5 dấu hiệu cơ thể thiếu hụt vitamin B12

Tóc bạc sớm là một trong những dấu hiệu khi cơ thể thiếu vitamin B12

Dấu hiệu trên tóc "tố" cơ thể bạn đang thiếu vitamin B12

Tại sao vitamin B12 cần thiết, nhất là đối với bà bầu?

Nên ăn gì để bổ sung vitamin B12 cho cơ thể?

Tại sao cần bổ sung vitamin B12 vào chế độ ăn uống hàng ngày?

Vitamin B12 là một loại vitamin thiết yếu đóng vai trò quan trọng trong các chức năng cơ thể của chúng ta, từ não, da đến móng tay. Chuyên gia dinh dưỡng người Anh Katarina Cepinova chia sẻ với Express.co.uk (một tờ báo của Anh): "Tình trạng thiếu vitamin B12 phổ biến hơn ở những người trẻ tuổi và 60 tuổi trở lên, với 20% những người trên 60 tuổi bị thiếu hụt loại vitamin này. Khi già đi, cơ thể chúng ta tạo ra ít acid dạ dày và yếu tố nội tại hơn - cần thiết cho việc hấp thụ B12 từ thực phẩm".

Dưới đây là 5 dấu hiệu cảnh báo có thể bạn đang thiếu hụt vitamin B12:

1. Suy giảm chức năng nhận thức

Vitamin B12 có vai trò quan trọng với chức năng và sự phát triển của các tế bào não và thần kinh. Chuyên gia dinh dưỡng Katarina Cepinova cho biết: "Sự thiếu hụt vitamin B12 có liên quan mật thiết đến suy giảm nhận thức, có thể ảnh hưởng đến khả năng ra quyết định và khả năng tập trung, thậm chí có thể gây ra chứng mất trí nhớ và bệnh Alzheimer. Tuy nhiên, những tình trạng này có thể được cải thiện nếu phát hiện sớm và bổ sung kịp thời vitamin B12".

2. Quá trình trao đổi chất chậm

Vitamin B được biết đến là yếu tố quan trọng trong sản xuất năng lượng trong tế bào. Theo bà Katarina Cepinova, vitamin B12 cũng vậy, và nó cũng đóng vai trò thiết yếu trong việc tạo ra DNA - vật liệu di truyền cơ bản được sử dụng để tạo ra toàn bộ cơ thể.

Bà Katarina Cepinova giải thích: “Đây là lý do tại sao vitamin B12 có thể giúp tăng mức năng lượng và hỗ trợ hoạt động thể chất. Vitamin B12 cho phép cơ thể chuyển hóa thức ăn, bằng cách giúp nó phân hủy chất béo, protein và carbohydrate mà bạn ăn thành năng lượng cho cơ thể hoạt động".

Vitamin B12 chủ yếu được tìm thấy trong các sản phẩm có nguồn gốc từ động vật, do đó, một số người có thể khó bổ sung đủ lượng vitamin B12 được khuyến nghị hàng ngày khi thực hiện chế độ ăn thuần chay nghiêm ngặt hoặc chủ yếu là ăn chay. Trong trường hợp này, bổ sung vitamin B12 dạng uống có thể là lựa chọn cần thiết. Tuy nhiên, trước khi dùng bạn nên tham khảo ý kiến của bác sỹ.

3. Tâm trạng không tốt và giấc ngủ kém

 

Đóng một vai trò quan trọng trong việc sản xuất serotonin (một hóa chất tế bào thần kinh sản xuất), sự thiếu hụt vitamin B12 cũng có thể góp phần phát triển các triệu chứng tâm trạng thấp, giấc ngủ bị gián đoạn và trầm cảm.

“Loại vitamin này đóng vai trò quan trọng trong việc sản xuất các chất hóa học trong não ảnh hưởng đến tâm trạng, vì vậy điều quan trọng là đảm bảo rằng bạn đang ăn một chế độ ăn uống có chứa đủ lượng vitamin B12 hoặc dùng dưới dạng bổ sung theo hướng dẫn của bác sỹ ", Katarina Cepinova nói.

4. Hệ miễn dịch yếu

Hệ thống miễn dịch yếu là một trong những dấu hiệu cảnh báo sự thiếu hụt vitamin B12. Thiếu vitamin B12 có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của các tế bào bạch cầu - chúng rất cần thiết cho chức năng hệ thống miễn dịch.

Bà Katarina Cepinova lưu ý, vitamin B12 cũng cho phép cơ thể tạo ra các tế bào hồng cầu mang oxy đi khắp cơ thể để giúp cho cơ thể bạn luôn khỏe mạnh. Chính vì vậy, việc đảm bảo bổ sung đủ vitamin B12 là điều cần thiết trong việc hỗ trợ sức khỏe tế bào và tăng cường hệ thống miễn dịch. Nếu lượng vitamin B12 thấp, cơ thể bạn sẽ phải "vật lộn" để chống lại nhiễm trùng.

5. Da nhợt nhạt, móng giòn và tóc bạc

Việc thiếu vitamin B12 trong chế độ ăn uống có thể gây ra bệnh thiếu máu, dẫn đến làn da nhợt nhạt và thậm chí tóc bạc do thiếu tế bào hồng cầu. Một dấu hiệu khác cho thấy bạn đang thiếu loại vitamin quan trọng này là móng tay yếu và dễ gãy.

Lê Tuyết (Theo Express.co.uk)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Khỏe đẹp