4 quan niệm sai lầm phổ biến về bệnh Celiac

Celiac là bệnh di truyền, gây ảnh hưởng tới đường ruột cùng nhiều cơ quan khác trên cơ thể.

Podcast: Gluten trong thực phẩm có thực sự không lành mạnh?

6 loại thực phẩm không chứa gluten tốt cho sức khỏe

Có nên áp dụng chế độ ăn không chứa gluten cho trẻ?

Làm sao bổ sung chất xơ khi theo chế độ ăn không gluten?

1. Bệnh Celiac thường được chẩn đoán ở độ tuổi trẻ

Bệnh Celiac không phải là một tình trạng bệnh lý xuất hiện thường xuyên ở trẻ em ngay sau lần đầu tiếp xúc với gluten, mà thường được chẩn đoán muộn hơn trong cuộc đời. Theo thống kê của Hiệp hội Celiac Mỹ (National Celiac Association), độ tuổi trung bình được chẩn đoán mắc bệnh này nằm trong khoảng từ 46 đến 56 tuổi, và có khoảng 25% trường hợp được phát hiện sau tuổi 60.

Bệnh Celiac có xu hướng phổ biến hơn ở nữ giới và những người có tiền sử mắc các bệnh tự miễn khác, bao gồm đái tháo đường type 1, viêm tuyến giáp Hashimoto (một nguyên nhân thường gặp gây suy giáp) và viêm da dạng herpes (bệnh hiếm gây phát ban ngứa và phồng rộp).

Nguyên nhân chính xác dẫn đến sự chuyển đổi từ trạng thái dễ mắc bệnh sang thực sự phát triển bệnh Celiac hiện vẫn chưa được xác định rõ. Tuy nhiên, phần lớn các chuyên gia đều cho rằng các yếu tố gây căng thẳng về thể chất hoặc tinh thần, như nhiễm trùng virus, phẫu thuật hoặc các sự kiện gây lo lắng trong cuộc sống, có thể đóng vai trò như một "công tắc" kích hoạt sự khởi phát của bệnh.

Ngày càng có nhiều trường hợp bệnh Celiac được chẩn đoán ở độ tuổi trung niên và cao tuổi, thường là sau khi người bệnh được phát hiện có các vấn đề sức khỏe liên quan đến sự thiếu hụt dinh dưỡng như thiếu máu hoặc loãng xương.

2. Bệnh Celiac chỉ ảnh hưởng đến đường ruột

Ruột non khỏe mạnh có cấu trúc đặc trưng là các nhung mao và đóng vai trò quan trọng trong việc hấp thụ các chất dinh dưỡng. Ở bệnh nhân Celiac, hệ thống miễn dịch tấn công và phá hủy các nhung mao này, dẫn đến tình trạng chúng bị phẳng, viêm và mất khả năng hấp thụ dinh dưỡng hiệu quả.

Mặc dù các triệu chứng tiêu hóa như đau bụng, tiêu chảy có thể xảy ra, nhưng chúng không phải là biểu hiện duy nhất của bệnh Celiac. Bệnh có thể biểu hiện đa dạng với các triệu chứng ngoài đường tiêu hóa, ảnh hưởng đến nhiều hệ cơ quan khác nhau như hệ thần kinh (sương mù não), hệ nội tiết (rối loạn kinh nguyệt) và hệ cơ xương khớp (đau cơ và khớp).

Bệnh Celiac có thể gây rối loạn kinh nguyệt

Bệnh Celiac có thể gây rối loạn kinh nguyệt

3. Bệnh Celiac và chứng không dung nạp gluten

Người có cảm giác khó chịu sau khi ăn thực phẩm chứa gluten không nhất thiết là mắc bệnh Celiac. Bên cạnh Celiac, một số người có thể gặp tình trạng nhạy cảm với gluten không Celiac (non-Celiac gluten sensitivity - NCGS), còn được gọi là không dung nạp gluten, với các biểu hiện tiêu hóa khó chịu sau khi ăn gluten. Tuy nhiên, cần phân biệt rõ ràng giữa NCGS và bệnh Celiac.

Bệnh Celiac là một bệnh tự miễn được xác định thông qua xét nghiệm máu nhằm phát hiện các kháng thể đặc hiệu. Nếu kết quả xét nghiệm dương tính, cần tiến hành sinh thiết ruột để kiểm tra các tổn thương đặc trưng ở niêm mạc ruột, từ đó đưa ra chẩn đoán xác định.

Ngược lại, NCGS không liên quan đến việc sản xuất các kháng thể đặc hiệu hoặc gây ra tổn thương ở đường ruột. Mặc dù vậy, những người mắc NCGS có thể nhận thấy các triệu chứng ngoài tiêu hóa như sương mù não, khó tập trung, đau cơ và mệt mỏi sau khi ăn thực phẩm chứa gluten.

Theo GS.TS Ciaran Kelly thuộc trường Y Harvard và đồng thời là Giám đốc Y khoa của Trung tâm Celiac tại Trung tâm Y khoa Beth Israel Deaconess (Mỹ), NCGS dường như là một hiện tượng có thật nhưng hiện tại vẫn chưa được định nghĩa một cách rõ ràng. Trên thực tế, vẫn chưa xác định được liệu các triệu chứng ở những người này thực sự là do không dung nạp gluten hay do một thành phần khác có trong thực phẩm chứa gluten.

4. Chế độ ăn không chứa gluten sẽ làm giảm các triệu chứng và dấu hiệu của bệnh Celiac

Phương pháp điều trị duy nhất hiện nay cho bệnh Celiac là chế độ ăn kiêng nghiêm ngặt loại bỏ hoàn toàn gluten. Tuy nhiên, phương pháp này không phải lúc nào cũng mang lại hiệu quả.

Theo GS.TS Kelly, khoảng 20% bệnh nhân Celiac vẫn tiếp tục có các triệu chứng dù đã tuân thủ chế độ ăn không gluten một cách cẩn thận. Một số người khác lại gặp các triệu chứng không thường xuyên, đặc biệt khi họ vô tình tiêu thụ phải gluten. Tình trạng này thường xảy ra do ăn thực phẩm chế biến sẵn hoặc thực phẩm tại nhà hàng mà không đảm bảo hoàn toàn không chứa gluten, hoặc do nhiễm chéo với thực phẩm chứa gluten.

Để giải quyết vấn đề này, các nhà nghiên cứu đã đưa ra 3 hướng tiếp cận, bao gồm:

- Sử dụng enzyme phân hủy gluten: Các enzyme này có thể được dùng đồng thời với thực phẩm chứa gluten để giúp tiêu hóa chúng. GS.TS Kelly giải thích rằng cơ chế nói trên tương tự như việc người không dung nạp lactose sử dụng thuốc lactase để hỗ trợ tiêu hóa các sản phẩm từ sữa.

- Giảm phản ứng miễn dịch với gluten: Phương pháp này tập trung vào việc ức chế enzyme có tên transglutaminase. Enzyme này làm tăng khả năng kích hoạt miễn dịch của gluten, vì thế việc ức chế nó có thể làm giảm phản ứng của cơ thể đối với gluten.

- Tái lập trình phản ứng miễn dịch: Mục tiêu của phương pháp này là ngăn chặn cơ thể phản ứng một cách bất thường với gluten, giúp người bệnh có thể dung nạp gluten trở lại.

 
Hà Chi (Theo Harvard Health Publishing)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Tiêu hóa