Kem bôi, thuốc xịt chống muỗi: Coi chừng con dao hai lưỡi!

Bé có thể bị dị ứng nếu lạm dụng thuốc xịt, bôi chống muỗi

Chống muỗi và côn trùng trong mùa hè

Chống muỗi bằng hương liệu tự nhiên

Tìm ra loại thuốc chống muỗi vừa hiệu quả vừa rẻ tiền

Chống muỗi: càng hiện đại, càng hại người

“Nở rộ” sản phẩm chống muỗi

Không khó để tìm mua một sản phẩm chống muỗi và côn trùng, chỉ gần một cú click chuột là hàng chục nhãn hiệu về sản phẩm dạng này được cập nhật trên mạng xã hội và các website bán hàng trực tuyến. 

Theo tìm hiểu của phóng viên, hiện các sản phẩm này rất đa dạng về chủng loại. Bên cạnh những sản phẩm bôi hoặc xịt thẳng lên da, quần áo của trẻ như: Dạng xịt, kem, tinh dầu, gel... sản phẩm chống muỗi còn được rao bán dưới dạng các sản phẩm hỗ trợ như: Vòng đeo, đèn đuổi muỗi, miếng dán, máy đốt tinh dầu, nhang muỗi… Hầu hết các sản phẩm được rao bán trên thị trường đều có xuất xứ nước ngoài. Đa dạng nhất phải kể đến các sản phẩm đến từ Nhật Bản. Do nhu cầu sử dụng sản phẩm tăng cao, nên các mặt hàng chống muỗi luôn hút khách. 

Sản phẩm chống muỗi được bán đa dạng trên thị trường

Chị Nguyễn Quỳnh Phương (Mỹ Đình, Từ Liêm, Hà Nội) chia sẻ: "Nhà mình nhiều muỗi lắm. Chẳng hiểu sao muỗi lại rất thích đốt con bé thứ hai, trong khi mọi người lại rất ít bị đốt. Thấy muỗi đốt kín chân rồi má con, con gãi trầy xước cả da, mình xót lắm. Lại nghe nói muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết mình đứng ngồi không yên nên mình mua đủ loại thuốc xịt, kem bôi về chống muỗi cho con”. 

Có thể gây tác dụng phụ

Theo ThS.BS Lê Thị Phương Huệ - Bệnh viện Thanh Nhàn: "Sản phẩm chống muỗi dưới dạng kem bôi hay thuốc xịt lên da có tác dụng chống muỗi khá hữu hiệu, nhưng không nên lạm dụng sẽ ảnh hưởng không tốt đến da".

Hiện nay, các sản phẩm chống muỗi trên thị trường rất đa dạng nhưng đều có chung một thành phần là deet, với tỷ lệ thấp nhất là 15%, tùy theo từng sản phẩm của từng hãng sản xuất và được pha trộn thêm các thành phần khác. Tuy nhiên, dù tỷ lệ thấp nhưng hóa chất deet (một trong những thành phần cơ bản được sử dụng trong hầu hết các loại thuốc chống muỗi. Nó là hoá chất thường được biết dưới tên N-diethyl-3-methylbenzamide) không phải là vô hại và người sử dụng cần tuân thủ các hướng dẫn ghi trên bao bì để đảm bảo tính an toàn và hiệu quả sử dụng của sản phẩm, không nên lạm dụng. Thực tế cho thấy, không phải ai cũng biết cách sử dụng đúng. Nhiều bà mẹ do quá lạm dụng các loại kem chống muỗi nên gây tổn hại đến làn da của bé.

Nguy cơ viêm da dị ứng: Đối với trẻ em, nhất là trẻ dưới 5 tuổi không nên sử dụng hoặc tiếp xúc với các sản phẩm này do hệ thống chức năng miễn dịch của trẻ chưa hoàn chỉnh. Nếu trường hợp bất khả kháng phải bôi thuốc cho trẻ thì cha mẹ nên tuân thủ đúng các quy định trong phần hướng dẫn sử dụng. Sau khi không cần thiết phải bôi thuốc cho trẻ nữa phải tắm rửa sạch sẽ để loại bỏ hóa chất có hại. 

Bôi kem hoặc thuốc xịt chống muỗi đốt chỉ có tác dụng tạm thời, khi thuốc bay hết lại phải bôi tiếp. Nếu bôi kéo dài và bôi nhiều cũng có thể gây hại cho da. Đôi khi còn xuất hiện các tác dụng phụ như phản ứng kích ứng (da đỏ lên, rát, bong vảy) hoặc gây dị ứng da (da sưng nề, đỏ lên, ngứa, mụn nước li ti hoặc có mủ...).  

Gây tổn hại đến đường hô hấp: Thuốc chống muỗi nào được tạo thành từ nhiều loại hóa chất khác nhau. Khi dùng những loại bình xịt chống muỗi cho vùng mặt và cổ, thuốc xịt có thể lẫn vào không khí và dễ dàng xâm nhập cơ thể qua đường hô hấp. Lúc này bạn nên xịt trước ra tay rồi mới nên thoa vào vùng mặt, cổ chú ý tránh các vùng như mắt, mũi, miệng…

Nguy cơ phơi nhiễm hóa chất: Khi các loại thuốc muỗi tiếp xúc với các vùng da hở như vết thương, nốt muỗi đốt cũ đã gãi trầy xước… cơ thể có nguy cơ sẽ bị phơi nhiễm hóa chất qua các vùng da hở này. Người bị phơi nhiễm hóa chất có thể bị nhiễm trùng, sưng tấy, viêm da…

Cách sử dụng sản phẩm chống muỗi an toàn

- Nên xịt ra tay và xoa lên các vùng có nguy cơ bị muỗi đốt

- Trước khi sử dụng cho toàn thân, nên thử dùng trước cho một vùng da nhỏ mặt trong cánh tay. Nếu không xuất hiện kích ứng, mẩn ngứa thì từ đó mới áp dụng cho toàn bộ cơ thể.

- Tránh sử dụng những sản phẩm chống muỗi cho trẻ em dưới 5 tuổi vì da các bé rất nhạy cảm, rất dễ bị dị ứng.

- Chỉ sử dụng thuốc chống muỗi khi thực sự cần thiết, khi đi chơi xa, du lịch…

- Khi bôi cần tránh vùng mắt, mũi, miệng, vết thương hở.

Cách tốt nhất để bảo vệ trẻ khỏi bị muỗi chích là sử dụng các biện pháp cơ học, sinh học. Cụ thể, đối với trẻ nên hạn chế tiếp xúc với những nơi có nhiều muỗi, phải mặc áo quần dài cho trẻ và cho trẻ ngủ màn kể cả ban ngày. Để phòng chống muỗi, người dân nên dọn dẹp vệ sinh môi trường sạch sẽ như phát quang bụi rậm; Súc rửa lu vại chứa nước, bình cắm hoa...; Thực hiện đúng khẩu hiệu “không có lăng quăng, không có muỗi gây bệnh”.
Thanh Tú H+ (Tổng hợp)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Khỏe đẹp