Có một số thói quen phổ biến có thể khiến chúng ta đãng trí hơn.
Bí quyết cải thiện trí nhớ cho người đãng trí, hay quên
5 loại nước ép giúp cải thiện trí nhớ cho người hay quên
Mau quên, đãng trí có phải là bệnh không?
6 cách đơn giản giúp cải thiện trí nhớ
1. Thiếu ngủ
Giấc ngủ mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe, bao gồm cả việc cải thiện trí nhớ. Ngủ không đủ giấc có thể ảnh hưởng đến khả năng học những điều mới của bạn lên đến 40% và nó có thể ảnh hưởng đến phần hồi hải mã của não, nơi chịu trách nhiệm tạo ra những ký ức mới.
Michele Goldman, nhà tâm lý học người Mỹ cho biết, giấc ngủ cho phép bộ não phục hồi. "Một số giai đoạn nhất định của giấc ngủ có liên quan cụ thể đến củng cố trí nhớ hoặc quá trình chuyển thông tin mới học thành trí nhớ dài hạn", ông phân tích.
Tổ chức Giấc ngủ (Mỹ) khuyến nghị người lớn nên ngủ đủ 7-9h mỗi đêm. Ngủ không đủ giấc hoặc ngủ kém có thể khiến chúng ta dễ quên hơn vì “thông tin mới chúng ta học được không được lưu trữ trong bộ nhớ dài hạn, nhiều khả năng bị quên hoặc biến mất”, Goldman nói.
Julia Kogan, một nhà tâm lý học sức khỏe ở Florida, cho biết giấc ngủ có liên quan đến sự chú ý và tập trung, hai điều quan trọng đối với trí nhớ. "Nếu bỏ bê giấc ngủ, chúng ta khó lưu giữ thông tin tốt. Vì vậy, những người thường xuyên mất ngủ có nhiều khả năng hay quên vì các bộ phận trong não, đặc biệt là vỏ não trước trái kém nhạy bén", Julia Kogan lưu ý.
2. Làm nhiều việc cùng lúc
Kogan cho biết hay quên là "một vấn đề liên quan đến sự chú ý". Cô giải thích rằng chú ý và tập trung là một phần quan trọng để ghi nhớ thông tin. Kogan nói thêm: "Nếu chúng ta mất tập trung hoặc không ở trong trạng thái lưu giữ thông tin, thì chúng ta sẽ không quan tâm đầy đủ đến thông tin, dẫn đến việc chúng ta giống như đãng trí", bà nói.
Sự phân tâm xảy ra khi bạn làm nhiều việc cùng lúc. Làm nhiều nhiệm vụ cùng lúc sẽ dẫn đến năng suất kém và dễ quên hơn. Chuyên gia khuyên bạn nên tập trung vào một thứ tại một thời điểm. Hãy chia nhỏ các nhiệm vụ thành các hoạt động có thể quản lý được, với những khoảng thời gian nghỉ ngơi nhỏ."Hãy dành 45 phút hoàn thành một nhiệm vụ cụ thể mà không bị gián đoạn bởi các nhiệm vụ khác, sau đó nghỉ 5-10 phút", Kogan gợi ý.
3. Không tập thể dục hoặc lười vận động
Valentina Dragomir, nhà trị liệu tâm lý người Rumani cho biết, tập thể dục rất quan trọng với sức khỏe tổng thể, bao gồm cả trí nhớ. Hoạt động này làm tăng lưu lượng máu lên não và giúp bảo vệ các tế bào não. Ngoài ra, theo chuyên gia này, nhiều nghiên cứu cho thấy thói quen ít vận động dẫn đến một số vùng não quan trọng với trí nhớ dần mỏng đi.
Chuyên gia người Mỹ, Goldman, cũng lưu ý, tập thể dục thường xuyên không nhất thiết phải vất vả. Chỉ cần chọn các hoạt động nhẹ nhàng cũng giúp giảm nguy cơ mắc bệnh thông thường liên quan đến trí nhớ, gồm huyết áp cao, cholesterol cao và bệnh tiểu đường.
4. Dùng một số loại thuốc nhất định
Sanam Hafeez, nhà tâm lý học thần kinh của Mỹ cho biết: “Các loại thuốc chống trầm cảm, thuốc dị ứng, thuốc ổn định huyết áp... có thể ảnh hưởng đến trí nhớ do đặc tính an thần của chúng”.
Bên cạnh đấy, các loại thuốc khác như thuốc giảm cholesterol, thuốc chống động kinh, thuốc giảm đau có chất gây mê, thuốc hạ huyết áp, thuốc điều trị tiểu tiện, thuốc kháng histamine... cũng gây suy giảm trí nhớ.
“Một số loại thuốc chỉ làm suy giảm trí nhớ của bạn khi bạn đang sử dụng chúng. Loại khác có thể tác dụng lâu dài hơn”, Sanam Hafeez lưu ý. Hãy nói chuyện với bác sĩ của bạn và tìm ra loại thuốc tốt nhất cho bản thân. Lối sống của bạn sẽ được cải thiện.
5. Uống rượu
Nhà trị liệu Dragomir lưu ý, rượu có thể làm hỏng các tế bào não, dẫn đến các vấn đề về trí nhớ. Theo nghiên cứu, uống rượu trong thời gian dài khiến não bộ giảm kích thước.
Những người nghiện rượu hoặc say rượu có khả năng bị mất trí nhớ ngắn hạn và dài hạn bởi rượu tác động đến vùng hồi hải mã, nơi chịu trách nhiệm lớn về học tập và trí nhớ, dẫn đến chứng hay quên. "Những người uống rượu bia thường thiếu một số vitamin và các chất dinh dưỡng khác, có thể dẫn đến chứng hay quên", Dragomir lưu ý.
6. Hút thuốc
Hút thuốc là một thói quen cần loại bỏ nếu bạn muốn cải thiện trí nhớ. Theo bà Dragomir, hút thuốc làm tổn thương các tế bào não và ngăn chặn các tế bào mới hình thành trong hồi hải mã, dẫn đến chứng hay quên. Một nghiên cứu trên tạp chí Khoa học thần kinh Mỹ cho thấy tiếp xúc mãn tính với nicotine có thể làm suy giảm các cơ chế của não liên quan đến học tập và trí nhớ.
"Hút thuốc có thể làm suy giảm chức năng phổi và tim, làm chậm quá trình vận chuyển oxy đến não. Ít oxy hơn trong não có thể dẫn đến chức năng não kém hơn, gây mất trí nhớ", chuyên gia nhận định.
7. Không ăn một số loại thực phẩm
Những gì chúng ta ăn vào sẽ ảnh hưởng đến thể chất, tinh thần và cảm xúc. Chế độ ăn uống thiếu cân bằng tác động tiêu cực đến cơ thể. Nếu bạn đang tìm kiếm thực phẩm tăng cường chức năng não, trường Y Harvard khuyên nên chọn các loại rau lá, cá béo, quả mọng, óc chó...
Nhà tâm lý học thần kinh Hafeez khuyến nghị nên thực hiện một chế độ ăn uống giàu thực phẩm chống viêm. Chúng gồm trái cây, rau, ngũ cốc nguyên hạt, các loại đậu và chất béo lành mạnh...
8. Vô tổ chức
Theo Goldman, chúng ta hay quên hơn khi môi trường bên ngoài không ổn định. Một môi trường hỗn loạn có thể phù hợp với một số ít người, nhưng không phù hợp với số đông.
Để giải quyết vấn đề này, bạn cần “có một cuốn sổ ghi chép, tạo lịch làm việc, nhất quán và tuân theo mọi thứ”, Goldman nói. Bên cạnh đấy, nên đặt các đồ vật vào đúng vị trí để không làm mất.
9. Có vấn đề về sức khỏe tâm thần mà không trị liệu
Goldman cho biết: “Cả lo lắng và trầm cảm đều có thể làm giảm khả năng tập trung, khiến việc chú ý đến những chi tiết nhỏ trở nên khó khăn hơn”. Đó là một thách thức để duy trì tổ chức. Chúng ta dễ choáng ngợp và thiếu tập trung.
Những người sống sót sau chấn thương đặc biệt có xu hướng bị suy giảm trí nhớ. Hệ thống thần kinh đang cố gắng đảm bảo an toàn và bảo vệ, có nghĩa các chi tiết không nguy hiểm đến tính mạng có nhiều khả năng bị lãng quên.
Căng thẳng, lo lắng và trầm cảm ảnh hưởng đến sự chú ý, học tập và trí nhớ. Vì vậy, theo Kogan, cần giải quyết những lo lắng này để cải thiện trí nhớ. Người đang vật lộn với chứng này cần điều trị bằng các liệu pháp phù hợp.
10. Không mài giũa tâm trí
Một trong những điều tốt nhất bạn có thể làm để chống lại chứng hay quên là kích thích não bộ. "Học những điều mới, chơi trò chơi, đọc sách hoặc các hoạt động kích thích khác là một cách để giữ cho 'cơ bắp' của bộ não hoạt động tốt", Goldman nói.
Hiệp hội Tâm lý học Mỹ khuyên nên chụp "bức ảnh nhanh" về những điều trong cuộc sống, chẳng hạn như nơi bạn đã đỗ xe, để ghi nhớ lại trong não khi quên. Nó cũng gợi ý rèn luyện trí não thông qua các thiết bị ghi nhớ và các tín hiệu biến mất hoặc sử dụng công nghệ để giúp bạn ghi nhớ mọi thứ.
"Hãy coi bộ não và trí nhớ của bạn là thứ phải được sử dụng và tập luyện giống như bất kỳ bộ phận nào khác của cơ thể, nếu không nó sẽ bị teo đi," Hafeez nói.
Bình luận của bạn