Những món ăn nhất định phải thử khi đến Thành phố Nam Định

Bánh xíu páo là một trong những món đặc sản nổi tiếng của Nam Định

So với các địa phương khác, ẩm thực Nam Định vẫn luôn có một nét rất giản dị nhưng lại vô cùng tinh tế, chỉn chu từ khâu lựa chọn nguyên liệu đến khâu chế biến, giữ trọn những giá trị xưa dù rất nhiều thứ đã thay đổi theo thời gian . Thế nên có lẽ, những quán ăn, hàng quà từ thời “các cụ” vẫn luôn là lựa chọn hàng đầu của người dân nơi đây.

1. Phở Tạo – 228 đường Điện Biên

Nếu như phở Hà Nội nổi tiếng vì nhiều nguyên liệu cầu kì thì phở Nam Định lại thu hút thực khách với những cách biến tấu độc đáo từ bánh phở, thịt bò và phở Tạo là một ví dụ. Sau bao nhiêu năm, vị phở vẫn không đổi, thịt bò tươi “ăn đến đâu, thái đến đó”, nước dùng ở đây được các vị cao niên bản địa đánh giá rất cao. Phở áp chảo là một trong những món ngon nổi bật của Phở Tạo. Thịt bò được xào qua cùng rau cải, cà chua, một ít tỏi làm dậy hương vị, xào cho đến khi chín tới mới xếp lên bát. Phần nước dùng được chan lên sau cùng, tuy không trong như các loại phở khác nhưng lại thơm ngon, đậm đà và tạo nên hương vị rất riêng cho bát phở.

Món Phở áp chảo tại phở Tạo thường thu hút khá nhiều thực khách vì hương vị lạ, đậm đà.

Món Phở áp chảo tại phở Tạo thường thu hút khá nhiều thực khách vì hương vị lạ, đậm đà.

Sự khác biệt của phở Tạo và những quán phở gia truyền khác tại thành phố Nam Định đó là phở Tạo mở cả ngày, trong khi phở Đán, phở Xuyến, phở cụ Tặng… cũng nổi tiếng không kém nhưng lại chỉ mở tới đầu giờ chiều hoặc sớm hơn. Ngoài ra quán còn phục vụ thêm cả cơm rang và đa dạng các món phở khác với giá dao động từ 35.000 đồng - 45.000 đồng/bát.

2. Bún sung chợ Diên Hồng (chợ Ngõ Ngang)

Chợ Diên Hồng là tên mới của chợ Ngõ Ngang xưa. Vốn dĩ “các cụ” gọi là chợ Ngõ Ngang vì chợ là một ngõ nhỏ cắt ngang 4 con phố song song nhau bắt đầu từ đường Quang Trung đến Hàng Cấp qua Minh Khai và điểm cuối chợ nằm trên đường Nguyễn Du. Quán bún sung nằm ở ngay đầu chợ giao với đường Quang Trung rẽ vào, có hai hàng đối diện nhau và có tuổi đời gần như nhau. Đặc biệt, cả hai quán lúc nào cũng tấp nập khách ra vào.

Sung được thái sẵn, ngâm nước cho trắng khi nào ăn mới được chủ quán vớt ra bát. Thực khách sẽ tự trộn sung cùng đường, bột canh, tương ớt, giấm tuỳ vào khẩu vị của mỗi người

Sung được thái sẵn, ngâm nước cho trắng khi nào ăn mới được chủ quán vớt ra bát. Thực khách sẽ tự trộn sung cùng đường, bột canh, tương ớt, giấm tuỳ vào khẩu vị của mỗi người

Bún sung là bún riêu cua nhưng được ăn kèm với sung trộn và rau sống – đây có lẽ chính là điểm hút khách của quán chợ. Nước dùng ngọt thanh, chua nhẹ, riêu cua béo ngậy kết hợp cùng vị chát chát, bùi bùi của miếng sung tươi – thứ được ví như linh hồn của món ăn đã khiến thức quà bình dị này trở thành một món đặc sản không thể bỏ lỡ khi tới Nam Định.

Giá của một bát bún sung truyền thống là 15.000 đồng, nếu ăn thêm cá hoặc các món ăn thêm khác thì giá sẽ từ khoảng 25.000 đồng -30.000 đồng/bát.

3. Bánh mì chân cầu

Gọi là bánh mì chân cầu vì quán nằm ở ngay chân cầu Đò Quan. Nếu từ hướng trên cầu đi xuống rẽ tay phải sẽ thấy một loạt những quán bán bánh mì pate khác nhau nằm san sát.

Trong số đó, quán được đánh giá cao nhất nằm ngay góc ngã tư bên phải giao giữa đường Phan Đình Phùng và đường Hàng Cau. Nguyên liệu bánh mì ở đây đa dạng bao gồm pate, xúc xích, trứng, thịt xá xíu. Pate béo ngậy ăn cùng hành phi thơm nức, thêm miếng dưa góp chua nhẹ giúp “chống ngán” chính là điểm đặc biệt khiến thực khách một khi đã ăn thì sẽ nhớ mãi.

Bánh mì chân cầu ăn kèm dưa góp ( đu đủ, dưa chuột) là một sự kết hợp hoàn hảo giúp thực khách có thể tận hưởng trọn vẹn các hương vị dặc trưng.

Bánh mì chân cầu ăn kèm dưa góp ( đu đủ, dưa chuột) là một sự kết hợp hoàn hảo giúp thực khách có thể tận hưởng trọn vẹn các hương vị dặc trưng.

Giá thành ở đây dao động từ 15.000 đồng – 35.000 đồng/suất. Ngoài ra quán còn phục vụ khách có nhu cầu mua pate mang về với giá 125.000 đồng/1 hộp 500gram.

4. Sữa đậu, thạch găng ăn cùng bánh ngọt

Trong vô vàn những thức quà tuổi thơ thì đáng nhớ nhất vẫn là sữa đậu, thạch găng. Hiện nay, để thưởng thức món này, mọi người có thể mua ở các xe bán rong. Nhưng để “trọn vẹn” hơn thì hãy tới 310 đường Hoàng Văn Thụ, vừa ăn bánh uống ngụm sữa đậu mát lịm, vừa được thưởng thức không khí phố cổ nhộn nhịp Thành Nam.

Sữa đậu và nước đường là 2 thức uống chính, đi kèm với đó là đậu hoa và thạch găng cùng đa dạng các loại bánh ngọt giúp thực khách có nhiều sự lựa chọn

Sữa đậu và nước đường là 2 thức uống chính, đi kèm với đó là đậu hoa và thạch găng cùng đa dạng các loại bánh ngọt giúp thực khách có nhiều sự lựa chọn

Quán bán từ sáng sớm nhưng chỉ đến tầm trước 10 giờ là đã hết sạch. Thực đơn khá đơn giản như sữa đậu thạch găng, sữa đậu đậu hoa,…do chính tay chị Gấm chủ quán nấu, ăn kèm với các loại bánh ngọt, bánh đùi gà. Chị Gấm chia sẻ: “Vì muốn mang đến tay khách hàng những gì ngon nhất, cho nên bánh chỉ lấy trong ngày, sữa đậu, thạch găng, thạch hoa cũng chỉ làm vừa đủ, bán hết trong buổi sáng thôi chứ chị không ham mà làm nhiều”. Mặc dù vậy nhưng giá ở đây lại rất rẻ, chỉ từ 7.000 đồng-15.000 đồng cho mỗi món.

5. Bánh gối Bác Mai

Bánh gối Bác Mai số 94 đường Nguyễn Văn Trỗi là một địa chỉ quen thuộc của đa số người dân Nam Định mỗi khi nhắc đến bánh gối.

Nhân bánh được làm từ những nguyên liệu: miến, mộc nhĩ, trứng gà ta, giá đỗ, cà rốt, thịt lợn xay được tẩm ướp cùng gia vị cho ngấm rồi mới được mang ra gói. Vỏ bánh cũng được bác Mai chủ quán và con gái tự làm theo công thức riêng, không bị quá dày, cảm giác chỉ mỏng giòn như vỏ chiếc chả đa nem. Khi ăn, thực khách sẽ cảm nhận được những hương vị của nhân một cách rõ nhất không như các loại bánh gối vỏ dày.

Bánh gối bác Mai được ăn cùng tương ớt ngọt. Đây chính là điểm độc đáo mà không ở đâu có

Bánh gối bác Mai được ăn cùng tương ớt ngọt. Đây chính là điểm độc đáo mà không ở đâu có

Đặc biệt, bánh gối Bác Mai phải ăn cùng tương ớt do chính tay bác Mai làm thì mới thấy được vị độc đáo khác lạ mà không ở đâu có được. Mỗi ngày, quán bác Mai chỉ bán từ 100-150 chiếc bánh để đảm bảo chất lượng. Chính vì thế mà nếu muốn ăn thì mọi người đều phải gọi đặt trước, hoặc đến từ sớm vì rất đông. Quán mở từ 3 giờ chiều đến khi hết hàng (khoảng 2 tiếng) với mức giá 10.000 đồng cho 1 chiếc.

6. Bánh xíu páo

Bánh xíu páo có hình dáng giống bánh bao nhưng nhỏ và có hương vị đặc trưng hơn. Vỏ bánh mềm mại, nhân bánh được làm từ thịt ba chỉ xay nhuyễn, nấm hương, mộc nhĩ, trứng cút... tất cả được ướp gia vị đậm đà và nướng chín. Bánh có thể để ở nhiệt độ thường 1 ngày và lưu trữ tủ đông được 1 tuần. Khi ăn chỉ cần bỏ vào lò vi sóng quay lại cho nóng nên rất thích hợp để làm quà biếu, tặng.

z5746697594492_dd8b18f26dd366e24972e48c580abdec

Hiện nay, một số nhãn hiệu bánh xíu páo nổi tiếng đang được người dân bản địa ưa thích có thể kể đến như: Xíu páo Hạnh Phúc (28 Nguyễn Trãi), Xíu páo Hoà Nhung (4 ngõ Hoàng Hữu Nam), Xíu páo Bà Bình (159 Hoàng Văn Thụ), Xíu páo Nam Thảo (18/67 Hoàng Ngân). Giá thành sẽ khác nhau tuỳ theo thương hiệu và số lượng nhưng được dao động trong khoảng từ 5.000 đồng đến 7.000 đồng cho một chiếc bánh mới ra lò.

 
Hà Chi
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Món ngon - Nhà hàng