Số ca mắc đái tháo đường tăng gấp đôi trong ba thập kỷ

Số ca mắc đái tháo đường đang gia tăng trên toàn cầu

Kỳ I: Người Việt đang dùng quá nhiều đồ uống có đường?

Kỳ II: Hệ lụy “đắng” từ đồ uống có đường!

Sử dụng nước ép trái cây để "cai" nước ngọt công nghiệp - nên hay không?

Gia vị thay thế muối cho người ăn giảm mặn

Theo nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí The Lancet, trên toàn thế giới có hơn 800 triệu người mắc bệnh đái tháo đường, tức tăng gấp đôi trong ba thập kỷ qua.

Số liệu này tương đương với sự gia tăng 630 triệu ca kể từ năm 1990 và chiếm khoảng 14% dân số toàn cầu. Hơn một nửa số ca bệnh tập trung tại bốn quốc gia, trong đó Ấn Độ chiếm tỷ lệ cao nhất, tiếp theo là Trung Quốc, Mỹ và Pakistan.

Các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình như Malaysia, Pakistan và Ai Cập cũng chứng kiến sự gia tăng cao về số ca bệnh.

Rào cản trong điều trị bệnh đái tháo đường

 Nhiều bệnh nhân đái tháo đường trên thế giới không được phát hiện và điều trị từ sớm

Nhiều bệnh nhân đái tháo đường trên thế giới không được phát hiện và điều trị từ sớm

Sự bất bình đẳng y tế ngày càng trầm trọng do nhiều bệnh nhân đái tháo đường trên thế giới không được điều trị. Năm 2022, hơn một nửa số bệnh nhân đái tháo đường – tương đương 445 triệu người trưởng thành từ 30 tuổi trở lên không được điều trị. Con số này gấp 3,5 lần so với năm 1990. Tỷ lệ bao phủ điều trị thấp nhất ở các quốc gia thu nhập thấp và trung bình, đặc biệt tại khu vực cận Sahara châu Phi và Nam Á.

Nghiên cứu này làm sáng tỏ sự bất bình đẳng ngày càng lớn trong việc phổ biến và điều trị bệnh mạn tính, trong đó có đái tháo đường.

Đái tháo đường: mối nguy sức khỏe toàn cầu

Đái tháo đường xảy ra khi lượng đường trong máu quá cao. Bệnh có thể do di truyền, khiến cơ thể không sản xuất đủ insulin (đái tháo đường tuýp 1) – một hormone giúp giảm lượng đường trong máu hoặc do cơ thể không sử dụng insulin đúng cách (đái tháo đường tuýp 2).

Phần lớn bệnh nhân (90-95%) mắc đái tháo đường tuýp 2, chủ yếu có thể phòng ngừa được thông qua chế độ ăn uống lành mạnh và tập luyện thể dục đều đặn. Tuy nhiên, sự gia tăng béo phì, thực phẩm siêu chế biến và lối sống ít vận động đã làm bùng phát bệnh đái tháo đường tuýp 2.

Đái tháo đường có thể gây tác động nghiêm trọng đến sức khỏe. Lượng đường trong máu quá cao có thể làm tổn thương mạch máu, dẫn đến các bệnh tim mạch, suy thận và mất thị lực. Ở Mỹ, đái tháo đường là nguyên nhân tử vong đứng thứ 8 và là nguyên nhân hàng đầu gây suy thận, cắt cụt chi dưới và mù lòa ở người trưởng thành.

Giải pháp để giảm thiểu tỷ lệ mắc và điều trị đái tháo đường

Để thu hẹp khoảng cách toàn cầu về tỷ lệ mắc bệnh đái tháo đường và khả năng điều trị, việc thực hiện những thay đổi sâu rộng trong chính sách y tế và cải thiện khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe là một yêu cầu cấp bách.

Tình trạng này hiện nay đặc biệt nghiêm trọng ở các quốc gia thu nhập trung bình và thấp - nơi mà tỷ lệ người mắc bệnh đái tháo đường và số lượng bệnh nhân chưa được điều trị đang gia tăng nhanh chóng. Nếu không có giải pháp kịp thời và quyết liệt, gánh nặng của bệnh đái tháo đường sẽ tiếp tục gia tăng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng sống và nguồn lực y tế toàn cầu.

Kiểm soát tốt bệnh béo phì và tầm soát đái tháo đường sớm

Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến sự gia tăng tỷ lệ mắc bệnh đái tháo đường là bệnh béo phì với dự báo khoảng 1 tỷ người trên thế giới sẽ mắc béo phì vào năm 2030, theo thông tin từ Liên đoàn Béo phì thế giới. Do đó, để giảm thiểu tỷ lệ đái tháo đường, cần phải có một chiến lược toàn cầu mang tính chủ động trong việc kiểm soát béo phì.

Việc thực hiện tầm soát bệnh đái tháo đường cho tất cả bệnh nhân trong các buổi khám sức khỏe cũng đặc biệt quan trọng. Tầm soát sớm sẽ giúp phát hiện bệnh khi nó còn ở giai đoạn đầu, từ đó có thể áp dụng các biện pháp can thiệp kịp thời, giảm thiểu nguy cơ các biến chứng nghiêm trọng của bệnh như suy thận, mù lòa hay bệnh tim mạch.

Chú trọng đến chế độ dinh dưỡng và tập luyện

Mọi người cần có chế độ ăn uống và tập luyện lành mạnh

Mọi người cần có chế độ ăn uống và tập luyện lành mạnh

Một yếu tố quan trọng khác là việc đảm bảo mọi người, đặc biệt là người dân nghèo, sống ở các vùng sâu, vùng xa có thể tiếp cận được thực phẩm lành mạnh và giá cả hợp lý. Thực phẩm chế biến sẵn, nhiều đường và chất béo không lành mạnh hiện nay có mặt rộng rãi và dễ dàng tiếp cận với mức giá thấp, nhưng lại là nguyên nhân chính gây ra béo phì và đái tháo đường. Vì vậy, cần phải có các chính sách giúp giảm giá thực phẩm lành mạnh, đồng thời khuyến khích sản xuất và tiêu thụ thực phẩm tươi sạch, giàu dinh dưỡng.

Bên cạnh đó, việc đầu tư vào các cơ sở thể dục thể thao cộng đồng như công viên và trung tâm thể thao cũng là một giải pháp thiết yếu. Các cơ sở này cần phải phục vụ cho tất cả các tầng lớp xã hội, không chỉ riêng những người giàu có. Việc tạo ra không gian công cộng lành mạnh giúp người dân có thể tập thể dục thường xuyên, từ đó giảm thiểu tỷ lệ mắc bệnh đái tháo đường, béo phì và các bệnh mạn tính khác.

Cải thiện hệ thống y tế

Một trong những rào cản lớn nhất trong việc điều trị đái tháo đường hiện nay là khả năng tiếp cận dịch vụ y tế tại các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình. Tại nhiều quốc gia này, chi phí điều trị bệnh đái tháo đường rất cao và người dân khó có thể tiếp cận các dịch vụ y tế chuyên sâu. Để giải quyết vấn đề này, cần có một hệ thống bảo hiểm y tế toàn dân với mức phí hợp lý hoặc được nhà nước trợ cấp, giúp mọi người đều có thể tiếp cận dịch vụ y tế, từ việc tầm soát bệnh đái tháo đường đến việc điều trị và quản lý bệnh trong suốt quá trình sống chung với bệnh.

Ngoài ra, cần phát triển cơ sở hạ tầng y tế để hỗ trợ các cuộc thăm khám định kỳ, tư vấn sức khỏe và điều trị bệnh đái tháo đường. Các chương trình giáo dục sức khỏe cộng đồng cũng cần được triển khai mạnh mẽ để nâng cao nhận thức của người dân về bệnh đái tháo đường và tầm quan trọng của việc điều trị sớm. Chính phủ và các tổ chức quốc tế cần có những chính sách hỗ trợ, bảo đảm rằng các dịch vụ này có thể tiếp cận được với người dân ở mọi địa phương, đặc biệt là các khu vực nghèo, nơi người dân thiếu thốn về cả kiến thức lẫn điều kiện y tế.

Cần sự can thiệp ngay lập tức để phòng ngừa bệnh đái tháo đường

Hầu hết các trường hợp mắc bệnh đái tháo đường đều có thể phòng ngừa được thông qua việc thay đổi lối sống, chế độ ăn uống và tăng cường hoạt động thể chất. Điều này đòi hỏi một sự nỗ lực mạnh mẽ từ các chính phủ, tổ chức quốc tế và cộng đồng. Chúng ta không thể chần chừ thêm nữa trước những bất công lớn mà người bệnh đái tháo đường đang phải gánh chịu. Nếu không có hành động ngay lập tức, hàng triệu người sẽ tiếp tục phải chịu đựng những biến chứng nghiêm trọng của bệnh đái tháo đường, trong khi hệ thống y tế và kinh tế toàn cầu sẽ phải gánh một gánh nặng khổng lồ.

 
Đào Dung (Theo Forbes)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Nội tiết