10 vật dụng tại văn phòng cần vệ sinh thường xuyên

Dù mọi ngóc ngách trong văn phòng đều được vệ sinh hàng ngày nhưng liệu như vậy đã đủ sạch?

CDC Mỹ cảnh báo về vi khuẩn gây bệnh viêm não mô cầu hiếm gặp

Phát hiện loại vi khuẩn trong miệng là "thủ phạm" gây ung thư đại trực tràng

Podcast: Phòng ngừa ngộ độc E.coli như thế nào?

Vụ ngộ độc cơm gà ở Nha Trang: Phát hiện thêm 2 loại vi khuẩn

Dù ít được chú ý, nhưng những vật dụng mà chúng ta sử dụng hàng ngày như bàn phím, chuột máy tính, điện thoại di động... lại là nơi trú ngụ lý tưởng cho vô số loại vi khuẩn. Từ những hạt bụi li ti, mảnh vụn thức ăn cho đến các loại vi khuẩn gây bệnh như E. coli và Staphylococcus aureus, tất cả đều có thể tìm thấy trên bề mặt của các vật dụng này.

Cần phân biệt rõ chức năng của chất khử trùng và chất tẩy rửa. Theo đó, chất khử trùng có tác dụng tiêu diệt vi khuẩn, trong khi chất tẩy rửa chỉ loại bỏ bụi bẩn và các chất ô nhiễm khác. Cả hai đều đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì vệ sinh văn phòng, nhưng nếu mục tiêu là ngăn ngừa sự lây lan của mầm bệnh, việc sử dụng chất khử trùng cho các bề mặt tiếp xúc thường xuyên là điều cần thiết. Các hoạt chất phổ biến trong các sản phẩm khử trùng bao gồm cồn, thuốc tẩy, hợp chất amoni và hydrogen peroxide. Cụ thể, cần khử trùng và tẩy rửa những vật dụng sau:

1. Bàn phím

Tần suất vệ sinh: 1 lần/tuần

Bàn phím máy tính là một trong những vật dụng chứa nhiều vi khuẩn nhất trong văn phòng. Để loại bỏ chúng và đảm bảo vệ sinh, bạn nên làm sạch bàn phím ít nhất 1 lần/tuần. Sử dụng khăn lau khử trùng, khăn mềm thấm cồn 70% để lau chùi bề mặt và các khe hở của bàn phím hoặc máy hút bụi mini để hút sạch bụi bẩn. Lưu ý, không nên đổ trực tiếp dung dịch lên bàn phím và hãy tham khảo hướng dẫn của nhà sản xuất trước khi vệ sinh.

2. Chuột và miếng lót chuột

Tần suất vệ sinh: 1 lần/tuần

Chuột và miếng lót chuột cũng chứa đựng nhiều vi khuẩn không kém bàn phím bởi chúng là những vật dụng được ta tiếp xúc thường xuyên sau khi đã chạm vào nhiều bề mặt khác nhau mang theo vô số vi khuẩn gây bệnh. Nên lau chùi chuột bằng khăn lau khử trùng hoặc cồn sát khuẩn còn miếng lót chuột có thể giặt bằng nước ấm và xà phòng.

3. Máy tính xách tay

Tần suất vệ sinh: 1 lần/tuần

Máy tính xách tay dù là công cụ làm việc hiệu quả hay phương tiện giải trí, đều tiềm ẩn nguy cơ nhiễm khuẩn. Việc thường xuyên di chuyển khiến chúng ta vô tình mang theo máy tính đến những môi trường khác nhau, từ văn phòng đến các địa điểm công cộng. Điều này đồng nghĩa với việc máy tính tiếp xúc với vô số vi khuẩn, bụi bẩn và tế bào chết. Để bảo vệ sức khỏe bản thân và kéo dài tuổi thọ của thiết bị, việc vệ sinh máy tính xách tay thường xuyên là điều vô cùng cần thiết. Chuyên gia khuyến nghị nên lau chùi màn hình và vỏ máy bằng vải microfiber mềm và dung dịch vệ sinh chuyên dụng ít nhất 1 lần/ tuần.

Thường xuyên sát khuẩn tay sẽ giúp giảm lượng vi khuẩn đươc tiếp xúc với cơ thể

Thường xuyên sát khuẩn tay sẽ giúp giảm lượng vi khuẩn đươc tiếp xúc với cơ thể

4. Điện thoại bàn

Tần suất vệ sinh: Hàng ngày

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, một inch vuông trên bề mặt điện thoại có thể chứa tới hơn 25.000 vi khuẩn, bao gồm cả những loại vi khuẩn gây ra mụn trứng cá, phát ban như Staphylococcus và Pseudomonas.

Để đảm bảo vệ sinh và phòng tránh các bệnh lây nhiễm, chuyên gia khuyến nghị nên vệ sinh điện thoại thường xuyên, đặc biệt là sau khi sử dụng chung. Đối với các bề mặt khác của điện thoại, bạn có thể sử dụng một miếng vải microfiber mềm để làm sạch.

5. Bàn làm việc

Tần suất vệ sinh: Hàng ngày (nếu dùng chung), hàng tuần (nếu dùng riêng)

Hàng ngày có rất nhiều vật dụng được đặt lên mặt bàn từ tài liệu đến đồ ăn thức uống, tạo điều kiện thuận lợi để bụi bẩn và vi khuẩn sinh sôi, tích tụ lại. Thực tế cho thấy, vệ sinh bàn làm việc thường xuyên không phải là thói quen của mọi người.

Để đạt hiệu quả cao nhất, bạn nên sử dụng khăn lau khử trùng hoặc dung dịch vệ sinh chuyên dụng cho các bề mặt giúp loại bỏ hiệu quả vi khuẩn.

6. Bàn phím máy photocopy

Tần suất vệ sinh: Hàng ngày

Ít ai trong chúng ta để ý đến sự vệ sinh của máy photocopy, một thiết bị tưởng chừng như vô hại. Tuy nhiên màn hình, bàn phím máy photocopy chính là một “ổ chứa” vi khuẩn khổng lồ. Việc thường xuyên được nhiều người sử dụng mà ít được làm sạch khiến máy photocopy trở thành nơi trú ngụ lý tưởng của các loại vi khuẩn gây bệnh như rhinovirus, gây cảm lạnh và cúm. Để bảo vệ sức khỏe bản thân và đồng nghiệp, hãy hình thành thói quen lau chùi bàn phím máy photocopy hàng ngày bằng khăn lau khử trùng hoặc bình xịt cồn.

7. Ghế ngồi tại văn phòng

Tần suất vệ sinh: 1 tuần/lần (với ghế nhựa và kim loại), 1 tháng/lần (với ghế vải)

Tay vịn và tay cầm ghế chính là những nơi vi khuẩn dễ dàng sinh sôi và phát triển. Bụi bẩn, mồ hôi và tế bào da chết bám trên bề mặt ghế tạo điều kiện thuận lợi cho các loại vi khuẩn có hại sinh sôi.

Để đảm bảo vệ sinh, nên lau chùi các bộ phận bằng nhựa và kim loại của ghế, đặc biệt là những nơi thường xuyên tiếp xúc như tay vịn, bằng khăn lau khử trùng ít nhất một lần một tuần. Đối với các phần bằng vải, hãy sử dụng máy hút bụi có đầu chổi hoặc nước giặt để loại bỏ bụi bẩn định kỳ. Tuy nhiên, trước khi áp dụng lên toàn bộ vết bẩn, bạn nên thử nghiệm trên một vùng nhỏ để đảm bảo không gây hư hại cho chất liệu vải.

8. Tay nắm cửa

Tay nắm cửa là nơi trú ngụ của rất nhiều loài vi khuẩn có hại

Tay nắm cửa là nơi trú ngụ của rất nhiều loài vi khuẩn có hại

Tần suất vệ sinh: Hàng ngày

Chúng ta có thể dễ dàng nhiễm các loại virus như norovirus (gây đau bụng) hay virus cúm thông qua việc tiếp xúc với tay nắm cửa. Bởi bất kỳ vi khuẩn nào bám trên tay chúng ta đều có thể dễ dàng lây lan sang tay nắm cửa và từ đó lây nhiễm cho người tiếp xúc sau. Thêm vào đó, việc vệ sinh tay nắm cửa thường xuyên và kỹ lưỡng lại không được nhiều người quan tâm. Vì vậy, sử dụng khăn lau khử trùng là một giải pháp đơn giản nhưng hiệu quả để loại bỏ vi khuẩn trên bề mặt này.

9. Bút

Tần suất vệ sinh: Hàng ngày

Bút thường xuyên tiếp xúc với tay, mặt, thậm chí là miệng của chúng ta. Việc chia sẻ bút với đồng nghiệp càng làm tăng nguy cơ lây nhiễm vi khuẩn.

Mặc dù không cần thiết phải lau bút sau mỗi lần sử dụng nhưng việc làm sạch bút định kỳ, đặc biệt là sau khi mượn của người khác, là điều nên làm.

10. Mọi khu vực chung

Tần suất vệ sinh: Hàng ngày

Cho dù bạn làm việc tại không gian mở hay văn phòng riêng, bất kỳ môi trường làm việc chung nào cũng tiềm ẩn nguy cơ nhiễm khuẩn. Những nơi như vòi nước nhà vệ sinh công cộng, tay nắm cửa lò vi sóng và máy pha cà phê là những “ổ chứa” vi khuẩn điển hình.

Mặc dù các văn phòng thường xuyên được dọn dẹp, bạn vẫn nên chủ động giữ gìn vệ sinh cá nhân và không gian làm việc chung. Chỉ cần một hành động nhỏ như lau sạch khu vực máy pha cà phê sau khi sử dụng cũng góp phần đáng kể vào việc duy trì môi trường làm việc sạch sẽ và an toàn.

 
Hà Chi (Theo Well+Good)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Khỏe đẹp