Vì sao Nam Phi phân loại ngộ độc thực phẩm là “thảm họa quốc gia”?

Chỉ tính từ tháng 9 đến nay, Nam Phi đã ghi nhận ít nhất 890 vụ ngộ độc thực phẩm trên toàn quốc - Ảnh: AFP.

Thủ tướng yêu cầu tăng cường phòng ngừa ngộ độc thực phẩm

Podcast: Làm sao để tránh ăn phải nấm độc?

Mỹ cảnh báo ngộ độc thực phẩm do thịt nguội nhiễm khuẩn Listeria

Nguyên nhân liên tiếp xảy ra hàng loạt vụ ngộ độc thực phẩm

Động thái này diễn ra sau khi ít nhất 23 trẻ em tử vong nghi do ngộ độc thực phẩm chỉ trong mấy tháng gần đây.

Tuần qua, một bé trai 5 tuổi đã trở thành nạn nhân tử vong mới nhất sau khi được cho là đã ăn đồ ăn nhẹ từ một cửa hàng nhỏ ở Soweto.

Một số trường hợp tử vong khác được cho là do thực phẩm bị nhiễm thuốc trừ sâu mua từ các cửa hàng tiện lợi nhỏ ở các thị trấn, mặc dù không rõ liệu tất cả các vụ việc có liên quan hay không.

Theo Telegraph, trước tình hình đó, Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa đã công bố các biện pháp ứng phó tình trạng ngộ độc thực phẩm và kế hoạch loại bỏ các sản phẩm nghi ngờ chứa thuốc trừ sâu. Theo đó, các cơ sở dịch vụ ăn uống, cửa hàng tiện lợi (hay cửa hàng spaza hoặc cửa hàng bán đồ ăn nhẹ) có 21 ngày để đăng ký đảm bảo các quy định và tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm. Những cơ sở nào không đáp ứng được sẽ phải đóng cửa.

Trong vụ việc tồi tệ nhất gần đây, vào tháng 10, sáu trẻ em đã tử vong sau khi được cho là ăn đồ ăn nhẹ mua từ một cửa hàng spaza ở Naledi, Soweto.

Báo cáo của Bộ Nông nghiệp Nam Phi cho biết, hợp chất terbufos dùng làm thuốc trừ sâu có thể là nguyên nhân. Hóa chất này cực kỳ độc hại và được sử dụng rộng rãi trong nông nghiệp: trồng cam, ngô và khoai tây, nhưng cũng thường được bán bất hợp pháp như một loại thuốc trừ sâu đường phố để chống lại sự "hoành hành" của chuột trong thị trấn.

Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa phát biểu trên truyền hình, công bố kế hoạch ứng phó với thảm họa quốc gia về an toàn thực phẩm - Ảnh: Spunik Africa

Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa phát biểu trên truyền hình, công bố kế hoạch ứng phó với thảm họa quốc gia về an toàn thực phẩm - Ảnh: Spunik Africa

"Sau quá trình kiểm tra nghiêm ngặt, một gói khoai tây chiên được tìm thấy của một trong số những trẻ em tử vong, đã phát hiện "dấu vết" của chất terbufos ở cả bên trong và bên ngoài sản phẩm" - Tổng thống Cyril Ramaphosa cho biết.

Các mẫu thực phẩm cũng đã được lấy từ 84 cửa hàng spaza trong các cuộc thanh tra sau cái chết của những đứa trẻ và cho thấy rằng 3 cửa hàng spaza có bằng chứng về việc sử dụng sản phẩm chứa terbufos. Các thanh tra viên cũng đã tìm thấy thực phẩm được lưu trữ bên cạnh thuốc trừ sâu.

"Người dân của chúng tôi có mọi quyền để buồn bã và tức giận trước những thảm kịch như vậy", ông Ramaphosa cho biết.

Theo Telegraph, chỉ tính từ tháng 9 đến nay, Nam Phi đã ghi nhận ít nhất 890 vụ ngộ độc thực phẩm trên toàn quốc.

Ông Velenkosini Hlabisa, Bộ trưởng Quản lý hợp tác và các vấn đề truyền thống Nam Phi, cho biết việc phân loại các vụ ngộ độc là "thảm họa quốc gia" đã trao cho chính phủ nhiều quyền hạn quản lý hơn để thực thi các tiêu chuẩn, qua đó sẽ cấp quyền khẩn cấp toàn diện để xử lý các vấn đề về an toàn thực phẩm.

Bên cạnh đó, các bác sĩ cũng sẽ phải báo cáo khẩn cấp về trường hợp tử vong của bất kỳ bệnh nhân nào dưới 12 tuổi, nhằm giúp các chuyên gia hiểu rõ hơn về quy mô của vấn đề.

Tiến sĩ Aaron Motsoaledi, Bộ trưởng Y tế Nam Phi, cho biết terbufos thường được bán rộng rãi và không chỉ có ở các cửa hàng spaza, mà còn được bán ở các bến taxi và những người bán hàng rong.

Một vấn đề nữa khiến các nhà chức trách Nam Phi "đau đầu" là nhiều cửa hàng spaza do người nước ngoài làm chủ và các vụ ngộ độc thực phẩm thời gian qua đã làm gia tăng căng thẳng với những người nhập cư trong nước. Một số gia đình, cư dân phẫn nộ khi những đứa trẻ của họ đã chết và đổ lỗi cho những chủ cửa hàng spaza do người nhập cư làm chủ, sử dụng thuốc trừ sâu để diệt chuột và bán các mặt hàng thực phẩm hết hạn hoặc các nhãn hiệu thực phẩm chế biến giả cho các cộng đồng nghèo, nơi mọi người không đủ khả năng mua sắm tại siêu thị.

Trong khi, các chủ cửa hàng cũng đặt câu hỏi liệu 21 ngày có đủ thời gian để đăng ký tất cả các doanh nghiệp của họ hay không trước lệnh đóng cửa, ước tính chỉ riêng ở Soweto đã có khoảng 1.000 cửa hàng spaza.

Truy tìm nguồn gây ô nhiễm và bảo vệ trường học

Nam Phi đang mở các cuộc thanh tra toàn diện về an toàn thực phẩm trên toàn quốc - Ảnh: The South African

Nam Phi đang mở các cuộc thanh tra toàn diện về an toàn thực phẩm trên toàn quốc - Ảnh: The South African

Theo Food Safety News, Bộ trưởng Y tế Nam Phi Aaron Motsoaledi thừa nhận những thách thức trong việc truy tìm nguyên nhân dẫn đến các trường hợp tử vong và ngộ độc liên quan đến thực phẩm. Ông cho biết việc giải quyết vấn đề này vẫn đang ở giai đoạn đầu và đòi hỏi sự kiên nhẫn.

Đã có những lời kêu gọi đóng cửa các cửa hàng spaza cho đến khi vấn đề được giải quyết nhưng ông Motsoaledi cho biết vấn đề này không chỉ giới hạn ở những cơ sở này.

Các cuộc điều tra về nguồn gây ô nhiễm thực phẩm bao gồm việc xem xét 5 nhà sản xuất Terbufos, loại thuốc chỉ dành cho mục đích nông nghiệp, để xem nó đã xâm nhập vào cộng đồng như thế nào. Bộ Nông nghiệp Nam Phi đang tiến hành kiểm tra các công ty này để đánh giá các biện pháp kiểm soát của họ.

“Theo quan điểm của Bộ, Terbufos được tìm thấy ở Gauteng không phải xuất phát từ một trong năm nhà sản xuất Nam Phi mà thay vào đó là từ bên kia biên giới Nam Phi,” Bộ trưởng Nông nghiệp Nam Phi John Steenhuisen cho biết, theo FSN.

Bên cạnh đó, chính quyền Nam Phi cũng đang cố gắng ngăn chặn việc xâm nhập thuốc trừ sâu trong khu vực trường học.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục Nam Phi Siviwe Gwarube nhấn mạnh vai trò của Bộ trong việc bảo vệ học sinh, đặc biệt là khi nhiều trường hợp tử vong do ngộ độc thực phẩm gần đây ở Nam Phi liên quan đến trẻ em trong độ tuổi đi học.

"Chúng tôi đã tiến hành nhiều cuộc thanh tra về chương trình dinh dưỡng học đường để tìm hiểu xem chương trình này có bị xâm phạm hay không. Những phát hiện của chúng tôi chỉ ra rằng phần lớn các trường hợp tử vong này không liên quan đến chương trình dinh dưỡng học đường", bà Siviwe Gwarube cho biết.

Chương trình dinh dưỡng học đường cung cấp thức ăn cho 9,7 triệu học sinh mỗi ngày ở Nam Phi. Bộ trưởng Siviwe Gwarube nhấn mạnh về mối nguy hiểm do trẻ em mang đồ ăn nhẹ vào trường, thường được chia sẻ giữa các học sinh.

"Những loại thuốc trừ sâu, chỉ được sử dụng trong công nghiệp và nông nghiệp, không được phép sử dụng trong khuôn viên trường học, bao gồm cả những loại thuốc bảo quản thực phẩm cho chương trình dinh dưỡng học đường", bà Siviwe Gwarube cho biết.

Cơ quan quản lý Giáo dục của Nam Phi đang thực hiện các hướng dẫn nghiêm ngặt hơn để bảo vệ thực phẩm trong trường học khỏi bị ô nhiễm, bao gồm đảm bảo người xử lý và phân phối thực phẩm tuân thủ các giao thức vệ sinh nghiêm ngặt. Ngoài ra, Bộ cũng ban hành hướng dẫn cho các tỉnh và trường học về việc bảo quản và xử lý thực phẩm.

Các cuộc thanh tra toàn diện về an toàn thực phẩm trên khắp Nam Phi tại các cơ sở xử lý thực phẩm, nhà sản xuất, nhà phân phối, nhà bán buôn và nhà bán lẻ đang được gấp rút tiến hành. Ngoài ra, chính quyền Nam Phi cũng đang tổ chức các chiến dịch giáo dục và nâng cao nhận thức của công chúng về phòng bệnh do ngộ độc thực phẩm. 

 
Hiệp Nguyễn (Theo Telegraph/Food Safety News)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin