước lọc. Việc uống cà phê cùng lúc có thể cản trở quá trình hấp thụ thuốc, dẫn đến giảm hiệu quả điều trị.
9. Thuốc điều trị bệnh tuyến giáp
Thuốc tuyến giáp có vai trò điều chỉnh nồng độ hormone tuyến giáp trong cơ thể, đặc biệt quan trọng với người bị suy giáp do tuyến giáp sản xuất không đủ hormone. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng việc uống cà phê khi sử dụng một số loại thuốc tuyến giáp như levothyroxine có thể làm giảm hiệu quả của thuốc. Nghiên cứu cho thấy caffeine có thể làm giảm đáng kể khả năng hấp thụ thuốc tuyến giáp của cơ thể, lên đến một nửa. Do đó, để đảm bảo hiệu quả điều trị, người bệnh nên tránh uống cà phê cùng lúc hoặc trong vòng một giờ sau khi uống thuốc tuyến giáp.
Bình luận của bạn