WHO cảnh báo mối nguy từ El Nino, Đông Nam Á lên biện pháp ứng phó

Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus - Ảnh: Reuters.

Việc El Nino chính thức hình thành có thể ảnh hưởng gì tới nước ta?

El Nino xuất hiện, dự báo nhiều kỷ lục nắng nóng

El Nino trở lại, thế giới có thể trải qua mùa Hè nóng lịch sử trong năm 2023

El Nino năm 2017 có thể gây bùng phát dịch sốt xuất huyết, Zika

Hiện tượng thời tiết El Nino đã chính thức quay trở lại sau 3 năm hình thái khí hậu La Nina. Điều này có khả năng dẫn đến các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt vào cuối năm 2023 như các cơn bão nhiệt đới xuất hiện ở Thái Bình Dương hay mưa lớn ở Nam Mỹ, hạn hán ở Australia và một số vùng ở Châu Á.

Theo ông Tedros, WHO đang chuẩn bị cho khả năng cao trong năm 2023 và 2024, hiện tượng thời tiết El Nino có thể làm gia tăng sự lây lan bệnh sốt xuất huyết và các loại bệnh do virus khác như Zika và chikungunya.

Người đứng đầu WHO cũng cảnh báo, biến đổi khí hậu đang thúc đẩy muỗi sinh sản và tỷ lệ mắc bệnh sốt xuất huyết đã tăng mạnh trong những thập kỷ gần đây, đặc biệt là ở Châu Mỹ.

Peru đã ban bố tình trạng khẩn cấp ở hầu hết các khu vực trong năm nay và Bộ trưởng Y tế Rosa Gutierrez đã từ chức vào tuần trước trong bối cảnh số ca mắc sốt xuất huyết tăng. Bệnh lây truyền qua vết cắn của muỗi aedes aegypti, với các triệu chứng bao gồm sốt, đau mắt, đầu, cơ và khớp, buồn nôn, nôn và mệt mỏi.

Bên cạnh đó, El Nino trở lại, làm dấy lên mối lo ngại về các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt, lập một kỷ lục nắng nóng toàn cầu khác, tác động lớn đến nông nghiệp và nguồn cung thực phẩm.

Các quốc gia Đông Nam Á gấp rút lên biện pháp ứng phó

Người dân lội qua một con đường ngập nước ở ngoại ô Kuala Lumpur vào năm 2021 - Ảnh: AP

Người dân lội qua một con đường ngập nước ở ngoại ô Kuala Lumpur vào năm 2021 - Ảnh: AP

Trước các mối lo ngại này, nhiều quốc gia Đông Nam Á đã lên biện pháp ứng phó. Cơ quan Khí tượng Philippines tuyên bố El Nino bắt đầu vào tuần tới tại quốc gia này và người dân nên chuẩn bị ứng phó. Bộ Nông nghiệp Philippines cũng chuẩn bị cho tình huống xấu nhất đối với nguồn cung gạo của đất nước.

Theo Bộ Nông nghiệp Philippines, El Nino có khả năng tăng cường vào quý III/2023 và kéo dài đến năm 2024. Philippines cần có lượng gạo tồn kho dự trữ ít nhất là 52 ngày. Nếu tình trạng nguồn cung gạo thiếu hụt, Philippines có thể phải nhập khẩu. Bộ Nông nghiệp Philippines khuyến khích nông dân trồng các giống cây có khả năng chống nóng; giải quyết tình trạng rò rỉ trong hệ thống thủy lợi để tránh lãng phí nguồn cung cấp nước hay lựa chọn cuối cùng, tốn kém hơn, đó là làm mưa nhân tạo để cung cấp nước cho các hệ thống tưới tiêu.

Trong khi đó, theo SCMP, nhằm đối phó sớm với El Nino, Chính phủ Malaysia đã triển khai nhiều chiến dịch "gieo" mây tạo mưa nhằm đảm bảo đủ nước cho sinh hoạt và sản xuất.

Cơ quan Quản lý thảm họa quốc gia Malaysia ngày 12/6 đã triển khai chiến dịch "gieo" mây tạo mưa trong vòng 2 ngày tại vùng phía Bắc bán đảo Malay, điều chỉnh khả năng gây mưa bằng cách thêm vào các đám mây các hạt nhỏ giống như băng. Việc "gieo" mây tạo mưa sẽ giúp giảm thiểu mức độ rút nước của hai con đập quan trọng tại bang Penang, khu vực trọng yếu của ngành công nghiệp chất bán dẫn tại Malaysia. Ngành này có mức tiêu thụ nước rất lớn.

Còn tại Indonesia, để tránh lặp lại tình trạng hạn hán, cháy rừng do El Nino gây ra như hồi năm 2016, chính phủ nước này yêu cầu tất cả các bộ, ngành liên quan cũng như chính quyền địa phương sớm bắt tay vào chuẩn bị và xem xét tất cả các biện pháp để không tái diễn các vấn đề cách đây 8 năm.

Theo Bộ Thương mại Indonesia, cần chủ động ứng phó với hiện tượng thời tiết El Nino và dự trữ gạo cho người dân không được hạn chế. Indonesia gần đây đã tăng cường các thỏa thuận nhập khẩu gạo dự trữ. Để lường trước hạn hán, Bộ Nông nghiệp Indonesia cũng đã phân phát 4 tấn giống lúa ưu việt mới, có thể thích ứng với hạn hán cho nông dân.

Theo Nikkei Asia, tại Việt Nam, El Nino cũng được cho là đã tác động đến sản lượng thủy điện, cũng như đẩy nhu cầu năng lượng tăng lên khi các doanh nghiệp và gia đình tăng cường sử dụng điều hòa không khí. Tình trạng thiếu nước đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất thủy điện ở Việt Nam, gây ra tình trạng mất điện trên nhiều khu vực, thành phố, cùng lịch cắt điện kéo dài hàng giờ theo huyện, xã. Tổng Công ty Điện lực Việt Nam đã kêu gọi các hộ gia đình, doanh nghiệp "thắt lưng buộc bụng" hạn chế sử dụng điện trong giờ cao điểm và sử dụng năng lượng tái tạo tại chỗ.

 
Hiệp Nguyễn (Theo Reuters/SCMP/Nikkei Asia)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin - Báo bạn