- Chuyên đề:
- Ổn định đường huyết
Trẻ em cũng có thể mắc bệnh đái tháo đường type 2
Thói quen hút thuốc khiến bệnh đái tháo đường thêm nặng
Gene di truyền và bệnh đái tháo đường type 2
Tăng cân khi tiêm insulin, phải làm sao?
Vaccine cho người bệnh đái tháo đường
Các nghiên cứu gần đây cho thấy, yếu tố thúc đẩy sự gia tăng bệnh đái tháo đường type 2 ở trẻ em là béo phì. Trong 30 năm qua, tỷ lệ trẻ em béo phì đã tăng vọt. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), tỷ lệ béo phì ở trẻ em và vị thành niên trên toàn thế giới đã gia tăng đến mức đáng báo động.
Bên cạnh đó, thừa cân cũng có mối liên hệ với sự phát triển của bệnh đái tháo đường type 2. Trọng lượng dư thừa có thể tác động tới chức năng của insulin, khi cơ thể đấu tranh để điều tiết insulin, tăng đường huyết có thể dẫn đến một số vấn đề sức khỏe nghiêm trọng.
Glucose và insulin
Đường glucose là nhiên liệu chính của cơ thể. Trong quá trình tiêu hóa thức ăn, glucose được đưa vào máu, khiến lượng đường huyết bắt đầu tăng lên. Lúc này, tuyến tụy sẽ tiết insulin giúp các tế bào trong cơ thể hấp thu và sử dụng glucose để chuyển hóa thành năng lượng, đồng thời làm giảm đường huyết.
Khi mắc bệnh đái tháo đường type 2, cơ thể sẽ gặp phải khó khăn trong việc sử dụng insulin. Nếu không có sự giúp đỡ của insulin, glucose sẽ không thể vào trong tế bào mà bị giữ lại trong máu gây ra tình trạng tăng đường huyết. Mức đường huyết tăng cao có thể gây ra các triệu chứng của bệnh đái tháo đường, thậm chí có thể gây nguy hiểm tới tính mạng.
Triệu chứng đái tháo đường type 2 ở trẻ em
Đái tháo đường type 2 sẽ tiến triển dần dần, có nghĩa là các triệu chứng rất khó phát hiện lúc ban đầu. Nhiều trường hợp trẻ có thể không có bất kỳ dấu hiệu rõ ràng. Thông thường, dấu hiệu đái đường type 2 ở trẻ em là:
Mệt mỏi. Nếu trẻ có vẻ cực kỳ mệt mỏi hay buồn ngủ, điều này là do cơ thể của trẻ có thể không được cung cấp đủ năng lượng thông qua việc chuyển hóa glucose.
Khát. Khát quá mức có thể là biểu hiện của nồng độ đường trong máu đang quá cao.
Trẻ uống nước liên tục là một trong những triệu chứng của đái tháo đường type 2
Đi tiểu thường xuyên. Lượng đường trong máu tăng cao sẽ khiến cơ thể thiết lập chế độ đào thải đường thông qua nước tiểu.
Nhanh đói. Khi insulin không đáp ứng đủ nhu cầu của các tế bào, nhu cầu năng lượng từ thực phẩm của cơ thể sẽ tăng lên. Do dó, trẻ sẽ có cảm giác đói thường xuyên hơn.
Giảm cân. Trẻ bị sút cân ngay cả khi ăn uống bình thường, thậm chí là ăn uống nhiều hơn có thể là dấu hiệu của đái tháo đường type 2.
Vết loét chậm lành. Vết loét hoặc nhiễm trùng lâu lành thường hay gặp ở người được chẩn đoán đái tháo đường type 2.
Da tối màu. Nếu trẻ có bệnh đái tháo đường type 2, bạn có thể nhận thấy sự xuất hện của các vùng da tối màu do cơ thể kháng lại insulin, thường gặp nhất ở nách và cổ.
Làm thế nào để ngăn ngừa đái tháo đường type 2 ở trẻ em?
Áp dụng chế độ dinh dưỡng phù hợp. Trẻ em cần được cung cấp đầy đủ và phong phú các loại thực phẩm. Tuy nhiên, cần hạn chế tiêu thụ đường và tinh bột.
Tăng cường hoạt động thể chất. Tập thể dục thường xuyên rất quan trọng để ngăn ngừa bệnh đái tháo đường. Hạn chế thời gian cho trẻ xem tivi và nên thay thế bằng việc khuyến khích trẻ vui chơi bên ngoài.
Nếu lo lắng con bạn có thể mắc bệnh đái tháo đường type 2, hãy đưa trẻ đến bác sỹ nhi khoa để được phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Lưu ý, nếu bệnh không được chẩn đoán và điều trị đúng cách, đái tháo đường có thể gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho cơ thể của trẻ, thậm chí dù chỉ trong một thời gian ngắn.
Bình luận của bạn