Trung Quốc nới lỏng quy định phòng dịch COVID-19 với người nhập cảnh

Trung Quốc tiếp tục nới lỏng quy định phòng dịch COVID-19 đối với người nhập cảnh - Ảnh: AP.

Dân số Ấn Độ sắp vượt Trung Quốc

"Manh mối" mới về nguồn gốc của đại dịch COVID-19

Sự thay đổi xu hướng du lịch của du khách Trung Quốc

Những điểm đến nổi tiếng nhất Trung Quốc năm 2023

Theo Reuters, ngày 25/4, Bộ Ngoại Giao Trung Quốc cho biết, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động giao lưu nhân dân giữa Trung Quốc và các nước khác, Bắc Kinh sẽ tiếp tục điều chỉnh quy định về xét nghiệm COVID-19 từ xa cũng như các biện pháp kiểm soát và phòng ngừa dịch một cách khoa học, chính xác, an toàn và có trật tự.

Theo đó, kể từ ngày 29/4 tới, tất cả các du khách nhập cảnh vào Trung Quốc có thể xuất trình kết quả xét nghiệm kháng nguyên COVID-19 được thực hiện trong vòng 48 giờ trước khi lên máy bay, thay vì phải có kết quả xét nghiệm PCR như trước.

Cho đến hiện tại, Trung Quốc vẫn đang yêu cầu du khách từ một số quốc gia phải thực hiện xét nghiệm PCR trước khi nhập cảnh bao gồm Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản.

Các yêu cầu kiểm tra đã được nới lỏng vào tháng 3 đối với khách du lịch từ một số quốc gia bao gồm: Singapore, Malaysia, Philippines, Campuchia và New Zealand.

Dù vậy, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc nhấn mạnh giới chức sở tại vẫn khuyến nghị du khách trong và ngoài nước thực hiện tốt việc quản lý cũng như theo dõi sức khỏe bản thân trước khi đi du lịch; tuân thủ nghiêm các yêu cầu cả ở cấp độ quốc gia và ở các địa phương của Trung Quốc về phòng chống dịch bệnh, qua đó đảm bảo một chuyến đi khỏe mạnh, vui tươi và hành trình trở về nhà an toàn.

Trung Quốc bắt đầu nới lỏng các quy định phòng dịch COVID-19 và mở cửa nền kinh tế từ tháng 12 năm ngoái sau 3 năm thực thi các hạn chế nghiêm ngặt để đối phó COVID-19. Hồi đầu năm, Trung Quốc bỏ quy định cách ly đối với người nhập cảnh, thay vào đó chỉ yêu cầu xuất trình kết quả xét nghiệm PCR âm tính được thực hiện trong vòng 48 giờ trước khi lên máy bay tới Trung Quốc. Kể từ đó, Bắc Kinh tuyên bố "mở cửa" với thế giới, trong khi một số các quốc gia bắt đầu kiểm dịch nghiêm ngặt đối với người nhập cảnh từ Trung Quốc do lo sợ sự xâm nhập của các biến thể COVID-19 mới.

"Cuộc chiến" kiểm dịch COVID-19 khi Trung Quốc "mở cửa"

Kể từ 29/4, du khách đến Trung Quốc chỉ cần xét nghiệm kháng nguyên COVID-19 - Ảnh: AFP

Kể từ 29/4, du khách đến Trung Quốc chỉ cần xét nghiệm kháng nguyên COVID-19 - Ảnh: AFP

Theo New York Times, vào tháng 1/2023, khi virus SARS-CoV-2 lan rộng khắp Trung Quốc, một số quốc gia bao gồm Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc đã công bố các xét nghiệm bắt buộc đối với khách du lịch đến từ Trung Quốc. Đáp lại, Trung Quốc đã tăng gấp đôi các yêu cầu đối với du khách đến từ các quốc gia đó và đình chỉ cấp thị thực cho người Nhật Bản và Hàn Quốc (Hàn Quốc cũng đã đình chỉ một số thị thực đối với du khách Trung Quốc).

Mỹ và Trung Quốc cũng liên tục "ăn miếng trả miếng" áp đặt các biện pháp giới hạn phòng dịch đối với việc giao thương giữa 2 nước, một phần do "căng thẳng địa chính trị".

Đến nay, Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc đã không còn yêu cầu bất kỳ xét nghiệm trước khi khởi hành nào đối với du khách đến từ Trung Quốc, nhưng Trung Quốc đã không thay đổi các quy tắc của mình cho đến ngày 25/4 vừa qua.

Theo đó, khách du lịch từ các quốc gia khác đến Trung Quốc sẽ được phép chỉ cần thực hiện các xét nghiệm kháng nguyên kể từ ngày 29/4.

Một ngày trước khi thay đổi quy tắc được công bố, Yanzhong Huang, thành viên cấp cao về sức khỏe toàn cầu tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Trung Quốc đã kêu gọi bãi bỏ yêu cầu xét nghiệm PCR, đồng thời lưu ý rằng "nó tốn kém và mất thời gian đối với du khách".

Ông Huang cũng cho rằng, việc vẫn giữ biện pháp kiểm dịch nghiêm ngặt sẽ cản trở ngành du lịch và nỗ lực mở cửa trở lại sau COVID-19 của Trung Quốc.

Trung Quốc luôn khẳng định rằng các biện pháp chống COVID-19 của họ hoàn toàn dựa trên cơ sở khoa học. Mao Ninh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết, Trung Quốc sẽ “tiếp tục tối ưu hóa một cách khoa học” các quy tắc phòng dịch của mình.

 
Hiệp Nguyễn (Theo Reuters/New York Times)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin - Báo bạn