Hãy nhớ giữ “sổ đỏ” sức khỏe của mình!

Sổ khám bệnh được ví như "sổ đỏ" sức khỏe

Cảnh báo từ Bác sỹ Lân Hiếu

Vẫn cần “nhìn, sờ, gõ, nghe”!

Mua thuốc không đơn & Lời khuyên từ bác sỹ Lân Hiếu

Vụ bê bối sữa bột ở Pháp: Đã ngăn chặn sản phẩm nhiễm khuẩn vào Việt Nam

Sổ đỏ nhà thì giữ,
“Sổ đỏ sức khỏe” thì không,
Đến khi có bệnh biết làm sao đây!

Khi còn trẻ khỏe, thi thoảng mới phải đến bệnh viện chữa mấy bệnh vặt, đâu có để ý đến cuốn sổ khám chữa bệnh. Nay có tuổi, bệnh tật kéo đến, hay vào bệnh viện, mỗi lần thầy thuốc đều hỏi đến mới chú ý tới cuốn sổ khám chữa bệnh, nó như tập hồ sơ lưu vết tình trạng cái thứ còn” quý hơn vàng” của mình. Đó chắc là chuyện không chỉ của riêng tôi mà còn phổ biến với nhiều người. Thế nên khi thấy PGS.TS.BS Nguyễn Lân Hiếu khuyên “giữ hồ sơ sức khỏe như giữ sổ đỏ” tôi muốn chia sẻ với mọi người.

Dưới đây là câu chuyện của bác sỹ Lân Hiếu trên trang Facebook cá nhân của ông:

Hồ sơ bệnh án
Hầu như buổi khám bệnh nào tôi cũng gặp những bệnh nhân “tay không”. Đây là những vị khách làm tôi lo lắng và cũng mất nhiều thời gian giải thích nhất. Đa phần lý do đưa ra khi đến các bác sỹ khác không ai hỏi hồ sơ cũ nên không mang theo, muốn khám lại từ đầu để có một tổng quan mới…

Hôm nay tôi chia sẻ tầm quan trọng của hồ sơ bệnh án để người bệnh và thân nhân không còn suy nghĩ đi khám bệnh như một cuộc du lịch.

Thứ nhất, cho dù bác sỹ giỏi đến đâu cũng không đoán được quá khứ vậy nên hồ sơ cũ là vô cùng quan trọng; các bệnh lý đã mắc, đang mắc, các thuốc đang điều trị là những dữ liệu quan trọng để định hướng chẩn đoán, đề ra các xét nghiệm và phương pháp điều trị. Lấy ví dụ một bệnh nhân tăng huyết áp nhưng có tiền sử hen phế quản nếu không mang hồ sơ và cũng chẳng kể, bác sĩ kê thuốc chẹn bêta giao cảm - là một phác đồ thông thường nhưng sẽ dẫn đến co thắt phế quản nặng thậm chí có thể tử vong.

Hồ sơ cũ là vô cùng quan trọng giúp bác sĩ nhận biết được về tình trạng sức khỏe, tiểu sử bệnh của bệnh nhân

Hồ sơ cũ là vô cùng quan trọng giúp bác sĩ nhận biết được về tình trạng sức khỏe, tiểu sử bệnh của bệnh nhân

Thứ hai, các xét nghiệm cho dù ở tuyến thấp nhất cũng vô cùng quan trọng với bất cứ bác sỹ giỏi nào vì họ sẽ coi đây là bằng chứng khách quan so sánh sự tiến triển của bệnh tật. Trước đây xét nghiệm ở mức A bây giờ làm lại ở mức B, nếu B tốt hơn A thì mừng quá cứ tiếp tục hướng đi ấy còn B xấu hơn A dù có đang dùng phác đồ hiện đại đắt tiền vẫn cần xem xét lại. Tôi đã từng gặp một VIP có điện tim rất bất thường, đến bệnh viện nào cũng đề nghị phải nhập viện cấp cứu, chụp động mạch vành nhưng nếu các bác sỹ được nhìn thấy điện tim từ 10 năm trước chắc chắn sẽ có thái độ tiếp cận hoàn toàn khác.

Cuối cùng, trong ngành y hay ngay cả cuộc sống thường ngày nguyên tắc “không đi lại vết xe đổ” luôn được nhấn mạnh. Các bác sỹ có hồ sơ cũ sẽ không chữa trị theo cách đã thất bại. Tuyến trên giỏi hơn tuyến dưới là vậy.

Tôi luôn nói với các bạn trẻ đừng vội chê vì nếu các bạn là người tiếp xúc đầu tiên với bệnh nhân, không có nhiều phương tiện chắc các bạn cũng sẽ gặp những sai lầm như vậy. Chính vì vậy từ năm 2023 này, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội sẽ cử các bác sỹ đi luân chuyển về vùng sâu vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Tuần này bác sỹ nội trú tim mạch, tiêu hoá, hồi sức cấp cứu… lên đường về Mường Khương, Bắc Hà và Bảo Yên. Đi để hiểu và đi để chia sẻ những khó khăn của các bác sỹ gặp những người bệnh “tay không” thực sự.

Để kết thúc, tôi xin có sự cảm thông của những người bệnh và thân nhân khi tôi nghiêm khắc yêu cầu mang theo hồ sơ cũ, những hộp thuốc vỏ thuốc đã dùng, những cái đĩa CT, MRI, chụp mạch từ nhiều năm trước…

Câu tôi hay nói với bệnh nhân: “Cố gắng giữ hồ sơ sức khoẻ của mình như giữ sổ đỏ trong nhà”.

Cả nghĩ “Sổ đỏ" sức khỏe mà nhiều trang quá, khi đi khám chữa bệnh mang theo để bác sỹ theo dõi cũng lích kích, mất thời gian. Giờ câu chuyện chuyển đổi số đang là thời sự. Chỉ mong mỗi người chúng ta đã có mã số cá nhân rồi, trong đó tích hợp luôn thông tin y tế cá nhân, khi đến khám bệnh chỉ cần đọc cho bác sỹ mã số cá nhân là có thể tra cứu được tiền sử bệnh tật. Khi có bệnh người đã yếu đi viện khỏi phải nhớ mang theo cái túi nặng đựng “sổ đỏ”, ở nhà cũng không phải sắm cái két cất thứ “sổ đỏ” này thì thật thuận lợi. Xã hội số, công dân số… phải như thế chứ!

Khi chưa được như thế thì xin hãy nhớ làm theo lời dặn của bác sỹ Lân Hiếu!

 
Diệu Vi
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Trò chuyện