WHO cảnh báo về mối đe dọa toàn cầu do các loại siro ho nhiễm độc

Từ năm 2001, WHO đã khuyến cáo không nên cho trẻ em dưới 5 tuổi uống siro ho - Ảnh: Getty Image.

Cảnh báo 14 loại siro ho khiến hàng trăm trẻ tử vong, tổn thương thận

300 trẻ tử vong liên quan đến siro ho, WHO kêu gọi phối hợp điều tra

99 trẻ thiệt mạng nghi do uống siro ho Ấn Độ, Indonesia ban lệnh cấm siro

WHO điều tra 4 loại thuốc siro ho của Ấn Độ nghi làm 66 trẻ em tử vong

Theo Reuters, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vừa đưa ra cảnh báo về mối đe dọa toàn cầu do siro ho chứa chất độc gây ra; đồng thời cho biết, đang hợp tác với 6 quốc gia để truy tìm các loại thuốc dành cho trẻ em có nguy cơ chứa chất gây chết người.  

Cơ quan của Liên Hợp Quốc cũng đã nêu tên 9 quốc gia có thể bán siro nhiễm độc, sau cái chết của hơn 300 trẻ sơ sinh ở ba lục địa vào năm ngoái có liên quan đến các loại thuốc siro ho trẻ em.

Rutendo Kuwana, Trưởng nhóm của WHO về các sự cố thuốc giả và kém chất lượng, từ chối nêu tên cụ thể 6 quốc gia mới mà cơ quan này đang hợp tác, trong khi các cuộc điều tra đang được tiến hành.

Theo ông Kuwana, có thể mất vài năm để tìm thấy các loại thuốc có chứa thành phần độc hại bởi nhiều thùng thuốc bị tạp nhiễm có thể vẫn còn trong kho.

Một số chuyên gia sản xuất dược phẩm tin rằng những nhà sản xuất vô nhân tính đã thay thế chất propylene glycol thường được sử dụng trong siro ho bằng các chất thay thế độc hại khác, ethylene glycol và diethylene glycol, vì những chất này có giá thành rẻ hơn. Hai chất trên được sử dụng phổ biến trong dầu phanh và các sản phẩm không dành cho con người, theo Reuters.

Ông Kuwana cho biết, WHO đưa ra giả thuyết, năm 2021, khi giá propylene glycol tăng vọt, một hoặc nhiều nhà cung cấp đã trộn chất lỏng độc hại rẻ hơn với hóa chất hợp pháp. Ông không cho biết các nhà cung cấp có trụ sở ở đâu và nói thêm các chuỗi cung ứng ít người biết đến đã khiến việc chứng minh điều này trở nên khó khăn.

Các nhà sản xuất dược phẩm, bao gồm những đơn vị sản xuất siro nhiễm độc, thường lấy nguyên liệu từ các nhà cung cấp bên ngoài.

WHO đã đưa ra cảnh báo vào năm 2022 đối với các sản phẩm do Ấn Độ sản xuất được tìm thấy ở Gambia, Uzbekistan và năm nay ở Micronesia, quần đảo Marshall.

WHO cũng đưa ra lưu ý đối với siro của Indonesia bán ở nội địa. Trong năm ngoái, chính quyền Indonesia cho biết hơn 200 trẻ em có thể đã bị ngộ độc siro. Ba nhà sản xuất có trụ sở tại Indonesia bị thu hồi giấy phép.

Liberia và Cameroon là những quốc gia gần đây được WHO đề nghị hỗ trợ điều tra sau khi có những dấu hiệu cho thấy họ cũng đang có sự xuất hiện của siro ho bị nhiễm độc trong thị trường dược phẩm trong nước.

Cơ quan quản lý y tế của Cameroon hồi tháng 4 cho biết họ đang điều tra cái chết của 6 trẻ em liên quan đến một loại siro ho có nhãn hiệu Naturcold, với nhà sản xuất có tên trên bao bì là Tập đoàn Fraken của Trung Quốc.

Các mẫu siro ho liên quan đến cái chết của một số trẻ em tại Banjul được nhà chức trách Gambia thu giữ, ngày 6/10/2022 - Ảnh: AFP

Các mẫu siro ho liên quan đến cái chết của một số trẻ em tại Banjul được nhà chức trách Gambia thu giữ, ngày 6/10/2022 - Ảnh: AFP

Các nhà sản xuất khác được xác định trong hàng loạt sự cố hiện nay phần lớn có trụ sở tại Ấn Độ. Hai công ty có sản phẩm liên quan đến cái chết đã bị chính quyền đóng cửa là: Maiden Pharmaceuticals, công ty bán siro cho Gambia và Marion Biotech, công ty bán siro cho Uzbekistan.

Bên cạnh những trường hợp này, các loại thuốc do Ấn Độ sản xuất cung cấp cho Quần đảo Marshall và Micronesia đã bị thu hồi sau khi các xét nghiệm trong phòng thí nghiệm của Australia cho thấy có thành phần nhiễm độc khiến WHO phải đưa ra cảnh báo an toàn.

Trong khi đó, theo cơ quan quản lý Nigeria, loại siro ho bị nhiễm độc ở Liberia được sản xuất bởi Synercare Mumbai của Ấn Độ. Cơ quan quản lý y tế Liberia cho biết, họ có kế hoạch tiêu hủy số hàng tồn kho và cũng sẽ thu hồi hai sản phẩm Synercare khác để đề phòng.

Từ năm 2001, WHO đã khuyến cáo không nên cho trẻ dưới 5 tuổi uống siro ho vì có chưa có nhiều thông tin về hiệu quả và tác dụng phụ của thuốc. WHO cũng kêu gọi tất cả các quốc gia tăng cường giám sát và đề nghị hỗ trợ các nước liên quan không có đủ nguồn lực để thử nghiệm thuốc.

 
Hiệp Nguyễn (Theo Reuters)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin - Báo bạn