Viêm cân gan chân khiến gót chân đau nhói
Hoạt động thể chất thường xuyên giảm nguy cơ tử vong sớm
Điểm mặt những thực phẩm càng ăn càng khát nước
4 thói quen lành mạnh giúp kiểm soát mỡ máu cao
Tác dụng bất ngờ của mận khô đối với sức khỏe xương khớp
Bệnh viêm cân gan chân (plantar fasciitis) là tình trạng viêm ở cân gan chân - một dải mô dày chạy dọc theo lòng bàn chân, nối từ gót chân đến các ngón chân.
Nguyên nhân chính gây ra viêm cân gan chân là do áp lực kéo dài lên cân gan chân, thường gặp ở những người chạy bộ, người đứng hoặc đi bộ quá nhiều trên bề mặt cứng, hoặc người có cấu trúc bàn chân bất thường như bàn chân phẳng hoặc vòm bàn chân cao. Các yếu tố khác bao gồm thừa cân, béo phì, mang giày dép không phù hợp...
Triệu chứng điển hình là đau nhói vùng gót chân khi bước xuống giường vào buổi sáng, cảm giác bỏng rát hoặc châm chích lòng bàn chân (thường tập trung gần gót chân).

Viêm cân gan chân - Ảnh: Báo Sức khỏe & Đời sống
Để giảm tình trạng trên, người bệnh cần tránh một số thói quen sau:
1. Đi dép mỏng, giày không hỗ trợ vòm bàn chân hoặc đi chân trần
Thói quen mang dép bệt, dép xỏ ngón hoặc giày đế bằng, không có lớp đệm nâng đỡ vòm bàn chân sẽ làm tăng áp lực lên cân gan chân. Việc đi chân trần trong nhà, đặc biệt là trên nền cứng như gạch men hoặc sàn gỗ, cũng ảnh hưởng đến vùng bị viêm. Với người bị viêm cân gan chân, điều này sẽ khiến cơn đau tái phát liên tục.
Ngay cả giày thể thao kiểu “tối giản” - thiết kế không có độ nâng gót (zero-drop), cũng có thể gây hại vì làm tăng gánh nặng lên cơ bắp chân, gân gót và cân gan chân.
Cách xử lý: Nên mang giày thể thao hoặc dép có hỗ trợ vòm bàn chân khi di chuyển hoặc đứng lâu. Có thể sử dụng miếng lót cứng theo hình dạng vòm để gia tăng độ nâng đỡ, tránh loại quá mềm. Khi ở nhà, nên dùng dép đi trong nhà có đệm gót và hỗ trợ vòm bàn chân. Tránh tập thể dục trên nền cứng khi không mang giày.
2. Thường xuyên tập luyện trên địa hình dốc hoặc leo dốc
Tập luyện với độ nghiêng cao, chẳng hạn như tăng độ dốc máy chạy bộ hoặc đi bộ leo núi, có thể khiến cơ bắp chân và gân gót phải hoạt động mạnh, kéo căng cân gan chân và gây đau. Việc dồn trọng lực vào đầu ngón chân khi đẩy người lên dốc có thể khiến mô liên kết dưới lòng bàn chân chịu thêm áp lực.
Cách xử lý: Hạn chế tập luyện trên địa hình dốc nếu đang bị đau. Ưu tiên tập trên mặt phẳng, mang giày có hỗ trợ vòm bàn chân. Người bệnh có thể chuyển sang các bài tập không tạo áp lực lên gan bàn chân.

Tạo áp lực lên gót chân khi tập luyện trên địa hình dốc
3. Không giãn cơ khi tập luyện
Cân gan chân có mối liên hệ trực tiếp với gân gót, cơ bắp chân và gân kheo. Khi các nhóm cơ này bị căng cứng do không được kéo giãn đầy đủ, lực sẽ bị dồn xuống vùng gót chân khiến cân gan chân phải gánh chịu nhiều áp lực hơn, lâu dần gây viêm.
Cách xử lý: Trước khi tập thể dục hoặc đứng lâu, nên khởi động bằng các động tác kéo giãn, đặc biệt ở phần chân. Sau khi tập, cũng cần giãn cơ bằng cách giữ tư thế duỗi trong 30-60 giây. Ví dụ, có thể thử tư thế duỗi bắp chân bằng cách bước một chân về phía trước, giữ chân sau thẳng và gót chạm đất, người hơi nghiêng về trước. Kết hợp thêm các động tác yoga giúp giãn cơ đơn giản.
4. Ngủ ở tư thế nằm sấp
Tư thế ngủ nằm sấp khiến ngón chân bị ép xuống đệm, giữ bàn chân trong trạng thái gập liên tục. Điều này khiến cân gan chân bị co rút qua đêm, làm cơn đau gót trở nên dữ dội hơn vào buổi sáng.
Cách xử lý: Người bệnh nên tập thay đổi tư thế ngủ, chuyển sang nằm ngửa hoặc nghiêng để bàn chân được giữ ở tư thế thả lỏng tự nhiên. Trong trường hợp đang trong quá trình điều chỉnh thói quen nằm sấp, có thể để bàn chân ra ngoài mép giường, tránh bị ép xuống đệm gây co rút cân gan chân khi ngủ. Ngoài ra, có thể cân nhắc sử dụng nẹp đệm hoặc tất chuyên dụng để cố định bàn chân ở góc 90 độ trong lúc ngủ, giúp hạn chế tình trạng gập bàn chân suốt đêm và giảm đau khi thức dậy.

Người bệnh nên ngủ ở tư thế nằm ngửa hoặc nằm nghiêng
5. Cố chịu đựng cơn đau, không điều trị sớm
Nhiều người chủ quan với cơn đau gót chân, cho rằng chỉ là hiện tượng tạm thời. Tuy nhiên nếu không điều trị sớm, viêm cân gan chân có thể tiến triển nặng. Cơ thể sẽ phản ứng bằng cách tạo mô sẹo, khiến vùng viêm dày lên và đau nhiều hơn. Khi đã tiến triển thành mạn tính, việc điều trị sẽ khó khăn hơn và kém hiệu quả hơn.
Cách xử lý: Trong giai đoạn đầu, có thể áp dụng một số biện pháp giảm đau tại nhà. Một trong những cách đơn giản là chườm lạnh: dùng túi đá hoặc chai nước đông lạnh lăn nhẹ dưới lòng bàn chân trong 15-20 phút, vài lần mỗi ngày. Lưu ý luôn bọc đá trong khăn hoặc sử dụng túi chườm chuyên dụng để tránh nguy cơ bỏng lạnh.
Nếu cơn đau gót chân kéo dài, người bệnh nên chủ động đi khám tại chuyên khoa cơ xương khớp hoặc chỉnh hình để được chẩn đoán và hướng dẫn điều trị phù hợp.
Bình luận của bạn