Lạm dụng đồ uống có đường gây nhiều tác hại cho sức khỏe
8 đồ uống giúp tăng cường miễn dịch khi trời chuyển lạnh
Những loại nước uống kích thích hệ tiêu hóa, giúp cơ thể bài tiết dễ dàng
Đồ uống có gas liên quan đến nguy cơ đột quỵ
5 thực phẩm và đồ uống bạn cần tránh để ngừa ung thư
Đây là khẳng định của TS.BS Nguyễn Trọng Hưng trong buổi làm việc với phóng viên của tạp chí Sức khỏe+. Lạm dụng đồ uống có đường chắc chắn sẽ gây hại cho sức khỏe, không chỉ bao gồm những bệnh liên quan đến chuyển hóa. Thế giới đã có rất nhiều nghiên cứu khẳng định "mối liên hệ không ngọt ngào của đồ uống có đường với sức khỏe con người".
Hệ lụy "đắng"!
Theo TS.BS Nguyễn Trọng Hưng, tác hại đầu tiên và có thể nhìn thấy rõ nhất khi lạm dụng đồ uống có đường là các vấn đề về răng miệng.
Đầu tiên, răng dễ bị sâu bởi một lượng đường khá lớn có trong nước ngọt. Bên cạnh đó, nước ngọt chứa một lượng acid photphoric khá lớn làm mòn men răng - lớp áo bảo vệ cho răng, giúp giữ chân răng. Khi sử dụng nước ngọt thường xuyên hay uống quá nhiều, lượng acid photphoric có trong nước ngọt sẽ làm mòn lớp áo này, răng mất dần đi sự bảo vệ nên dễ bị thương tổn bởi các yếu tố bên ngoài. Khi men răng trở nên quá yếu, răng dễ bị sâu, không được điều trị tốt thì dễ rụng và nướu răng cũng bị ảnh hưởng. "Sâu răng. không dễ chịu chút nào. Người có răng sâu thường cảm thấy đau nhức, khó chịu, thậm chí dẫn đến giảm ăn, mất ngủ, thể trạng sức khỏe vì thế yếu dần đi.", TS. Nguyễn Trọng Hưng cho biết.
Ngoài gây sâu răng, nước ngọt còn làm răng bị xỉn màu, vàng ố răng gây mất thẩm mỹ. Răng miệng mất tính thẩm mỹ sẽ ảnh hưởng tới giao tiếp trong đời sống hàng ngày.
Không chỉ dừng lại ở các vấn đề về răng miệng, TS. Hưng cho biết, dùng nhiều hoặc lạm dụng đồ uống có đường còn là nguyên nhân gây ra các căn bệnh mạn tính không lây liên quan đến dinh dưỡng như tim mạch, đái tháo đường, rối loạn chuyển hóa, các bệnh lý liên quan đến xương khớp, thận.
Nhiều nghiên cứu đã chỉ rõ mối liên hệ giữa việc sử dụng đồ uống có đường và các vấn đề về sức khỏe. Một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Dinh dưỡng lâm sàng Mỹ (The American Journal of Clinical Nutrition) đã phát hiện rằng sử dụng đồ uống có đường nhiều có liên quan trực tiếp đến việc tăng cân và béo phì. Cụ thể, mỗi khẩu phần 330ml đồ uống có đường có thể làm tăng 0,08kg trọng lượng cơ thể trong mỗi năm. Những người sử dụng nhiều đồ uống có đường có xu hướng tăng cân nhiều hơn so với những người hạn chế uống.
Một nghiên cứu khác được công bố trên tạp chí này đã chứng minh rằng, đồ uống có đường có mối liên hệ trực tiếp với nguy cơ mắc đái tháo đường type 2. Cụ thể, mỗi ngày uống 1-2 lon nước ngọt có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường type 2 lên tới 26%.
Một nghiên cứu của trường Đại học California (Mỹ) được đăng tải trên Tạp chí Nội khoa thuộc Hiệp hội Y khoa Hoa Kỳ (JAMA Internal Medicine) đã chỉ ra mối liên hệ giữa tiêu thụ đồ uống có đường và nguy cơ bệnh tim mạch. Nghiên cứu này cho thấy, lượng đường tinh có trong đồ uống có đường có thể làm tăng các yếu tố nguy cơ tim mạch như tăng huyết áp và mức triglycerides trong máu, cả hai đều là là yếu tố gia tăng các vấn đề về tim mạch. Ngoài ra, nghiên cứu cũng chỉ ra việc tiêu thụ quá nhiều đồ uống có đường có thể dẫn đến sự tích tụ mỡ bụng, một yếu tố nguy cơ khác gây rối loạn lipid máu. Sự thay đổi bất lợi trong các chỉ số lipid máu (như tăng cholesterol xấu LDL và giảm cholesterol tốt HDL) có thể làm tăng nguy cơ xơ vữa động mạch.
Dùng hợp lý hơn cắt giảm hoàn toàn
Đây là quan điểm của TS.BS. Nguyễn Trọng Hưng về giải pháp hữu hiệu để hạn chế sử dụng và các hại của đồ uống có đường. "Theo tôi, không cần cắt giảm hoàn toàn nhưng cần dùng hợp lý”, TS.BS Nguyễn Trọng Hưng cho biết.
BS. Hưng cho biết, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã đưa ra khuyến cáo về lượng đường tiêu thụ hàng ngày đối với một người trưởng thành để giảm nguy cơ mắc bệnh, đó là, lượng đường tiêu thụ chỉ nên chiếm dưới 10% tổng năng lượng tiêu thụ hàng ngày. Tuy nhiên, đối với những người có nguy cơ thừa cân, béo phì, mắc bệnh tim mạch hoặc các rối loạn chuyển hóa khác, lượng đường nên hạn chế ở mức dưới 5% tổng năng lượng mỗi ngày.
Cụ thể, nếu một người bình thường có tổng năng lượng tiêu thụ mỗi ngày là 1.600 kcal thì có thể tiêu thụ khoảng 40-50 gram đường. Còn với những người có nguy cơ mắc bệnh như thừa cân, béo phì, đái tháo đường… lượng đường tiêu thụ không nên vượt quá 25gram mỗi ngày (dưới 5% tổng năng lượng).
Bên cạnh đó, theo BS. Hưng, chúng ta cần hiểu rõ nhu cầu năng lượng của cơ thể ở mỗi độ tuổi và mức độ hoạt động. Điều này giúp xây dựng một thực đơn dinh dưỡng hợp lý, đồng thời tính toán lượng đường có trong thực phẩm và đồ uống hàng ngày.
Trong trường hợp không có điều kiện để tư vấn dinh dưỡng, chúng ta có thể tuân thủ các khuyến nghị chung. Đặc biệt, cần kiểm soát lượng đường từ các nguồn như trái cây và đồ uống ngọt. Mỗi ngày, nên ăn khoảng 400-500 gram rau xanh và quả chín, chia làm 2 phần, mỗi phần khoảng 200-250 gram rau quả. Đối với người thừa cân, béo phì, nên giảm bớt lượng quả chín trong khẩu phần rau quả, tăng lượng rau xanh lên.
Ngoài ra, khi uống nước ngọt đóng chai, hãy chú ý đọc nhãn sản phẩm để xác định lượng đường và quyết định số lượng phù hợp với thể trạng sức khỏe, từ đó kiểm soát việc tiêu thụ chúng một cách hợp lý
BS. Hưng cũng lưu ý, cùng với lượng đường tự nhiên trong nhiều loại thực phẩm, việc bổ sung đường từ các loại đồ uống khác cũng sẽ làm tăng tổng hàm lượng nên nạp và vượt quá lượng đường được khuyến cáo.
"Không thể cấm một người sử dụng đường nhưng nên khuyến cáo họ dùng sao cho hợp lý, linh hoạt. Bên cạnh đường tinh từ các loại thức uống có đường, nên cộng cả lượng đường có trong thực phẩm tự nhiên, đường sử dụng trong thực phẩm chế biến để tính toán mức sử dụng phù hợp", bác sĩ Hưng nói.
Cũng theo TS.BS Nguyễn Trọng Hưng, bên cạnh việc hạn chế đồ uống có đường, tính toán lượng đường nạp vào cơ thể hợp lý, thì mỗi người cũng nên đồng thời áp dụng chế độ ăn uống, tập luyện, sinh hoạt hợp lý để cân bằng và bảo vệ Sức khỏe lâu dài.
Bình luận của bạn