Người bị cảm cúm nên bổ sung đủ nước để mau khỏe
Podcast: Cúm gia cầm lây lan qua đường nào?
“Hành trang” khi bước vào mùa cúm
Cúm gia cầm lây nhiễm sang bò: Uống sữa có an toàn?
Cách sử dụng thịt, trứng, sữa an toàn trước nguy cơ dịch cúm gia cầm
Thực phẩm, đồ uống cho người bị cúm
Cảm cúm là bệnh thường gặp do virus cúm, dễ lây lan khi thời tiết thay đổi. Người bị cúm thường gặp triệu chứng như sốt, đau họng, đôi khi vị giác thay đổi và khiến người bệnh chán ăn. Tuy nhiên, dinh dưỡng đầy đủ giúp cơ thể nhanh chóng phục hồi hơn khi bị cúm.
Dưới đây là những nhóm thực phẩm, đồ uống bạn nên bổ sung khi bị cảm cúm:
Bổ sung nước đầy đủ
Người bị cảm cúm nhìn chung nên bổ sung đủ chất lỏng cho cơ thể. Mất nước, sốt cao, tiêu chảy, buồn nôn và nôn mửa là những triệu chứng có thể xảy ra khi nhiễm virus cúm. Do đó, bạn cần bù đắp đủ dịch cho cơ thể, để ngăn ngừa tình trạng mất nước.
Thức uống phù hợp cho người bị cúm gồm: Nước lọc, các loại trà không chứa caffeine, thức uống điện giải ít đường, nước ép trái cây tươi (không đường phụ gia). Ngoài ra, ăn rau củ quả chứa nhiều nước như dưa, cam, dưa chuột, cà chua, cần tây, xà lách… cũng giúp bổ sung lượng nước đáng kể cho cơ thể.
Uống nước hầm xương
Các món canh, nước hầm xương là lựa chọn lý tưởng cho người đang bị mệt mỏi, uể oải do cảm cúm. Không chỉ bổ sung nước và các chất điện giải cần thiết, canh xương ấm còn giúp làm dịu cổ họng.
Sữa chua và thực phẩm giàu probiotic
Probiotic là các lợi khuẩn đường tiêu hóa có thể giúp tăng sức đề kháng, củng cố hệ miễn dịch. Dù chưa có nhiều nghiên cứu về lợi ích trực tiếp của probiotic với người bị cảm cúm, bạn vẫn có thể bổ sung món ăn giàu lợi khuẩn như sữa chua, kimchi, tương miso vào bữa ăn.
Bánh mì trắng
Nhiều người bị đau bụng, buồn nôn do bệnh cúm không có khẩu vị ăn uống, sợ các món dầu mỡ và cay nồng. Khi đó, thực phẩm nhạt và giàu tinh bột như bánh mì trắng, cơm trắng, khoai luộc… có thể dễ ăn hơn cả. Bánh mì trắng mềm và ít chất xơ, giúp bổ sung nguồn năng lượng từ carbohydrate nhanh chóng. Sau khi khỏi cảm cúm, bạn nên thay bánh mì trắng bằng các loại ngũ cốc nguyên hạt giàu chất xơ.
Trái cây họ cam chanh
Các loại quả như cam, quýt, bưởi là nguồn vitamin C dồi dào. Nghiên cứu cho thấy, bổ sung vitamin C khi ốm có thể giúp người bị cảm cúm nhanh cải thiện triệu chứng.
Ngoài trái cây họ cam chanh, còn có nhiều thực phẩm giàu vitamin C như ớt chuông, dâu tây, kiwi, xoài. Bạn có thể uống nước cam tươi, hoặc thêm chút chanh vào nước ấm và thưởng thức khi bị cúm.
Kiêng gì khi bị cúm?
Người bị cúm cần tránh những thực phẩm, đồ uống có thể làm triệu chứng bệnh cúm thêm nặng dưới đây:
Đồ uống có cồn
Đồ uống có cồn như bia, rượu làm suy giảm hệ miễn dịch. Nghiên cứu trên động vật cho thấy, thức uống có cồn còn làm tình trạng nhiễm virus cúm trở nặng. Người có tiền sử nghiện rượu có nguy cơ cao phải nhập viện và điều trị tích cực ICU.
Một lý do nữa là rượu bia có tác dụng lợi tiểu, khiến người bị cúm đi tiểu nhiều hơn, tăng nguy cơ mất nước.
Đồ ăn chứa nhiều đường
Đường phụ gia liên quan tới hiện tượng viêm trong cơ thể, khi tình trạng viêm tăng cao khiến cơ thể khó phục hồi và dễ gặp biến chứng kéo dài. Người khỏe mạnh cũng cần hạn chế sử dụng thực phẩm chứa nhiều đường tinh luyện. Khi bị cảm cúm, bạn nên kiêng ăn đồ ngọt, nước ngọt, bánh kẹo, sữa chua có đường…
Thịt chế biến sẵn
Các loại thịt đã qua chế biến như thịt muối, xúc xích, thịt xông khói vừa liên quan tới hiện tượng viêm, vừa làm tăng nguy cơ ung thư. Để hệ miễn dịch có thể hoạt động tốt, chống chọi với virus cúm, tốt hơn hết bạn nên hạn chế ăn thịt chế biến sẵn. Thay vào đó, hãy chọn món ăn nấu từ thực phẩm tươi ngon, lành mạnh và dễ tiêu.
Bình luận của bạn