Trẻ sốt cao chân tay lạnh có nguy hiểm?

Trẻ sốt cao chân tay lạnh có thể chuyển sang co giật

Những việc cần làm ngay và luôn khi bị sốt cao

Bị sốt có lợi gì cho trẻ nhỏ?

Bé bị ho và sốt cao, có phải bị viêm phổi?

Video: Bác sỹ BV Bạch Mai hướng dẫn cách xử lý khi trẻ bị sốt cao co giật

Tại sao trẻ sốt cao nhưng chân tay lạnh?

Sốt không phải là bệnh mà là triệu chứng của nhiều căn bệnh khác nhau. Ở trẻ nhỏ, sốt có thể là do thời tiết bên ngoài quá nóng, mặc nhiều quần áo, phản ứng sau tiêm vaccine, nhiễm virus, vi khuẩn...

Về mặt y học, sốt giúp cơ thể chống chọi lại bệnh tật, vì khi nhiệt độ cơ thể tăng cao, sức đề kháng cũng nâng cao hơn, giúp tiêu diệt hoặc vô hiệu hóa các tác nhân gây bệnh. Tuy vậy, khi trẻ bị sốt, sờ đầu và bụng thấy nóng nhưng bàn chân và bàn tay lại rất lạnh thì lại cần đặc biệt cẩn trọng. 

Theo BSCKII Nguyễn Thị Từ Anh - Khoa Sơ sinh, Bệnh viện Từ Dũ, nguyên nhân trẻ sốt cao chân tay lạnh là do hiện tượng co mạch máu tay chân khi bị sốt. Nếu trẻ sốt cao nhưng chân tay lạnh mà không được xử trí kịp thời, có thể dẫn đến co giật.

Cách xử trí khi trẻ bị sốt cao

PGS.TS.BS Nguyễn Tiến Dũng - Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, cha mẹ không nên cho trẻ uống thuốc hạ sốt khi nhiệt độ dưới 38,5 độ C.

Trẻ sốt nhẹ (37,5 - 38,5 độ C) thì chỉ cần cởi bớt quần áo, cho uống nhiều nước hoặc bú mẹ nhiều hơn bởi sốt thường khiến trẻ bị mất nước. 

Trẻ sốt trên 38,5 độ C có thể dùng thuốc hạ sốt (thuốc dạng uống hoặc viên đạn đặt hậu môn). Nếu trẻ không uống được, bị nôn hoặc bị sốt trong đêm thì nên dùng viên đạn đặt hậu môn. Tuy nhiên, viên đạn đặt hậu môn sẽ kém hấp thu nếu trong trực tràng có nhiều phân. 

Về loại thuốc và liều lượng thuốc, cha mẹ nên hỏi kỹ bác sỹ hoặc dược sỹ. Khi cho trẻ dùng thuốc hạ sốt, cần dùng đúng theo chỉ định, liều dùng (thường tính theo cân nặng), tránh tăng liều để hạ sốt nhanh hoặc chia nhỏ liều...

Trẻ bị sốt cao có thể chườm khăn ấm, lau người bằng khăn ấm để hạ sốt

Cha mẹ cũng nên lau người cho trẻ bằng nước ấm khi trẻ bị sốt cao. Dùng khăn nhúng nước ấm đắp trên trán trẻ, lau nách, bẹn và khắp người trẻ. Nước ấm sẽ bốc hơi, làm giãn mạch máu làm trẻ mát, hạ sốt. Nếu trẻ bị sốt cao chân tay lạnh thì có thể lau bàn chân, bàn tay cho trẻ để chân tay ấm lại.

Khăn hết ấm lại thay khăn khác hoặc nhúng nước ấm, tránh lau người cho trẻ bằng nước lạnh. Thông thường, sau 30 - 45 phút, nhiệt độ cơ thể trẻ sẽ hạ. 

Ngoài việc lau khăn ấm, cha mẹ cũng có thể cho trẻ ngồi trong chậu nước ấm rồi dùng khăn lau trán, nách, bẹn và khắp người trẻ. 

Trong trường hợp trẻ đã được dùng thuốc hạ sốt, lau người mà vẫn không hạ sốt, cần cho trẻ đi cấp cứu ngay để được điều trị kịp thời, phù hợp.

Cách xử trí khi trẻ bị sốt co giật

Theo BS Dũng, khi trẻ bị sốt cao co giật, cha mẹ không nên dùng đũa, ngón tay chèn vào miệng trẻ để đỡ cắn lưỡi. Khi trẻ đang co giật, không nên làm gì hay cho uống gì, để tránh gây sặc.

Đợi cho trẻ hết cơn co giật, hãy cho chiếc khăn mỏng vào giữa 2 hàm răng của trẻ để tránh cơn co giật sau, rồi nhanh chóng đưa trẻ tới bệnh viện gần nhất. 

Khi trẻ đang co giật, cần bế nghiêng người trẻ, giữ đầu thẳng để đờm dãi chảy ra ngoài, tránh bị sặc. Tuyệt đối không nên vuốt hay day ngực trẻ. 

Vân Anh H+ (Tổng hợp)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Yêu trẻ