9 nguyên nhân khiến bạn bị ngứa mắt

Có rất nhiều nguyên nhân gây ra ngứa mắt. Việc nắm rõ nguyên nhân có thể giúp điều trị tình trạng ngứa mắt triệt để

Đôi mắt luôn được “bảo vệ” bởi lông mi, nước mắt … Khi có dấu hiệu ngứa đồng nghĩa với việc các lớp bảo vệ mắt đã bị xâm phạm. Việc xác định nguyên nhân gây ngứa mắt giúp bạn tìm ra phương pháp điều trị phù hợp và ngăn ngừa tái diễn. Dưới đây là những nguyên nhân phố biến.

1. Dị ứng theo mùa

Dị ứng theo mùa thường xảy ra vào những thời điểm nhất định trong năm, chủ yếu là mùa Xuân và Hè. Các triệu chứng dị ứng ở mắt thường xuất hiện và nghiêm trọng hơn khi tiếp xúc với những chất gây dị ứng như phấn hoa, bào tử nấm mốc…

Dấu hiệu cho thấy bạn đang bị dị ứng theo mùa rất dễ nhận biết. Nếu ngứa mắt, chảy nước mắt đi kèm với hắt hơi và sổ mũi thì đây chính là nguyên nhân. Bởi theo bác sĩ nhãn khoa Vivian Shibayama tại UCLA Health, mắt và xoang mũi của bạn đều liên quan mật thiết với nhau.

Phản xạ đầu tiên của nhiều người khi bị ngứa mắt đều sẽ đưa tay lên dụi, điều này có thể làm đỏ, xước, rách giác mạc, gây tổn thương nghiêm trọng tới mắt.

Phản xạ đầu tiên của nhiều người khi bị ngứa mắt đều sẽ đưa tay lên dụi, điều này có thể làm đỏ, xước, rách giác mạc, gây tổn thương nghiêm trọng tới mắt.

2. Do kính áp tròng

Kính áp tròng là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất gây nên hiện tượng kích ứng mắt, ngứa mắt. Để tránh tình trạng này, bạn nên bảo quản kính áp tròng thật tốt. Hãy vệ sinh kính thường xuyên và đi khám mắt định kỳ để kiểm tra xem kính áp tròng còn vừa với mắt hay không, vì theo thời gian, kính có thể bị biến dạng.

Theo Học viện Nhãn khoa Mỹ (AAO), việc làm sạch kính áp tròng, vệ sinh hộp đựng đúng cách là rất quan trọng để đảm bảo sức khỏe đôi mắt. Nên thay hộp đựng kính 3 tháng 1 lần hoặc thay ngay khi hộp có dấu hiệu bị nứt vỡ.

3. Bạn đang bị khô mắt

Bệnh khô mắt xảy ra khi lượng nước mắt không đủ để giữ ẩm và bôi trơn bề mặt nhãn cầu. Điều này có thể do nhiều nguyên nhân, như nước mắt được tiết ra quá ít, chất lượng nước mắt kém hoặc do mắt hoạt động quá nhiều. Khi thiếu nước mắt, bề mặt mắt sẽ bị tổn thương và viêm nhiễm.

Phó Giáo sư Danielle Orr từ Cao đẳng Nhãn khoa Đại học Bang Ohio, Mỹ, giải thích: "Khi mắt bị khô, các dây thần kinh trên giác mạc trở nên nhạy cảm hơn với những tác động bình thường, khiến chúng ta cảm thấy khó chịu”.

4. Bạn bị đau mắt đỏ

Đau mắt đỏ (Pink Eye - Conjunctivitis) là tình trạng lớp màng trong suốt trên bề mặt nhãn cầu và kết mạc mi bị viêm nhiễm , thường do vi khuẩn hoặc virus gây ra, hoặc do phản ứng dị ứng với các tác nhân môi trường, với triệu chứng đặc trưng là đỏ mắt. Ngoài ra theo Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát bệnh tật Mỹ (CDC), đau mắt đỏ có thể dẫn tới sưng mắt, chảy nước mắt và ngứa mắt.

5. Bạn đang bị nhiễm virus

Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí BMJ Open Ophthalmology (Tạp chí chuyên sâu về nhãn khoa) đã cho thấy một kết quả đáng chú ý: Hơn 80% bệnh nhân COVID-19 đã trải qua các vấn đề về mắt, bao gồm ngứa và đau mắt.

Điều này đã cho thấy, virus SARS-CoV-2 không chỉ gây ra các triệu chứng hô hấp mà còn có thể ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe đôi mắt của chúng ta. Những triệu chứng đó bao gồm nhạy cảm với ánh sáng, đau mắt và ngứa mắt.

6. Kích ứng mắt do mỹ phẩm

Mặc dù không ai trực tiếp sử dụng các loại mỹ phẩm ở trong nhãn cầu mắt nhưng lại có rất nhiều lý do gây nên ngứa mắt mắt từ mỹ phẩm.

Phó Giáo sư Danielle Orr chỉa sẻ: “Nhiều sản phẩm làm đẹp chứa nhiều chất hoá học bao gồm thuốc nhuộm, nước hoa, chất bảo quản có thể khiến đỏ, sưng, ngứa mắt hoặc vùng da quanh mắt.”

7. Nhiễm trùng mí mắt

Nhiễm trùng mí mắt hay viêm bờ mi là tình trạng viêm mí mắt, ảnh hưởng tới cả hai mắt. Tình trạng này thường xảy ra khi các tuyến tiết dầu dưới lông mi của bạn bị tắc nghẽn bởi bụi bẩn từ đó khiến vi khuẩn phát triển và gây kích ứng.

8. Do vi khuẩn Demodex folliculorum

Ngứa mắt do Demodex folliculorum bị gây ra bởi loài côn trùng chân khớp Demodex ký sinh ở người và động vật vùng nang lông tuyến bã. Đối với những người khỏe mạnh, vảy da và nang lông là 2 vị trí vi khuẩn Demodex gây bệnh.

Demonex được soi tươi dưới kính hiển vi. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Medlatec.

Demonex được soi tươi dưới kính hiển vi. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Medlatec.

Về kích thước vi khuẩn Demodex folliculorum: Trưởng thành có thể dài đến 440um còn Demodex brevis có thể đến 240 um, tuy nhiên chúng đều không thể nhìn thấy bằng mắt thường mà chỉ có thể quan sát dưới kính hiển vi quang học.

Nếu chẳng may bạn bị nhiễm những loại vi khuẩn này, đừng lo lắng - bạn có thể loại bỏ chúng bằng thuốc kháng sinh, thuốc nhỏ steroid hoặc kem bôi chuyên dụng theo chỉ định của bác sĩ.

9. Có vật thể nhỏ trong mắt

Đây là trường hợp hầu như ai cũng đã từng gặp phải như bị bụi bay vào mắt, lông mi rụng kẹt dưới mí mắt… và phản ứng của mọi người hầu hết đều sẽ cố dụi mắt, khiến nước mắt được tiết ra và đưa tạp chất ra ngoài.

Làm thế nào để làm dịu cơn ngứa?

Tạp chí Women’s Health (Sức khỏe phụ nữ) đưa ra một số gợi ý có thể giúp bạn giảm ngứa nhanh chóng như:

Sử dụng thuốc nhỏ mắt bôi trơn: Thuốc nhỏ mắt không chứa chất bảo quản sẽ giúp làm ẩm mắt và loại bỏ các tác nhân gây dị ứng.

Thuốc nhỏ mắt kháng histamin: Nếu ngứa mắt nghiêm trọng, bạn có thể dùng thêm thuốc nhỏ mắt kháng histamin để làm dịu mắt.

Chườm lạnh: Đắp khăn lạnh lên mắt sẽ giúp giảm sưng và dịu mát.

Thuốc kháng histamin uống: Nếu chắc chắn ngứa mắt do dị ứng, bạn có thể uống thuốc kháng histamin để giảm triệu chứng toàn thân.

Làm sạch mí mắt: Viêm bờ mi cũng có thể gây ngứa mắt. Hãy nhẹ nhàng làm sạch mí mắt bằng dầu gội trẻ em.

Tránh dụi mắt: Dù rất khó chịu, nhưng việc dụi mắt có thể làm tình trạng tồi tệ hơn và gây tổn thương mắt.

Đặc biệt, nếu bạn đã thử các biện pháp cơ bản nói trên mà vẫn thấy khó chịu, hãy liên hệ với cơ sở y tế gần nhất, hoặc đi khám tại các bệnh viện uy tín để được điều trị kịp thời.

 
Hà Chi (Theo Women's Health)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Mắt