Để tổ chức thành công giải Bóng đá nữ vô địch quốc gia là điều không dễ dàng - Ảnh: VFF
Nắng nóng bao trùm Bắc Bộ, Trung Bộ
Giải bóng đá nữ VĐQG 2024: CLB bóng đá nữ Sơn La và vận hội mới
Giải bóng đá nữ VĐQG 2024: CLB bóng đá nữ Sơn La và vận hội mới
Bóng đá nữ hứa hẹn về một cuộc lật đổ
Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) lâu nay vẫn thường bị chỉ trích là trọng nam khinh nữ, dành mọi sự ưu ái cho bóng đá nam mà để các cầu thủ nữ gặp không ít thiệt thòi. Thực tế chỉ ra rằng bóng đá nữ mới mang về nhiều thành công hơn cho bóng đá Việt Nam nói chung khi các cô gái ở các cấp độ đội tuyển đã mang về rất nhiều chiến công rực rỡ. Ở cấp độ ĐTQG, ĐT nữ dưới thời HLV Mai Đức Chung hay cả những đời HLV trước đó đều giành được những chiến thắng ấn tượng trên trường quốc tế. ĐT nữ Việt Nam luôn cùng ĐT nữ Thái Lan thay nhau giữ vị trí số 1 ĐNÁ, tham gia các giải châu lục và thậm chí đã có vinh dự được góp mặt tại một kỳ World Cup.
Để có được những chiến tích lẫy lừng ấy, các cô gái đá bóng của Việt Nam đã phải vượt lên vô vàn khó khăn như điều kiện thi đấu, chăm sóc, lương thưởng hay thể chất và đôi khi còn thi đấu bất chấp chấn thương. Con gái tham gia một môn thể thao đòi hỏi thể lực tốt, đối mặt với sự va chạm mạnh như bóng đá vốn đã không phải là chuyện đơn giản. Việc phải thi đấu trong những điều kiện khắc nghiệt còn khiến mọi thứ trở nên khó khăn hơn nhiều bởi rõ ràng thể trạng của họ không thể so sánh với các cầu thủ nam. Điều đó đòi hỏi Liên đoàn Bóng đá Việt Nam phải có sự quan tâm và tạo điều kiện nhiều hơn nữa.
Cái khó của ban tổ chức
Nhưng như đã nói, VFF luôn bị cho là không có được sự công bằng với bóng đá nữ. Từ việc quan tâm phát triển và nhân rộng phòng trào bóng đá nữ ở các địa phương chưa hiệu quả (đến nay loanh quanh vẫn chỉ có vài địa phương có đội bóng nữ tham gia giải VĐQG là TP.HCM, Hà Nội, Hà Nam, Quảng Ninh, Thái Nguyên và Sơn La), đến việc tổ chức các giải đấu cũng chưa ổn. Mới đây, mội kênh youtube còn thông tin về những khó khăn, bất cập mà các đội bóng tham dự giải Bóng đá nữ VĐQG - Cup Thái Sơn Bắc 2024 gặp phải như việc phải thi đấu vào thời điểm nóng bức (15h00) tại Bà Rịa Vũng Tàu, hay việc chỉ được thi đấu trên các sân tập của CLB Bà Rịa Vũng Tàu thay vì sân chính có khán đài…
Về vấn đề này, đại diện VFF đã chia sẻ Liên đoàn luôn nỗ lực để tổ chức tốt nhất các giải bóng đá quốc gia, đối với bóng đá nữ cũng luôn dành sự quan tâm rất lớn. Từ việc LĐBĐVN quyết định tăng mức thưởng tập thể và cá nhân cho các đội tham dự các giải quốc gia, tổ chức thêm giải nữ Cúp QG và các giải U cho bóng đá có thêm sân chơi là ví dụ cụ thể.
Việc tìm thêm những nhà tài trợ cho giải Bóng đá nữ VĐQG để san sẻ cùng Thái Sơn Bắc (đơn vị là nhà tài trợ chính cho giải suốt 12 năm qua) đã khó, việc tìm địa điểm tổ chức các giải nữ cũng là bài toán hóc búa, hông chỉ mùa này mà là từ nhiều mùa giải gần đây. Giải VĐQG - Cúp Thái Sơn Bắc 2024 với số lượng 08 đội tham dự, 04 trận/lượt phải có từ 2-3 sân mới đảm bảo chất lượng chuyên môn, do vậy việc tìm 2-3 sân/cùng địa phương rất khó khăn.
Đại diện VFF cho biết ngay từ cuối năm 2023, cấp điều hành LĐBĐVN đã chuẩn bị các phương án địa điểm tổ chức và liên hệ làm việc với các CLB, các địa phương có bóng đá nữ để mời đăng cai tổ chức giải như Quảng Ninh, Hà Nam… Các địa điểm đăng cai quen thuộc như Hà Nội, Quảng Ninh, TP.HCM hay Hà Nam đều “kẹt” nên không thể nhận lời. Các địa phương khác số lượng sân thi đấu không đảm bảo để tổ chức giải đấu. Mùa giải 2024 này, việc tổ chức ở Bà Rịa cũng được xem là cố gắng lớn từ BTC giải.
VFF rất trân trọng Công ty cổ phần bóng đá Bà Rịa Vũng Tàu đã nhận đăng cai tổ chức giải với chủ trương hỗ trợ, ủng hộ hết sức cho công tác phát triển bóng đá nữ. Nhiều người không biết rằng trên thực tế, Công ty đang quản lý, bảo dưỡng trực tiếp 3 sân: Long Tâm, Tân Hưng và sân Bà Rịa. Do giải bóng đá hạng Nhất Quốc gia cũng đang diễn ra, CLB Bà Rịa Vũng Tàu đang thi đấu nên việc bố trí sân tập và thi đấu cho các đội dự giải bóng đá nữ VĐQG cũng phải phải sắp xếp hợp lý và luân phiên giữa các sân chứ không thể đá ở sân chính như mong muốn.
Liên quan đến thông tin về việc các trận đấu của giải Bóng đá nữ VĐQG 2024 phải đá vào lúc 15h trong thời tiết nắng nóng oi bức của Bà Rịa khiến các cầu thủ không duy trì được thể lực và gặp nhiều vấn đề về sức khỏe, lãnh đạo VFF cũng đã có giải thích. Cụ thể: “Do thời tiết tại Bà Rịa đã bước vào mùa mưa, thời tiết lúc 15h đến 16h chiều có thể rất nóng nhưng buổi chiều ở đây thường có những cơn mưa giông bất chợt khiến trời tối rất nhanh. Thực tế, các lượt trận 3 và 4 thường xuyên bị mưa, gây ảnh hưởng chất lượng chuyên môn, trong khi các sân Long Tâm và Tân Hưng không có hệ thống chiếu sáng, do vậy việc điều chỉnh thời gian thi đấu lên sớm 30 phút sẽ giúp công tác chuyên môn và các đội bóng được thi đấu trong điều kiện ánh sáng đảm bảo. Trước thực trạng này, LĐBĐVN đã chủ động trao đổi với các CLB tham dự giải và nhận được sự đồng thuận trong việc điều chỉnh giờ thi đấu sớm hơn 30 phút (bắt đầu từ 15h30, thay vì 16h00)”.
Có nhiều ý kiến cho rằng VFF đã chọn thời điểm không thuận lợi để tổ chức giải Bóng đá nữ VĐQG, nhưng trên thực tế, việc này đã được tính toán kỹ. Đại diện VFF cho biết: “Liên quan đến chuyện vì sao không tổ chức đá vào thời điểm khác cho thuận lợi? Câu trả lời là kế hoạch tổ chức giải bóng đá nữ VĐQG được sắp xếp phù hợp với quỹ thời gian dành cho của đội tuyển nữ tập trung, tập huấn; phù hợp với các giải đấu quốc tế như: VCK nữ U20 châu Á, môn Futsal nữ thuộc Asian Indoor Games, giải bóng đá nữ Vô địch các CLB châu Á - AFC women’s champions league (lần đầu tiên CLB đại diện VN tham dự giải đấu này) và các giải đấu trong nước khác: giải nữ Cúp QG, nữ U19, nữ U16.
Bên cạnh đó, việc tổ chức giải vào tháng 5 trùng, với thời gian giải chuyên nghiệp thi đấu, là do đầu năm 2024 AFC chưa thông báo cụ thể về việc CLB nữ TP.HCM sẽ được vào thẳng vòng bảng (tháng 10/2024) hay phải đá vòng sơ loại (tháng 8/2024) giải AFC Women’s Champions League - giải đấu dành cho các CLB bóng đá nữ bắt đầu từ mùa giải 2024-2025. Để chủ động thời gian cho CLB nữ TP.HCM có thể chuẩn bị tốt cho giải đấu mới của AFC, VFF quyết định tổ chức lượt đi vào tháng 5 và lượt về vào tháng 7/2024”.
Vẫn biết là khó khăn như thế, nhưng có lẽ VFF cũng cần nhìn nhận lại vấn đề một cách khách quan hơn. Rõ ràng vấn đề đẩy mạnh, phát triển và nhân rộng phong trào thi đấu bóng đá nữ trên cả nước đang là rất hạn chế. Loanh quanh vẫn chỉ có các địa phương như đã nói ở trên có đội bóng đá nữ. Rất nhiều địa phương khác có tiềm năng như Bình Dương, Đà Nẵng, Nghệ An, Thanh Hóa là các khu vực có tiềm năng, cung cấp nhiều cầu thủ bóng đá nữ cho các địa phương khác nhưng lại không thành lập được đội; Việc mở cơ chế quản lý chuyển nhượng cầu thủ cũng chưa rõ ràng dẫn đến các đội bóng có tiền cũng chẳng có cơ hội mua cầu thủ để tăng cường sức mạnh; Việc mở cửa cho các đội có tiềm lực mượn cầu thủ ở các nước trong khu vực cũng nên được tính đến để các đội tăng cường lực lượng và tăng tính cạnh tranh cho giải đấu thay vì thế độc tôn của TP.HCM và Hà Nội. Sự phát triển về chất của các đội bóng cũng sẽ góp phần tăng chất lượng cho ĐTQG về lâu về dài.
Bình luận của bạn