Văn Quyết và “huyền thoại dang dở”

Nguyễn Văn Quyết chia tay ĐT Việt Nam để lại nhiều sự nuổi tiếc nơi người hâm mộ

Nhận án kỷ luật nặng, Văn Quyết đã "biết" mình không phải là “vua” ở V.League

Văn Quyết nhận quả bóng vàng, có đáng để tranh cãi?

Văn Quyết ở Hà Nội FC: Đất lành cây sẽ nở hoa

HLV Kim Sang-sik đang từ từ làm mới ĐT Việt Nam

Sau 13 năm kể từ lần đầu tiên được khoác trên mình chiếc áo đỏ của ĐT Việt Nam cùng 55 trận đấu và 16 bàn thắng, tiền đạo Nguyễn Văn Quyết của Hà Nội FC đã chính thức nói lời giã từ sự nghiệp thi đấu quốc tế. Với chân sút hàng đầu này, đó thực sự là một quyết định khó khăn nhưng anh đã dứt khoát đưa ra ngay sau trận giao hữu dịp FIFA day tháng 10/2024 giữa ĐT Việt Nam và ĐT Ấn Độ. Đó cũng là một trong những màn trình diễn xuất sắc nhất của đội trưởng Hà Nội FC trong màu áo ĐTQG và điều này càng khiến cho lời chia tay của anh được bàn luận nhiều hơn bao giờ hết!

Trước hết, Văn Quyết là ngôi sao số 1 của đội bóng Thủ đô trong hành trình đi lên, khẳng định vị thế hàng đầu bóng đá Việt lâu nay. Tiền vệ này ghi được 107 bàn thắng sau 272 trận đấu, góp công lớn giúp CLB Hà Nội 6 lần đoạt ngôi vô địch V-League, trong đó 2 lần được bầu là Quả Bóng Vàng Việt Nam 2020 và 2022. Mặc dù năm nay Văn Quyết đã bước qua tuổi 30, nhưng hiệu suất thi đấu, tầm ảnh hưởng của anh vẫn rất đáng nể ở CLB Hà Nội và cả nền bóng đá Việt Nam. Từ các ông thầy ngoại khó tính cho đến các đồng nghiệp trong và ngoài nước, mỗi khi được “gặp” Văn Quyết trên sân cỏ đều có chung đánh giá cao về tuyển thủ này. Đó là một mẫu cầu thủ thi đấu kinh nghiệm, bản lĩnh, biết cách để đưa trận đấu đến điểm có lợi cho cá nhân và tập thể, là người có năng lực và phương pháp để làm nên chiến thắng cho đội nhà…

van quyết

Vấn đề hàng chục năm nay liên quan đến Văn Quyết, nhất là mỗi đợt tập trung Đội tuyển Việt Nam, là gọi hay không tiền vệ đội trưởng CLB Hà Nội? Sau AFF Cup 2018, ông Park Hang-seo im lặng. Đến thời ông Troussier những năm sau cũng gọi lên nhưng không sử dụng. Đến ông Kim Sang-sik chỉ sử dụng 20 phút cuối trận Việt Nam-Ấn Độ nói trên để rồi sau đó là quyết định từ giã không lưu luyến.

Mới đây, người ta tìm cách giải thích nguyên nhân cụ thể rằng, do không thống nhất được với nhau khi tổ chức luyện tập và thi đấu giữa các ông thầy ngoại và học trò xuất sắc nên mọi chuyện đi theo chiều hướng xấu? Văn Quyết thích chơi lùi cầm bóng nhưng ông Park Hang-seo muốn tiền vệ này chơi cao, tích cực đón bóng 2 để áp sát tấn công và mọi chuyện tất yếu đổ vỡ trong im lặng? Với ông Troussier cũng không khác mấy. Ông đánh giá rất cao tài năng của Văn Quyết khi xử lý mọi việc với trái bóng trên sân, nhưng ông thầy người Pháp muốn học trò phải là một mắt xích quan trọng trong tổng thể, chứ không phải một ngôi sao mà cả đội phải phục vụ…

Cần nhớ là ở CLB Hà Nội và Giải vô địch quốc gia, các trận đấu diễn ra vào ngày giữa tuần hoặc cuối tuần, trung bình mỗi tuần một trận, là chặng marathon kéo dài, bền bỉ với 2 lượt đi/về vắt từ năm này qua năm khác. Mọi việc từ tập luyện, thi đấu, nghỉ ngơi… kéo dài nên kế hoạch đi kèm cũng khác so với lịch thi đấu của đội tuyển quốc gia bình quân 2 ngày/trận vô cùng khốc liệt và khó nhọc. Ai cũng biết ở CLB Hà Nội, Văn Quyết được phép lững thững lùi sâu về nhận bóng, dền dứ, nhấn nhứ chán chê rồi mới chuyền bóng cho đồng đội. Rồi bằng những kỹ năng thượng thừa, lão luyện, Văn Quyết phối hợp với đồng đội, khôn ngoan chiếm lĩnh khoảng trống, băng cắt, đột nhập vòng cấm ghi bàn trước sự ngạc nhiên của đối thủ và đồng đội.

Nhưng với các trận đấu của đội tuyển quốc gia, nơi tập hợp các tài năng tốt nhất, thì mọi chuyện sẽ diễn ra nhanh hơn, biến hóa hơn và khó khăn hơn nhiều. Dù chơi phòng ngự-phản công hay kiểm soát bóng tấn công, tất cả mọi vị trí đều bắt buộc phải chơi nhanh, đồng đội, chậm một nhịp là mất tình huống, mất thế trận, thậm chí bị phản đòn không kịp trở tay... Điều này đối với Văn Quyết là vô cùng bất lợi, không phù hợp vì vậy anh không được tin dùng là hoàn toàn có cơ sở, hoàn toàn không có vấn đề cá nhân, mắc mớ riêng tư gì. Những cầu thủ tài năng khác hoàn toàn có thể đảm nhận vị trí theo yêu cầu mà không nhất thiết phải là một Văn Quyết hay ai đó, không thể vì một cá nhân mà ảnh hưởng cả một lối chơi, một đội bóng.

Thực ra, việc một tài năng bóng đá không hợp với đội bóng do người này, người kia dẫn dắt là chuyện bình thường. Erik Cantona giỏi giang ở Manchetster United là thế nhưng hoàn toàn không có chỗ ở Đội tuyển Pháp vô địch thế giới 1998 (thắng Brazin 3-0). Nhìn về trước, người ta từng vô cùng tiếc nuối đối với Di Stepano, Geoger Best, Geogre Weah, Ryan Giggs… và sẽ còn nhiều tài năng xuất chúng làng bóng đá ngồi ngoài vì nhiều lý do khác nhau trong những ngày hội lớn.

Ai cũng biết những tài năng lớn thường đi kèm những cá tính lớn nên chuyện cố gắng giải quyết cho phù hợp lẫn nhau chỉ là mong mỏi khó. Hơn nữa, mỗi cá nhân thường chỉ có một vũ khí hiệu nghiệm duy nhất nên khó có thể mong người chơi đầu tốt phải chuyển sang chuyền bóng hay theo yêu cầu tập thể. Tốt nhất hãy để cho mỗi tài năng, cá tính sáng tạo được phát huy cao nhất ở nơi phù hợp nhất, hiệu quả nhất nếu có thể.

van quyet

Từ giã đội tuyển là cơ hội để Văn Quyết dồn tâm lực cho CLB Hà Nội với những tham vọng sáng sủa ở phía trước, nói cho cùng là một toan tính khôn ngoan và hợp lý. Quả vậy, đóng góp lớn lao cho V-League, cho bóng đá Thủ đô, cho người hâm mộ của Văn Quyết lâu nay là vô cùng đáng ngưỡng mộ, ghi nhận như một “huyền thoại sống”. Có chăng chỉ là một sự dở giang và những điều tiếc nuối trong sự cầu toàn thường thấy của cuộc sống bóng đá ngày càng khó khăn như đang thấy mà thôi./.

 

Châu Phú
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Khỏe