Những điều cấm kỵ khi uống bia trong mùa nóng

Uống bia có phải biện pháp giải khát lành mạnh trong mùa Hè?

Uống bia giúp ngăn ngừa bệnh tim mạch và tốt cho não bộ?

Uống bia có làm tăng nguy cơ mắc bệnh gout?

Tập gym xong có nên uống bia, uống rượu xong có nên tập thể hình?

Bí kíp tránh bụng bia, không tăng cân khi uống nhiều bia

Uống bia để giải khát

Bia là thức uống lên men từ đại mạch, gạo, hoa bia, thường được bão hòa khí CO2 để tạo lớp bọt đặc trưng. Khi bạn uống bia, CO2 lập tức thải ra bên ngoài cơ thể và mang theo một phần nhiệt, khiến bạn có cảm giác sảng khoái, mát mẻ. 1-2 ly bia đầu tiên có thể giúp bạn "hạ hỏa" nhanh chóng, tuy nhiên, bia không phải đồ uống đem lại hiệu quả giải khát tối ưu trong mùa Hè.

Cồn trong bia có tác dụng lợi tiểu và ức chế hoạt động của hormone chống bài niệu (ADH). Bạn uống bia càng nhiều, cơ thể sẽ tăng bài tiết nước tiểu nhiều hơn lượng nước có trong bia. Sau những bữa nhậu với bia rượu, hãy uống thêm nhiều nước lọc để đề phòng các triệu chứng mất nước như đau đầu, khô miệng.

Uống bia với đồ nướng

Đồ nướng và bia có thể làm bệnh gout trầm trọng hơn

Thực phẩm chứa nhiều purine như nội tạng động vật, thịt đỏ, hải sản có thể làm tăng nồng độ acid uric trong máu. Trong khi đó, đồ uống có cồn đẩy nhanh tốc độ chuyển hóa các phân tử purine thành acid uric. Sự kết hợp của đồ nướng và bia là "thủ phạm" gây ra những cơn gout cấp và khiến bệnh gout trở nặng.

Thịt được nướng ở nhiệt độ cao có thể sinh ra các chất gây ung thư (carcinogen). Trong khi đó, những thức uống có cồn như bia có thể hòa tan một phần chất nhầy tại niêm mạc dạ dày, khiến các chất gây ung thư được hấp thụ vào cơ thể dễ dàng hơn. 

Tuy nhiên, bạn cũng không nên để dạ dày rỗng khi uống bia. Lót dạ với rau củ quả, trứng, thịt gà và thức ăn giàu tinh bột có thể giúp bạn giảm bớt tác hại của bia với dạ dày.

Uống bia quá lạnh

Uống bia quá lạnh có thể ảnh hưởng tiêu cực đến hệ tiêu hóahô hấp

Trong thời tiết nắng nóng, một ly bia lạnh có thể đem lại cảm giác vô cùng thoải mái, dễ chịu. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, nhiệt độ quá thấp gây ảnh hưởng lớn đến hương vị và chất lượng của bia. Do đó, thay vì thêm đá viên vào bia, bạn nên bảo quản bia trong các thiết bị chuyên dụng hoặc ngăn mát tủ lạnh trước khi thưởng thức.

Ngoài ra, bất cứ đồ uống ướp lạnh nào cũng có thể khiến nhiệt độ cơ thể người uống suy giảm đột ngột, gây ảnh hưởng đến chức năng tiêu hóa như gây đau bụng co thắt, tiêu chảy. Các triệu chứng viêm họng, đau rát họng cũng trở thêm trầm trọng hơn nếu bạn uống bia thêm đá.

Uống bia không điều độ

Do hàm lượng cồn ở trong bia không cao, nhiều người khá chủ quan và không đặt ra giới hạn cho bản thân khi ngồi vào bàn nhậu. Giống như rượu, lạm dụng bia có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh về gan, thận. Uống bia quá thường xuyên cũng là nguyên nhân của rối loạn chuyển hoá như đái tháo đường, mỡ máu cao, béo phì.

Các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo, mỗi người chỉ nên uống 330ml bia mỗi ngày (tương đương 1 lon hay 1 chai). Theo WebMD, nam giới uống trên 4 lon bia/ngày, 14 lon bia/tuần có nguy cơ gặp nhiều vấn đề sức khỏe tiêu cực từ thức uống này. 

Tắm sau khi uống bia

Bạn tuyệt đối không nên đi tắm ngay sau bữa nhậu, kể cả tắm bằng nước nóng. Sự kết hợp của nước ấm và cồn có thể khiến bạn buồn ngủ, dễ choáng ngất trong phòng tắm.

Nếu thấy cơ thể "bốc hỏa" sau khi uống bia, bạn cũng không được tắm nước lạnh. Nước lạnh không giúp bạn tỉnh táo hơn mà còn khiến mạch máu co rút đột ngột, dễ dẫn đến cảm lạnh, nguy hiểm hơn là nhồi máu cơ tim và đột quỵ.

Khoản 6 Điều 5 của Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia chỉ rõ: “Nghiêm cấm điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn”. Như vậy, bạn không được điều khiển phương tiện giao thông sau khi uống bia, rượu dù nhiều hay ít.
Quỳnh Trang H+ (Tổng hợp)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Khỏe đẹp