Salmonella là "thủ phạm" gây ra hàng loạt các vụ ngộ độc tập thể lớn ở nước ta thời gian qua.
Vũng Tàu: Gần 300 người nghi bị ngộ độc thực phẩm, Bộ Y tế chỉ đạo khẩn
Ngộ độc do nhiễm khuẩn Salmonella: Cần làm gì để phòng ngừa?
Vì sao Nam Phi phân loại ngộ độc thực phẩm là “thảm họa quốc gia”?
Vì sao thịt gà dễ nhiễm khuẩn Salmonella?
Ngày 30/11, liên quan vụ ngộ độc tập thể nghi do ăn bánh mì ở TP. Vũng Tàu, Sở Y tế tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thông báo kết quả xét nghiệm các thực phẩm đầu vào tại tiệm bánh mì, xôi "Cô Ba Bến Đình" (ở số 6 đường Nguyễn An Ninh, phường 7, TP Vũng Tàu).
Theo đó, các mẫu thực phẩm gồm thịt heo luộc, pate heo, chả lụa, và rau sống ăn kèm trong bánh mì đều phát hiện có nhiễm vi khuẩn Salmonella và E.coli, riêng nước sốt thịt heo nhiễm Salmonella không có E.coli. Cơ quan chức năng đã kết luận các mẫu thực phẩm nói trên không đạt theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với ô nhiễm vi sinh vật trong thực phẩm theo quy định của Bộ Y tế.
Ghi nhận của Sở Y tế Bà Rịa - Vũng Tàu đến chiều 29/11 có 379 người nhập viện điều trị, trong đó có một trường hợp là cụ ông 71 tuổi tử vong nghi do ăn bánh mì.
Đây là vụ ngộ độc có số lượng nạn nhân lớn nhất TP Vũng Tàu những năm qua. Hàng trăm người nhập viện với triệu chứng đau bụng, sốt cao, tiêu chảy nhiều lần sau khi ăn bánh mì mua từ tiệm bánh mì Cô Ba trên đường Nguyễn An Ninh, TP Vũng Tàu, chiều và tối 26/11, và sáng sớm hôm sau. Bánh mì bán chủ yếu ở tiệm là bánh mì thập cẩm gồm thịt luộc, chà bông, bơ, patê, chả lụa, nước sốt, đồ chua, hành.
Salmonella là "thủ phạm" gây nhiều vụ ngộ độc quy mô lớn, có thể gây nhiễm trùng nặng và nghiêm trọng, đặc biệt là ở trẻ em hoặc người cao tuổi và những người có hệ miễn dịch kém. Vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể người qua đường ăn uống, sinh độc tố làm tổn thương niêm mạc ruột, gây đau bụng, nôn ói, tiêu chảy. Salmonella phát triển rất nhanh ở môi trường nóng ẩm (35-37 độ C), phát tán ra môi trường và bám vào thực phẩm như thịt, trứng gia cầm.
Trong khi, vi khuẩn E.Coli thường sống ký sinh trong ruột người và động vật, hầu hết vô hại, một số loài gây bệnh đường ruột như tiêu chảy, đau bụng, sốt hoặc ngộ độc thức ăn.
Vi khuẩn Salmonella nguy hiểm như thế nào?
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Salmonella là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra bệnh tiêu chảy trên toàn cầu, trong đó có nhiều vụ ngộ độc quy mô lớn. WHO cũng cho biết, tiêu chảy là bệnh phổ biến nhất do thực phẩm không an toàn, có khoảng 550 triệu người mắc bệnh tiêu chảy liên quan đến thực phẩm mỗi năm, trong đó có 220 triệu trẻ em dưới 5 tuổi.
Vi khuẩn Salmonella đi vào cơ thể qua đường tiêu hóa, vượt qua môi trường acid của dạ dày, đến ruột non, bám vào niêm mạc ruột qua các protein bám dính. Sau đó xâm nhập vào tế bào niêm mạc ruột, gây tổn thương tế bào và phản ứng viêm.
Nếu bị nhiễm Salmonella, dấu hiệu khởi phát gồm sốt cao kéo dài, đau đầu, mệt mỏi, chán ăn, tiêu chảy, nôn mửa… Các triệu chứng thường bắt đầu từ 6 giờ đến 6 ngày sau khi nhiễm bệnh và kéo dài 4-7 ngày. Nếu không bù điện giải và điều trị kịp thời có thể gây ra nhiều biến chứng.
Thực phẩm nào là nguồn chính gây ra nhiễm khuẩn Salmonella?
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ, khuẩn Salmonella được tìm thấy ở một số loại thực phẩm như:
- Thịt: thịt gà, gà tây, thịt bò, thịt heo: CDC Mỹ cho biết một số đợt bùng phát vi khuẩn Salmonella gần đây hầu hết liên quan đến thịt gà. Có thể nhiễm bệnh do thịt gà bị ô nhiễm nếu không được nấu chín kỹ. Cũng có thể nhiễm bệnh nếu dịch thịt gà sống rò rỉ trong tủ lạnh hoặc dính trên mặt bếp và sau đó dính vào thức ăn ăn sống như rau sống, thịt nguội.
- Sữa và các sản phẩm sữa chưa tiệt trùng: Sữa và các sản phẩm sữa chưa tiệt trùng có thể bị nhiễm khuẩn Salmonella. Trong khi đó, quá trình thanh trùng có thể loại bỏ vi khuẩn có hại, bao gồm cả Salmonella.
- Trứng sống hoặc nấu chưa chín: Mặc dù lớp vỏ trứng có khả năng bảo vệ phần bên trong khỏi sự nhiễm bẩn nhưng gia cầm nhiễm bệnh vẫn có thể đẻ ra trứng chứa vi khuẩn Salmonella (tồn tại trước khi vỏ được hình thành). Đây chính là nguồn lây khi con người ăn phải.
- Trái cây và rau củ: Rau củ quả tươi, đặc biệt là giống nhập khẩu có thể bị nhiễm khuẩn Salmonella trong quá trình chăm bón hoặc sơ chế làm sạch bằng nước. Thực phẩm xử lý không đúng cách: Nhiều loại thực phẩm bị nhiễm vi khuẩn Salmonella bởi quá trình chế biến không đảm bảo vệ sinh, chủ yếu là do không rửa tay kỹ trước khi thực hiện.
- Nguồn lây từ vật nuôi và các loại động vật khác: Các loại động vật nói chung, bao gồm cả vật nuôi, đặc biệt là chim và bò sát có thể mang vi khuẩn Salmonella trên lông, da và phân của chúng. Do đó, đây cũng là nguồn lây nhiễm nên lưu ý.
Tình trạng lây nhiễm vi khuẩn Salmonella có thể được phòng ngừa hiệu quả bằng cách ngăn chặn nguồn lây ngay từ ban đầu. Cụ thể:
- Luôn rửa tay bằng xà phòng và nước sạch sau khi đi vệ sinh. Rửa tay kỹ trước và sau khi chế biến thức ăn hoặc ăn uống.
- Rửa sạch các bề mặt, dụng cụ chế biến thức ăn trước và sau khi sử dụng.
- Đảm bảo thực phẩm được nấu chín đến nhiệt độ an toàn trước khi ăn. Không xử lý bất kỳ loại thực phẩm nào khác trong khi đang sơ chế, chế biến thịt sống, thịt gia cầm, hải sản hoặc trứng.
- Không uống nước chưa được xử lý hoặc ăn thức ăn được chế biến từ nước chưa được xử lý…
- Rửa sạch rau củ quả trước khi chế biến.
- Không uống sữa và các sản phẩm từ sữa chưa được tiệt trùng.
Bình luận của bạn