Đủ vị mặn ngọt chua cay trong cỗ Tết miền Nam

Món thịt kho tàu mang ý nghĩa cầu mong cho mùa màng được xanh tốt

Đậm đà hương vị cỗ Tết miền Trung

Cách làm các món ngon cổ truyền miền Bắc dịp Tết (P.1)

Cách làm các món ngon cổ truyền miền Bắc dịp Tết (P.2)

Bánh chưng ngày Tết: Ai không nên ăn?

Mâm cỗ ngày Tết miền Nam thường có đủ các món như khai vị, món chính, món dự trữ, món tráng miệng. Khai vị có gỏi gà xé phay, tai heo ngâm giấm. Món chính có nồi thịt kho tàu, chả giò, nem, canh khổ qua, canh măng (măng tươi, không phải măng khô như ngoài Bắc). Món dự trữ có lạp xưởng, củ kiệu tôm khô, dưa giá. Tráng miệng có nhiều loại mứt trái cây như mứt dừa, mãng cầu, củ năng, thèo lèo, kẹo chuối, bánh ít, bánh bò…

Dù phong phú và đa dạng thế nào, mâm cỗ ngày Tết của các gia đình cũng không thể thiếu 4 món: Bánh tét, thịt kho tàu, canh khổ qua và củ kiệu tôm khô.

Mâm cỗ ngày Tết của người miền Nam

Bánh tét

Khác với bánh tét miền Trung, bánh tét miền Nam đa dạng cả về hương vị lẫn màu sắc. Bánh tét có nhiều loại: Bánh tét ngọt, mặn, nhân thập cẩm, bánh tét chay không nhân…

Để có chiếc bánh tét ngon người ta sử dụng lá cẩm ngon và nếp mù u mẩy tròn. Gạo nếp đem vo sạch, để ráo nước rồi xào với nước cốt dừa và nước lá cẩm. Nhân bánh là các nguyên liệu gồm đậu xanh, chuối, thịt, trứng muối, nấm… Bánh gói thành đòn dài, người làm bánh còn khéo kéo sắp xếp nhân bánh sao cho khi cắt bánh, nhân bánh sẽ có màu sắc và tạo hình đẹp, như hình hoa mai, chữ An, Khang, Phúc, Lộc, Thọ…

Canh khổ qua (mướp đắng nhồi thịt)

Nét khác biệt lớn nhất trong các món ngon ngày Tết của miền Nam so với miền Bắc và miền Trung là bát canh khổ qua. Người miền Nam quan niệm ăn canh khổ qua trong năm mới thì mọi cơ cực, đau khổ trong năm cũ sẽ qua đi, năm mới được may mắn, an lành.

Canh khổ qua được nấu từ những trái khổ qua tươi, bỏ ruột rồi nhồi thịt băm nhỏ vào, dùng nước hầm xương để nấu thành canh. Bát canh có vị đắng của khổ qua, vị ngọt của thịt, vị thanh của nước hầm xương. Ngoài ý nghĩa cho qua cơ cực, bát canh khổ qua còn chống ngán trong những ngày Tết nhiều đạm, thịt.

Củ kiệu tôm khô

Củ kiệu tôm khô là món ăn bình dị nhưng không thể thiếu trên mâm cỗ ngày Tết của mỗi gia đình. Nếu bất chợt có khách đến chúc Tết, trong lúc chờ chuẩn bị các món ăn thết đãi, gia chủ sẽ mời ngay một đĩa củ kiệu với vài con tôm khô để cùng nhâm nhi với ly rượu.

Củ kiệu tôm khô tuy bình dị, dân dã nhưng không thể thiếu trong mâm cỗ ngày Tết

Thịt kho tàu

Ít ai biết rằng, món thịt kho tàu mang ý nghĩa cầu mong cho nước lợ tẩy rửa nước mặn đồng chua để mùa màng được xanh tốt. Chính vì thế, trong mấy ngày Tết, người miền Nam luôn kho sẵn một nồi thịt kho tàu, ăn cùng với dưa giá và củ kiệu.

Cũng phải khẳng định thêm rằng, không đâu có món thịt kho tàu ngon như của người miền Nam. Thịt kho là thịt rọi thái miếng to, ướp với mắm, đường, hành, tỏi, ớt cho ngấm. Sau đó, thịt được nấu với nước dừa xiêm cho sôi, rồi bỏ trứng đã luộc vào kho cùng. Đến khi nước trong nồi có màu cánh gián, sánh lại, thịt mềm là được. 

An H+ (Tổng hợp)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Khỏe đẹp