Trẻ mắc bệnh đường tiêu hóa tăng cao thời điểm chuyển mùa.
Trẻ tiêu chảy do virus Rota: Dấu hiệu và cách chăm sóc
Cảnh giác bệnh về đường tiêu hóa bùng phát sau mưa lũ
4 loại thực phẩm giúp cải thiện tiêu hóa
3 vấn đề tiêu hóa thường gặp ở trẻ nhỏ
Thời tiết thay đổi thất thường là điều kiện lý tưởng cho nấm mốc và các vi khuẩn gây bệnh tả, thương hàn, lỵ… phát triển mạnh. Các loại vi khuẩn này sau khi xâm nhập vào cơ thể làm nhiễm khuẩn đường ruột, dẫn đến rối loạn tiêu hóa.
Theo thông tin từ Bệnh viện Nhi Hải Dương, mỗi ngày khoa Tiêu hóa điều trị cho từ 35 - 40 trẻ, trong đó, số bệnh nhi bị virus rota chiếm tới 70%. Trẻ mắc chủ yếu là dưới 2 tuổi, nhập viện trong tình trạng nôn, đi ngoài mất nước, sốt cao...
Còn tại Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ, số bệnh nhi đến khám, nhập viện do các bệnh đường tiêu hóa cũng gia tăng do thời tiết chuyển mùa mưa, nắng thất thường. Mỗi ngày khoa khám bệnh tiếp nhận từ 120 - 200 bệnh nhi đến khám do các bệnh lý đường tiêu hóa. Chỉ tính riêng tháng 9, số trẻ khám ngoại trú các bệnh lý đường tiêu hóa là gần 3.000 trường hợp, đa số trẻ có các triệu chứng: sốt, đau bụng, nôn ói, tiêu chảy, ăn không tiêu...
Nguyên nhân gây bệnh khi thời tiết chuyển mùa
Sở dĩ nhóm bệnh liên quan đến đường tiêu hóa của trẻ gia tăng đột biến trong thời gian gần đây là bởi:
- Việc tiếp xúc với nguồn bệnh ở trẻ tăng lên khi thức ăn hay nguồn nước bị nhiễm khuẩn hoặc trẻ ngậm tay, chơi đồ chơi bị nhiễm bẩn…
- Việc cho trẻ sử dụng thuốc để điều trị, đặc biệt là các loại kháng sinh làm trẻ bị mất cân bằng hệ vi sinh - kháng sinh có thể tiêu diệt một số lợi khuẩn dẫn đến trẻ tiêu chảy, táo bón, đi phân sống... sau khi dùng.
- Trẻ bước vào thời kỳ ăn giặm, hệ vi sinh chưa hoàn thiện, chưa quen với việc tiêu hóa thức ăn. Do đó, khi ăn thức ăn không được tiêu hóa hoàn toàn tạo điều kiện cho vi khuẩn có hại phát triển gây rối loạn tiêu hóa.
- Chế độ ăn uống không hợp lý: trẻ được cho ăn nhiều đạm, nhiều đường; ít chất xơ, vitamin và khoáng chất.
- Bên cạnh đó, thời tiết giao mùa cũng làm gia tăng sự phát triển của vi khuẩn, cũng dễ khiến cho nguồn bệnh lây lan.
Làm gì để phòng bệnh đường tiêu hóa cho trẻ?
Để giúp cho hệ tiêu hóa của trẻ luôn ổn định và khỏe mạnh trong những ngày chuyển mùa, phụ huynh cần lưu ý:
- Phụ huynh cần giữ vệ sinh tay sạch sẽ, đây là biện pháp cơ bản để phòng bệnh. Rửa tay sạch bằng xà phòng sau khi thay tã lót hoặc làm vệ sinh cho trẻ.
- Nên tập cho trẻ có thói quen rửa tay trước khi cầm nắm thức ăn, trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh.
- Không để trẻ bò lê la trên sàn nhà hoặc ngậm tay, ngậm đồ chơi.
- Lau rửa sàn nhà và các vật dụng, bàn ghế, đồ chơi bằng dung dịch khử khuẩn Cloramin B, lau rửa sàn nhà vệ sinh, bồn cầu sau khi trẻ tiêu chảy đi vệ sinh. Tã lót của trẻ bị bệnh phải được cho vào bao nylon, cột kín rồi cho vào thùng rác.
- Đối với trẻ nhũ nhi, để giúp hệ tiêu hóa khỏe mạnh về sau, tốt nhất không nên cho trẻ ăn giặm quá sớm, chỉ nên cho trẻ ăn giặm từ 4 - 5 tháng tuổi trở lên; cho trẻ bú sữa mẹ đến 18 - 24 tháng tuổi.
- Cho trẻ ăn chín, uống sôi; không ăn rau sống, không ăn thức ăn ôi thiu, không ăn đồ ăn tái, sống...
- Tuyệt đối không tự ý mua thuốc điều trị, dùng kháng sinh, thuốc cầm tiêu chảy bừa bãi... có thể không đạt hiệu quả điều trị mà còn gây hại cho trẻ.
Bình luận của bạn