Những điều cần biết về bệnh Herpes ở mèo

Bệnh Herpes ở mèo lây nhiễm rất dễ dàng thông qua tiếp xúc với mèo bị nhiễm virus hoặc qua môi trường bị ô nhiễm.

4 cách giúp mèo cưng chăm uống nước

6 bệnh về mắt thường gặp ở mèo

8 mẹo đơn giản giúp bạn tăng cường sức bền trong tập luyện

Mẹo cung cấp đủ chất xơ cho cơ thể

Thú cưng cũng bị căng thẳng

Con người có thực sự yêu thương thú cưng hơn đồng loại?

Virus herpes ở mèo là gì?

Virus herpes ở mèo còn được gọi là Feline Herpesvirus (FHV) hoặc Feline Viral Rhinotracheitis (FVR). Đây là một căn bệnh khá phổ biến ở mèo đặc biệt là những chú mèo con, mèo già hay mèo có sức đề kháng yếu thường sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề của FHV gây ra.

Mèo bị nhiễm FHV thường trở thành “vật chủ” mang mầm bệnh suốt đời. Sau giai đoạn cấp tính ban đầu, virus chuyển sang trạng thái ẩn, có thể kéo dài nhiều tháng hoặc thậm chí nhiều năm. Khi mèo gặp stress hoặc mắc các bệnh khác, virus có thể tái kích hoạt, gây ra các triệu chứng lâm sàng tái phát.

Con đường lây nhiễm FHV ở mèo

FHV lây truyền chủ yếu qua tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết đường hô hấp của mèo bệnh, bao gồm nước bọt, dịch tiết mắt và mũi. Quá trình lây nhiễm có thể diễn ra khi mèo khoẻ mạnh tiếp xúc trực tiếp với mèo bệnh, hít phải các hạt dịch tiết qua đường hô hấp hoặc sử dụng chung các vật dụng bị ô nhiễm như bát ăn. Ngoài ra, mèo mẹ cũng có thể truyền virus cho mèo con qua sữa mẹ hoặc tiếp xúc trực tiếp.

Giai đoạn ủ bệnh và thời gian lây nhiễm của virus herpes ở mèo thường kéo dài từ 2 đến 5 ngày trước khi các triệu chứng ban đầu xuất hiện. Dù thời gian mắc bệnh trung bình chỉ khoảng 10-20 ngày, khả năng lây nhiễm của mèo bệnh có thể bắt đầu từ trước khi chúng biểu hiện triệu chứng và kéo dài lên đến 3 tuần sau đó. Điều này đồng nghĩa với việc mèo có thể trở thành nguồn lây nhiễm cho những con mèo khác mà không hề có dấu hiệu bệnh lý rõ ràng.

Virus herpes ở mèo có giống với virus herpes lây cho người không?

FHV ở mèo không lây nhiễm sang người. Mỗi loài động vật đều “sở hữu” một dạng virus herpes riêng biệt và không thể lây nhiễm chéo. Vì vậy, bạn, các thành viên trong gia đình và những thú cưng khác như chó đều không cần lo lắng về việc bị lây nhiễm bệnh này từ mèo.

Virus herpes khiến mắt, mũi mèo cưng chảy dịch, thị lực giảm. Nếu không chữa trị kịp thời có thể gây mù loà.

Virus herpes khiến mắt, mũi mèo cưng chảy dịch, thị lực giảm. Nếu không chữa trị kịp thời có thể gây mù loà.

Các triệu chứng nhiễm FHV ở mèo

Thời gian ủ bệnh và biểu hiện của FHV ở mèo thường kéo dài từ 10 đến 20 ngày. Các triệu chứng của bệnh này khá tương đồng với một số bệnh nhiễm trùng đường hô hấp trên khác ở mèo. Tuy nhiên, một đặc trưng điển hình để phân biệt bệnh herpes với các bệnh khác chính là viêm kết mạc. Ngoài ra, khi mắc bệnh, mèo cưng còn xuất hiện một số triệu chứng sau:

- Chảy dịch ở mắt

- Nheo mắt

- Loét giác mạc

- Hắt hơi

- Ngạt mũi

- Chảy nước mũi

- Sốt

- Mệt mỏi

- Chán ăn

- Hạch bạch huyết sưng to

- Loét da quanh miệng và mũi (hiếm gặp)

Mèo bị nhiễm herpes mạn tính có nguy cơ cao mắc phải bệnh viêm giác mạc kết mạc khô (KCS) hoặc khô mắt. Tình trạng này thường yêu cầu điều trị bằng thuốc suốt đời nhằm kích thích tuyến lệ sản sinh nước mắt, đảm bảo độ ẩm cần thiết cho mắt.

Bệnh FHV ở mèo được điều trị như thế nào?

Mặc dù không có phương pháp chữa khỏi hoàn toàn nhưng can thiệp sớm và đúng cách có thể giúp cải thiện đáng kể tình trạng sức khỏe của mèo bị herpes. Các triệu chứng như viêm kết mạc và loét giác mạc thường được điều trị bằng thuốc nhỏ mắt và thuốc mỡ. Việc không điều trị kịp thời có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng như thủng nhãn cầu, đe dọa trực tiếp đến thị lực của mèo. Thuốc kháng virus sẽ giúp tiêu diệt virus và giúp mèo khỏe lại nhanh hơn. Nếu có thêm vi khuẩn gây bệnh, bác sĩ sẽ kê thêm thuốc kháng sinh.

Ngoài ra, bạn cần chăm sóc mèo ở nhà bằng cách lau sạch mắt mũi, hâm nóng thức ăn và tạo độ ẩm cho phòng. Bạn có thể dùng máy phun sương hoặc đưa mèo vào phòng tắm hơi.

Cách phòng ngừa FHV ở mèo

Tiêm vaccine

Để phòng ngừa hiệu quả bệnh herpes ở mèo, việc tiêm phòng vaccine là biện pháp tối ưu. Mặc dù không đảm bảo miễn dịch tuyệt đối nhưng vaccine giúp giảm đáng kể mức độ nghiêm trọng của bệnh khi mèo nhiễm virus, so với những cá thể chưa được tiêm phòng. Chương trình tiêm chủng cho mèo con thường bắt đầu từ 8 tuần tuổi, với 2-3 mũi nhắc lại trong năm đầu tiên. Sau đó, cần tiêm nhắc lại định kỳ 1-3 năm một lần.

Cách ly mèo bị bệnh

Để ngăn chặn sự lây lan nhanh chóng của virus herpes, mèo mắc bệnh cần được cách ly hoàn toàn với những chú mèo khác. Sau khi tiếp xúc trực tiếp với mèo bệnh, các “sen” cần rửa tay thật kỹ bằng xà phòng và nước sạch, hoặc sử dụng dung dịch sát khuẩn. Các vật dụng mà mèo bệnh tiếp xúc cũng cần được vệ sinh lại bằng dung sát trùng. Đồ dùng cá nhân của mèo bệnh nên được giặt ở nhiệt độ cao với chất tẩy rửa mạnh.

Giữ mèo cưng ở trong nhà

Một biện pháp hữu hiệu khác để bảo vệ mèo cưng khỏi nguy cơ nhiễm virus herpes là hạn chế cho chúng ra ngoài. Mèo đi lạc trên đường phố dễ dàng tiếp xúc với những cá thể mang mầm bệnh hoặc đã mắc bệnh, đặc biệt là những chú mèo chưa được tiêm phòng đầy đủ. Trong trường hợp mèo nhà đã nhiễm bệnh, bạn cần cách ly chúng trong nhà là để ngăn chặn sự lây lan ra cộng đồng mèo khác.

 
Hà Chi (Theo Daily Paws)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Bạn cùng nhà