Không chỉ gây hại cho nhiều cơ quan trên cơ thể, đồ uống có cồn còn có thể là nguyên nhân tăng cân.
Uống nhiều rượu tăng nguy cơ sa sút trí tuệ
Podcast: Rượu pha huyết động vật có thật sự bổ?
Bia rượu ảnh hưởng thế nào tới sức khoẻ đường ruột?
Podcast: Rối loạn cương dương vì uống rượu ngâm cao trăn
Vì có chứa nhiều calo rỗng
Rượu cung cấp nhiều năng lượng nhưng “nghèo nàn” về dinh dưỡng. Mỗi gram cồn chứa đến 7 calo, gần tương đương với hàm lượng calo trong chất béo (9 calo/gram). Do đó, lượng calo từ rượu thường được gọi là "calo rỗng". Chúng cung cấp năng lượng cho cơ thể nhưng lại thiếu các dưỡng chất thiết yếu như vitamin, khoáng chất và chất xơ.
Theo đó, 1 lít bia thông thường chứa khoảng 200 calo, trong khi một ly rượu vang lớn có thể chứa trên 250 calo. Các loại cocktail thậm chí còn chứa nhiều calo hơn, tương đương với lượng calo của một miếng bánh ngọt. Về lâu dài, thường xuyên uống các loại đồ uống này sẽ gây tích tụ một lượng lớn calo trong cơ thể.
Đồ uống có cồn làm chậm quá trình trao đổi chất của cơ thể
Khi một người uống đồ uống có cồn, cơ thể sẽ ưu tiên chuyển hóa ethanol (thành phần chính của rượu) hơn các chất dinh dưỡng khác. Nguyên nhân là do ethanol được xem như một chất “ngoại lai”, có khả năng gây độc. Khi đó, gan sẽ tập trung hoạt động để loại bỏ nó trước khi xử lý chất béo, carbohydrate và protein từ thức ăn. Quá trình này làm gián đoạn tạm thời quá trình tiêu hóa và hấp thụ các chất dinh dưỡng khác.
Nói cách khác, rượu có thể làm chậm quá trình cơ thể đốt cháy mỡ thừa để tạo năng lượng. Do đó, nếu bữa ăn của bạn có rượu, cơ thể sẽ tích trữ lượng calo dư thừa từ thực phẩm dưới dạng mỡ, đặc biệt là ở vùng bụng. Về lâu dài, thói quen uống rượu thường xuyên hoặc với lượng lớn có thể góp phần làm tăng lượng mỡ cơ thể.

Không lạm dụng bia rượu để bảo vệ sức khoẻ.
Kích thích sự thèm ăn
Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng rượu tác động trực tiếp lên các vùng não bộ chịu trách nhiệm về khả năng phán đoán và kiểm soát hành vi. Khi các vùng này bị ảnh hưởng, việc kiềm chế trước những món ăn vặt giàu calo hay đồ ăn nhanh trở nên khó khăn hơn đáng kể.
Thêm vào đó, rượu còn làm tăng nồng độ ghrelin, một loại hormone kích thích cảm giác đói trong cơ thể. Điều này lý giải tại sao sau vài ly rượu, bạn thường cảm thấy đói hơn so với nhu cầu thực tế của cơ thể.
Đây chính cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng nhiều người có thói quen tìm đến các món ăn vặt ban đêm sau khi rời quán bar. Những bữa ăn "khuya" này, thường chứa nhiều chất béo và muối, có thể dễ dàng phá hỏng những nỗ lực ăn uống lành mạnh của cả 1 tuần chỉ trong 1 đêm.
Đồ uống có cồn ảnh hưởng đến giấc ngủ và hormone
Một tác dụng phụ thường thấy của việc sử dụng rượu bia là tình trạng ngủ kém. Điều này không chỉ khiến cơ thể mệt mỏi mà còn làm xáo trộn hoạt động của các hormone quan trọng, vốn có nhiệm vụ điều chỉnh cảm giác đói và quá trình chuyển hóa năng lượng. Khi thiếu ngủ, chúng ta thường có xu hướng thèm các loại thực phẩm giàu đường hoặc chất béo, đồng thời khó cảm thấy no sau khi ăn.
Về lâu dài, uống nhiều rượu bia còn có thể dẫn đến sự suy giảm nồng độ testosterone trong cơ thể. Hormone này đóng vai trò then chốt trong việc duy trì khối lượng cơ bắp và kiểm soát sự phân bố mỡ thừa ở cả nam giới và nữ giới. Khi lượng cơ bắp giảm đi, quá trình trao đổi chất của cơ thể sẽ diễn ra chậm hơn, khiến bạn dễ dàng tăng cân và gặp nhiều khó khăn hơn trong việc giảm cân.
Bình luận của bạn