Chuột lang tuy là loài gặm nhấm nhưng lại gây thu hút bởi vẻ ngoài đáng yêu với bộ lông dày khiến chúng trông như những "cục bông di động"
Thú cưng cũng giúp chữa lành
Podcast: Nuôi thú cưng cần đề phòng nhiễm giun đũa chó mèo
Khoa học đã bắt đầu hướng đến chó, mèo như thế nào?
Chi bộn tiền cho việc nuôi thú cưng
Dấu hiệu và triệu chứng các bệnh thường gặp ở chuột lang
Mỗi cá thể chuột lang đều mang những đặc điểm riêng biệt do đó, các biểu hiện bệnh cũng rất đa dạng. Khi nhận thấy chuột lang có dấu hiệu bất thường về sức khỏe, các sen cần chú ý đến những triệu chứng sau đây:
- Thay đổi hành vi
- Thay đổi khẩu vị
- Giảm cân
- Thay đổi khi đi tiểu hoặc đại tiện
- Mệt mỏi
- Đi lại khập khiễng
- Rụng lông
- Khô lông
- Sưng hoặc xuất hiện u cục ở bất kì bộ phận nào trên cơ thể
Các bệnh thường gặp ở chuột lang
Tắc ruột
Bệnh tắc ruột xảy ra khi khí tích tụ trong dạ dày và ruột, kết hợp với việc nhu động ruột yếu hoặc ngừng hoạt động. Khi đó, khí không thể được đào thải ra ngoài theo cơ chế bình thường, gây áp lực lên thành ruột và các cơ quan lân cận.
Tắc ruột có thể bắt nguồn từ một căn bệnh tiềm ẩn hoặc do căng thẳng. Khi bị tắc ruột, chuột lang có thể bỏ ăn. Chính vì thế, các sen cần theo dõi lượng thức ăn được tiêu thụ hàng ngày và chú ý đến mọi biểu hiện bất thường của chúng. Nếu chúng không ăn trong vòng 12 tiếng và lượng phân ít hơn, nhỏ hơn thì rất có thể chúng bị tắc ruột.
Kí sinh ngoài
Rận và ve Demodex là những tác nhân gây ra tình trạng ngứa ngáy và rụng lông ở chuột lang. Dấu hiệu dễ nhận thấy là những mảng lông rụng, đặc biệt ở vùng sau tai - nơi rận và trứng của chúng thường cư trú.
Rận và ve có thể lây lan rất nhanh giữa các cá thể chuột lang. Chúng có thể truyền nhiễm qua tiếp xúc trực tiếp, đồ chơi, hoặc thậm chí là đồ lót chuồng. Vì vậy, khi đưa một chú chuột lang mới về nhà, hãy kiểm tra kỹ các dấu hiệu nhiễm ký sinh trùng và cách ly chúng trong một thời gian. Để đảm bảo an toàn, bạn nên đông lạnh đồ chơi và đồ lót trước khi cho vào lồng, nhiệt độ thấp sẽ giúp tiêu diệt trứng và ấu trùng của ký sinh trùng.
Bệnh tử cung và buồng trứng
Chuột lang cái thường mắc phải các bệnh liên quan đến sinh sản, bao gồm u nang buồng trứng và nhiều loại ung thư, đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe và tuổi thọ. Để phòng ngừa và điều trị hiệu quả các bệnh này, việc phẫu thuật triệt sản được xem là một giải pháp tối ưu.
Thủ thuật này không chỉ ngăn chặn việc hình thành các khối u mà còn kiểm soát khả năng sinh sản, giúp giảm số lượng lứa chuột lang, đặc biệt khi chúng sống chung với chuột lang đực.
Bệnh về đường hô hấp
Chuột lang là loài động dễ mắc các bệnh về đường hô hấp như viêm phổi khi tiếp xúc với luồng không khí lạnh. Ngoài ra, chúng cũng có nguy cơ cao bị nhiễm vi khuẩn Bordetella bronchiseptica từ các loài động vật khác như chó, mèo.
Do đó, việc đảm bảo chuồng nuôi luôn ấm áp, tránh gió lùa là vô cùng quan trọng. Bên cạnh đó, việc vệ sinh cá nhân sau khi tiếp xúc với động vật cũng cần được chú ý để ngăn ngừa lây nhiễm chéo.
Thiếu hụt vitamin C
Bệnh scorbut là hậu quả trực tiếp của tình trạng thiếu hụt vitamin C trầm trọng ở chuột lang. Do không có khả năng tự tổng hợp vitamin C, chuột lang hoàn toàn phụ thuộc vào nguồn cung cấp từ thức ăn.
Vitamin C đóng vai trò thiết yếu trong quá trình sản xuất collagen. Khi thiếu hụt, các mô liên kết trở nên yếu, gây ra các triệu chứng điển hình như: suy nhược cơ thể, khó khăn trong việc di chuyển, chảy máu dưới da, tiêu chảy, chán ăn, rụng lông và xù lông.
Cách phòng ngừa bệnh ở chuột lang
Để đảm bảo sức khoẻ cho chuột lang, các sen cần lưu ý các vấn đề sau:
- Cho chuột lang ăn theo chế độ ăn phù hợp
- Theo dõi cẩn thận tình trạng ăn uống, hành vi, tình trạng bài tiết của chúng
- Rửa tay trước và sau khi tiếp xúc với chuột lang và các vật nuôi khác
- Làm lạnh tấm lót chuồng và thức ăn của chúng trước khi sử dụng
- Giữ chuồng, lồng tránh xa nơi có nhiều gió và ánh nắng trực tiếp.
Hiện nay, phong trào nuôi chuột lang tuy rất phổ biến nhưng những kinh nghiệm để điều trị bệnh cho chúng còn rất hạn chế. Chính vì vậy, các sen cần phòng bệnh hơn chữa bệnh. Nếu nhận thấy thú cưng có những biểu hiện lạ ảnh hưởng tới sức khoẻ, cần đưa chúng đi bệnh viện thú y càng sớm càng tốt, tránh để bệnh diễn biến nặng hơn.
Bình luận của bạn