U23 Việt Nam và bước vươn tầm?

HLV Hoàng Anh Tuấn sẽ dẫn dắt U23 Việt Nam tham dự U23 Đông Nam Á 2023 (ảnh Vietnamplus)

Khẩn trương phối hợp với công an truy tìm nguồn gốc thuốc giả Cefixime 200

Trung Bộ tiếp tục nắng nóng, Bắc Bộ cảnh báo mưa dông cục bộ

"Bỏ túi" 6 mẹo làm đẹp cho da dầu

Bỏ thuốc lá có khó không?

Đi liền với thương hiệu “ông thầy trẻ mát tay” của bóng đá Việt, chắc chắn ông Hoàng Anh Tuấn phải là người đồng quan điểm áp dụng lối chơi tấn công, kiểm soát bóng của ông Philip Troussier, nên mới được giao làm huấn luyện viên trưởng U23 Việt Nam tại Giải U23 Đông Nam Á 2023. Chính ông thầy người Khánh Hòa này đã tuyên bố quan điểm về lối chơi như vậy của U23 Việt Nam và chắc chắn những kết quả đạt được/không đạt được của Duy Cương và đồng đội tới đây cũng như bài học cầm quân của một ông thầy nội sẽ giúp ích không nhỏ cho quá trình tìm kiếm, hoàn thiện lối chơi của bóng đá Việt trong mục tiêu vươn tầm đang hướng tới.

Tất cả những gì đạt và chưa đạt của bóng đá Việt thời ông Park Hang-seo cho phép và yêu cầu “triều đại mới” Philip Troussier phải tìm kiếm, nâng cao một lối chơi mới trên cơ sở nhân lực và các phương pháp xây dựng lực lượng từ bóng đá trẻ, từ những nhân tố tiềm năng và cả những trụ cột còn có thể phục vụ Đội tuyển Việt Nam. Khác với giai đoạn thành công trước từ 2018-2022, kể từ khi được giao cầm quân, ông Troussier lập tức cho gọi lên rất nhiều nhân tố trẻ để tìm kiếm, chọn lựa và xây dựng đội hình, chấp nhận những thất bại tạm thời không tránh khỏi như ở kỳ SEA Games vừa qua chẳng hạn.

Ở SEA Games 32, ông Troussier đã trình làng một loạt nhân tố mới đầy tiềm năng như Thái Sơn, Đức Phú, Minh Trọng, Ngọc Thắng…bên cạnh những “người cũ” Duy Cương, Tuấn Tài, Văn Tùng, Văn Khang, Văn Trường… Ở giải U23 Đông Nam Á 2023, tuy đang quá trình lựa chọn nhưng với việc gọi lên những nhân tố mới như Nam Hải, Văn Hà, Hữu Tuấn, kể cả lứa trẻ hơn như Long Vũ, Nguyên Hoàng… cho thấy tầm nhìn xa về việc dày công xây đắp lực lượng, nhằm tạo nên sự cạnh tranh quyết liệt, sự đa dạng về nguồn lực cho các đội tuyển.

Với 2 HLV như hiện giờ, định hình lối chơi cho U23 Việt Nam không phải việc dễ dàng (ảnh Vietnamplus)

Với 2 HLV như hiện giờ, định hình lối chơi cho U23 Việt Nam không phải việc dễ dàng (ảnh Vietnamplus)

Trong khi xây dựng một lối chơi mới và những kết quả đạt được sau SEA Games 32 với nhiều ý kiến trái chiều, những kết quả cụ thể của U23 Việt Nam ở giải U23 Đông Nam Á cùng với cách vượt qua áp lực thực chiến trước các đối thủ khu vực cũng sẽ cho phép ông Troussier tiếp tục “con đường đã chọn” hoặc phải sửa đổi, thay đổi quan điểm về lối chơi cho phù hợp, trước khi tính đến chuyện đường dài.

 

 Thực ra, ai cũng hiểu trước các đối thủ khu vực, việc các đội tuyển của Việt Nam phải thay đổi từ phòng ngự-phản công sang kiểm soát bóng-tấn công là điều tất yếu và có thể đạt được. Nhưng vấn đề là trước các đối thủ hàng đầu châu lục có thể hình, thể lực vượt trội, có lối chơi tiên tiến, nhuần nhuyễn và được định hình từ đầu, chúng ta đã và đang gặp vô vàn khó khăn, thử thách, luôn phá sản lối chơi, cách chơi như từng thấy.

Hãy nhớ U20 Việt Nam của ông Hoàng Anh Tuấn và những Nguyên Hoàng, Long Vũ… vừa mới thi đấu cấp châu lục mới đây để thấy chúng ta đã khốn khổ rồi vỡ trận như thế nào trước đối thủ có thể hình, thể lực vượt trội như Uzbekistan? Cần nói thêm ở Đội tuyển Việt Nam dạo nào, trung vệ có thể hình tốt như Thanh Bình có thể ghi được bàn thắng từ cú đánh đầu trong trận gặp Đội tuyển Nhật Bản hồi vòng loại thứ 3 World Cup 2022 nhưng thử hỏi có mấy cầu thủ Việt Nam từng làm được như thế và kể cả chính Thanh Bình cũng rất khó để tìm được bàn thắng thứ 2 kể từ đó trước các đối thủ hàng đầu châu lục?

Đội tuyển nữ Việt Nam tham dự Women’s World Cup 2023 mới đây từng được ca ngợi là có thể lực tuyệt vời để chơi sòng phẳng với Đội tuyển Mỹ, tuyển thủ Dương Thị Vân được coi là “Kante của Việt Nam” nhưng rồi thực tế đối đầu ở sân chơi thế giới cho thấy vô vàn điểm thua sút về chuyên môn trên cơ sở thể hình, thể lực, phương pháp đào tạo yếu kém của chúng ta trước đối thủ và vũ khí tinh thần dù tuyệt vời đến đâu cũng không thể bù đắp nổi… Nên không thể bằng lòng với thực tại, càng không thể ngồi yên trước việc chúng ta luôn biết rõ mình thua trận từ đâu mà không/chưa có biện pháp gì khắc phục ngay trong các trận đấu.

Nói cho cùng, lối chơi hay phương pháp vận hành nào cũng phải trên cơ sở con người cụ thể, tài năng cụ thể. Người Thái thường thắng chúng ta là nhờ lối chơi thuần thục xoay quanh tài năng Chanathip hay mới đây là Theerathon. U23 Việt Nam thời Thường Châu thành công là nhờ một tập thể tài năng xoay quanh Quang Hải và sau đó chúng ta luôn gặp khó khi không có một tài năng thực sự dẫn đắt đội tuyển.

Giờ đây, khi U23 Việt Nam chia làm 2 cho 2 ông thầy chỉ đạo, việc tìm kiếm, định hình lối chơi quả là không dễ dàng, dù các ông thầy luôn khẳng định mọi việc từ đầu. U23 Việt Nam hiện tại có Văn Khang từng được coi là tiềm năng lớn (có mặt một lúc 3 đội tuyển gồm U20, U23 và Đội tuyển Việt Nam từ thời Park Hang-seo) và có thể đang được chờ đợi là người truyền cảm hứng cho đồng đội trong giải đấu tới, dù tấm băng đội trưởng được giao cho trung vệ Duy Cương.

Nhiều người đang hy vọng từ giải đấu này, U23 Việt Nam sẽ trình làng, trình thầy Troussier những nhân tố tin cậy mới, có thể là Văn Hà, Nguyên Hoàng ở hàng thủ hay Hữu Tuấn, Long Vũ ở hàng công và một số nhân tố khác. Để từ đó có dần đủ cơ sở cho việc xây dựng và áp dụng triệt để lối chơi tấn công-kiểm soát bóng mà chúng ta đang mong muốn, cơ sở thuyết phục cho một cuộc bứt phá, vươn tầm trong nay mai.

Hoa Bùi
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Khỏe