Probiotic có khả năng giữ cho môi trường đường ruột khỏe mạnh bằng cách ngăn chặn sự phát triển của các sinh vật gây hại, củng cố hàng rào vi khuẩn đường ruột và phục hồi các lợi khuẩn sau quá trình bệnh lý hoặc sử dụng thuốc kháng sinh.
Rối loạn tiêu hóa dùng men vi sinh hay men tiêu hóa?
Nên chọn loại probiotics nào trong khi dùng thuốc kháng sinh?
Podcast: Trẻ bị rối loạn tiêu hóa có nên uống men vi sinh?
Sai lầm thường gặp sử dụng probiotics
Mỗi cá nhân có một hệ vi sinh vật đường ruột đa dạng và độc đáo khác nhau, do đó hiệu quả của lợi khuẩn có thể cũng khác nhau. Bạn có thể quan sát một số dấu hiệu sau đây để đánh giá mức độ hiệu quả của chúng:
1. Triệu chứng đau bụng giảm
Theo Tiến sĩ Keri Gans, đồng thời là Chuyên gia dinh dưỡng và tác giả cuốn sách “Thay đổi nhỏ trong chế độ ăn uống” (The Small Change Diet), nếu sản phẩm bổ sung probiotic thực sự hiệu quả, bạn sẽ cảm thấy tình trạng đầy hơi và chướng bụng được cải thiện đáng kể. Một số nghiên cứu cũng cho thấy, đối với những người mắc Hội chứng ruột kích thích (IBS), probiotic có thể giúp giảm đau bụng.
2. Giảm đầy hơi
Theo TS. Gans, việc bổ sung lợi khuẩn có thể giúp cải thiện đáng kể tình trạng đầy hơi và chướng bụng. Cơ chế hoạt động của lợi khuẩn là giúp cân bằng hệ vi sinh đường ruột, từ đó làm giảm quá trình lên men và sản sinh khí gây chướng bụng, vốn là hậu quả của sự mất cân bằng vi khuẩn đường ruột.
Tuy nhiên, một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng, việc bổ sung quá nhiều lợi khuẩn có thể gây ra tác dụng phụ như tăng cường các triệu chứng đầy hơi, chướng bụng trong thời gian đầu. Điều này được lí giải là do đường ruột cần thời gian để làm quen và thích ứng với lượng lớn vi khuẩn mới được bổ sung.
3. Giảm triệu chứng bệnh viêm ruột
Những người mắc bệnh viêm ruột và các bệnh lý viêm nhiễm đường ruột khác thường cảm thấy dễ chịu hơn khi sử dụng lợi khuẩn. Bằng cách cân bằng hệ vi khuẩn đường ruột, lợi khuẩn góp phần làm giảm các triệu chứng khó chịu thường gặp.
Mặc dù cơ chế hoạt động chi tiết vẫn chưa được khám phá hết, nhưng các nghiên cứu cũng đã chứng minh mối liên hệ rõ rệt giữa sự thay đổi của hệ vi sinh đường ruột và hiệu quả của lợi khuẩn trong việc cải thiện tình trạng bệnh.
4. Tạo cường độ đại tiện đều đặn
Nếu bạn thấy đi vệ sinh dễ dàng hơn và đều đặn hơn sau khi dùng lợi khuẩn thì đó là một dấu hiệu tốt. Men vi sinh giúp hệ tiêu hóa hoạt động tốt hơn, giảm táo bón. Một nghiên cứu được đăng tải trên tạp chí Dinh dưỡng lâm sàng Châu Âu (The European Journal of Clinical) đã cho thấy hiệu quả này thường biểu hiện rõ rệt nhất sau khoảng 2 tháng sử dụng.
5. Ngủ ngon hơn
Nếu bạn nhận thấy giấc ngủ của mình sâu và ngon hơn, đó có thể là dấu hiệu cho thấy lợi khuẩn đang giúp cải thiện cả sức khỏe thể chất lẫn tinh thần của bạn. Nghiên cứu được đăng tải trên trang chủ của Nhà xuất bản Học thuật Wageningen (Wageningen Academic Publishers) đã chỉ ra rằng hệ vi sinh đường ruột có mối liên hệ mật thiết với sức khỏe tâm thần, đặc biệt là các vấn đề như trầm cảm và lo âu, những yếu tố này đều ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ.
Với những người mắc các rối loạn tâm trạng, lợi khuẩn có tiềm năng giúp giảm các triệu chứng và cải thiện giấc ngủ, tuy nhiên vẫn cần thêm nhiều nghiên cứu để khẳng định điều này.
6. Sức khoẻ vùng âm đạo được cải thiện
Viêm âm đạo do vi khuẩn là một vấn đề thường gặp ở phụ nữ, nhưng việc bổ sung lợi khuẩn có thể giúp giảm đáng kể mức độ nghiêm trọng, tần suất và nguy cơ tái phát của bệnh này. Bằng cách tăng cường hệ miễn dịch tại chỗ, lợi khuẩn giúp cơ thể chống lại các vi khuẩn gây bệnh, bảo vệ sức khỏe sinh sản của cơ quan sinh dục phái đẹp.
Dấu hiệu và cách khắc phục khi probiotic không hoạt động
TS. Tarun Sharma, Bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa tại Hiệp hội Tiêu hóa New Jersey (Gastroenterology Associates of New Jersey) cho biết: "Nếu không có tác dụng sau một khoảng thời gian nhất định hoặc các triệu chứng như đầy hơi, chướng bụng… ngày càng trầm trọng hơn và không thuyên giảm, thì đó là dấu hiệu rõ ràng cho thấy chế phẩm bổ sung probiotic đang không hoạt động hiệu quả”.
Các lợi khuẩn không phát huy tác dụng có thể vì những lý do sau:
- Dùng sai liều lượng.
- Uống thuốc không đúng cách (uống cùng thức ăn so với uống khi bụng đói).
- Dùng sai loại. Không phải tất cả các loại đều có tác dụng với mọi triệu chứng hoặc nhu cầu của mọi người.
- Không bảo quản lợi khuẩn đúng cách: Độ ẩm, nhiệt độ và ánh sáng có thể ảnh hưởng tiêu cực đến lợi khuẩn. Nhiều loại cần được bảo quản ở môi trường khô ráo, mát mẻ và một số loại có thể cần được làm lạnh.
TS. Sharma khuyên rằng, nếu bạn đã kiên trì dùng lợi khuẩn một thời gian mà không thấy hiệu quả, hãy đến gặp bác sĩ để được tư vấn, điều trị kịp thời. Nếu loại chế phẩm bổ sung lợi khuẩn hiện tại không phù hợp, bạn có thể thử đổi sang các loại khác có chứa Lactobacillus hoặc Bifidobacterium.
Bình luận của bạn