4 dấu hiệu cảnh báo sớm chứng sa sút trí tuệ

Sa sút trí tuệ ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống của người bệnh

Uống nhiều rượu tăng nguy cơ sa sút trí tuệ

Cách ngăn ngừa chứng sa sút trí tuệ

Kiểm soát huyết áp cao giúp giảm nguy cơ mắc sa sút trí tuệ

Có thể dự đoán nguy cơ sa sút trí tuệ dựa vào mỡ bụng?

Theo trang Express, tính đến năm 2022 có gần 80.000 người dưới 65 tuổi ở Anh được chẩn đoán mắc chứng sa sút trí tuệ. Và ước tính có tới 1/3 số người hiện đang phải vật lộn với tình trạng này mà không được chẩn đoán.

Bà Dame Louise Robinson, Giáo sư chuyên ngành lão khoa tại Đại học Newcastle (Australia), cho biết: “Nhiều người nghĩ rằng các triệu chứng như mất trí nhớ hay lú lẫn là một phần tự nhiên của quá trình lão hóa và không thể làm gì để đảo ngược được, vì vậy họ thường không đến gặp bác sĩ để được giúp đỡ”.

Thực tế, chứng sa sút trí tuệ không thể đảo ngược và cũng chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Tuy nhiên, việc phát hiện sớm, can thiệp bằng các biện pháp dùng thuốc, không dùng thuốc và phục hồi chức năng kịp thời sẽ giúp người bệnh duy trì sự độc lập, sống tốt trong nhiều năm.

Dưới đây là một số dấu hiệu cảnh báo sớm chứng sa sút trí tuệ mà bạn cần biết:

1. Nhầm lẫn và mất phương hướng

Theo giáo sư Dame Louise Robinson, nhầm lần và cảm thấy mất phương hướng có thể là dấu hiệu cảnh báo sớm chứng sa sút trí tuệ.

Nếu các triệu chứng trên xuất hiện đột ngột trong vài giờ hoặc vài ngày, chúng thường do những nguyên nhân có thể điều trị được như nhiễm trùng đường tiết niệu hoặc tác dụng phụ của thuốc (thuốc giảm đau mạnh, thuốc ngủ). Tuy nhiên, khi tình trạng lú lẫn tăng dần trong thời gian dài, nó có thể là dấu hiệu của giai đoạn đầu của các bệnh lý như bệnh Alzheimer hay sa sút trí tuệ do mạch máu.

2. Các vấn đề về trí nhớ

Các vấn đề về trí nhớ là triệu chứng sớm thường gặp của chứng sa sút trí tuệ, đặc biệt là bệnh Alzheimer. Chúng bắt nguồn từ tổn thương ở các vùng não liên quan đến việc hình thành và tiếp cận trí nhớ - chủ yếu là hồi hải mã (hippocampus) và thùy thái dương.

"Sự phát triển bất thường của amyloid và tau sẽ cản trở khả năng xử lý thông tin của não, ảnh hưởng đến cách chúng ta lưu trữ và khôi phục ký ức”, giáo sư Dame Louise Robinson cho biết.

Mặc dù thỉnh thoảng làm thất lạc đồ vật như kính, chìa khóa xe là chuyện bình thường, nhưng bạn cần tìm kiếm sự trợ giúp nếu vấn đề về trí nhớ trở nên thường xuyên hơn (đặc biệt là trước 65 tuổi) hoặc bắt đầu ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày.

3. Khó khăn trong giao tiếp

Nếu bạn ngày càng cảm thấy mình gặp khó khăn trong việc tìm đúng từ hoặc hiểu đúng nghĩa của một số từ nhất định thì đó có thể là triệu chứng của chứng sa sút trí tuệ. Ngoài ra, còn các dấu hiệu khác bao gồm nhầm lẫn từ, lặp lại từ…

Những vấn đề trên là kết quả của tổn thương ở các vùng não xử lý ngôn ngữ và lời nói - chủ yếu là thùy trán và thùy thái dương. Điều này đặc biệt phổ biến ở sa sút trí tuệ trán thái dương (FTD) và cũng có thể xảy ra ở chứng sa sút trí tuệ do mạch máu nếu các vùng não liên quan đến ngôn ngữ bị ảnh hưởng.

4. Thay đổi tính cách

Thay đổi tính cách đột ngột và bất thường có thể là một dấu hiệu cảnh báo của bệnh sa sút trí tuệ. Người bệnh có thể trở nên thờ ơ, dễ kích động, thay đổi tính cách đột ngột, hoặc mất đi tính chủ động.

 
Lê Tuyết (Theo Express.co.uk)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Khỏe đẹp