6 cách kiểm soát chứng nghiện ăn vặt ở trẻ nhỏ

Đồ ăn vặt là "thủ phạm" khiến trẻ biếng ăn dễ béo phì

Đồ ăn vặt có thể ảnh hưởng xấu tới chất lượng giấc ngủ của bạn

Công thức làm đồ ăn vặt trail mix không sợ hại não

3 thành phần nguy hiểm trong các thực phẩm chế biến sẵn

Đồ ăn vặt trẻ em chứa lượng muối, đường ở mức nguy hiểm

Đồ ăn vặt đã và đang chiếm lĩnh chế độ ăn uống hàng ngày của trẻ em, đây được xem là yếu tố góp phần làm gia tăng đại dịch béo phì. Một phân tích mới được công bố trên tạp chí y khoa The Lancet cho thấy, tỷ lệ béo phì toàn cầu đã tăng gấp 4 lần ở trẻ em và gấp đôi ở người lớn kể từ năm 1990. Béo phì có thể ảnh hưởng đến quá trình trao đổi chất bình thường của cơ thể và dẫn đến nhiều biến chứng về sức khỏe.

Theo TS.BS Amit P Ghawad, đang làm việc tại Bệnh viện Motherhood (Mumbai, Ấn Độ), việc thường xuyên ăn đồ ăn vặt góp phần làm gia tăng đại dịch béo phì khiến trẻ dễ mắc bệnh đái tháo đường, các vấn đề về thận và gan, bệnh tim mạch, thậm chí một số loại bệnh ung thư. Sự tiện lợi và giá thành phải chăng của đồ ăn vặt là lý do nhiều người lựa chọn chúng.

Đồ ăn vặt chứa ít chất xơ, nhiều đường và muối có thể ảnh hưởng xấu đến sức khỏe đường ruột cũng như chức năng miễn dịch. Những thực phẩm không lành mạnh này cũng có thể tác động đến sự phát triển trí não, góp phần gây ra các vấn đề về hành vi ở trẻ và thanh thiếu niên. Trầm cảm, lo âu, hung hăng ngày càng gia tăng khi ăn quá nhiều đồ ăn vặt.

"Chế độ ăn nhiều thực phẩm chế biến sẵn (processed food), đường và chất béo không lành mạnh có thể phá vỡ sự cân bằng của vi khuẩn tốt trong ruột, dẫn đến các vấn đề về tiêu hóa và suy yếu chức năng miễn dịch. Ngoài ra, những thực phẩm thiếu chất dinh dưỡng này có thể ảnh hưởng đến sự phát triển nhận thức và hành vi. Một số nghiên cứu cho thấy chế độ ăn nhiều đồ ăn vặt có thể làm tăng nguy cơ rối loạn sức khỏe tâm thần như trầm cảm và lo lắng ở trẻ em. Thói quen lựa chọn những thực phẩm tiện lợi nhưng nghèo dinh dưỡng đặt ra tiền lệ nguy hiểm cho các lựa chọn chế độ ăn uống trong tương lai của trẻ", TS.BS Amit P Ghawad nói.

Chính vì vậy, giáo dục trẻ về tầm quan trọng của việc bổ sung thực phẩm lành mạnh, giàu vitamin, khoáng chất và chất xơ ngay từ khi còn nhỏ là rất quan trọng. TS.BS Amit P Ghawad gợi ý các bậc cha mẹ có thể thực hiện những biện pháp sau đây để giúp trẻ tránh xa đồ ăn vặt.

- Cho trẻ tham gia lập kế hoạch bữa ăn và nấu ăn: Tham gia vào quá trình lập kế hoạch và chuẩn bị bữa ăn có thể khuyến khích trẻ khám phá những món ăn mới cũng như hình thành thói quen ăn uống lành mạnh.

- Loại bỏ đồ ăn vặt không tốt cho sức khỏe khỏi danh sách mua sắm: Bằng cách tránh mua đồ ăn vặt bạn sẽ loại bỏ được sự cám dỗ khiến trẻ ham mê chúng. Thay vào đó hãy ưu tiên thực phẩm toàn phần và các bữa ăn nấu tại nhà.

- Làm cho bữa ăn bổ dưỡng trở nên hấp dẫn hơn: Tăng cường sức hấp dẫn của thực phẩm lành mạnh với trẻ bằng cách trình bày theo những cách sáng tạo và thú vị.

- Cha mẹ hãy thực hành mẫu: Trẻ em thường bắt chước hành vi của cha mẹ, vì vậy việc lựa chọn thực phẩm phù hợp và tránh xa những lựa chọn không lành mạnh có thể ảnh hưởng đến trẻ.

- Giảm thời gian sử dụng thiết bị điện tử: Nghiên cứu chỉ ra rằng tiếp xúc với màn hình điện tử quá nhiều có liên quan đến việc trẻ em tiêu thụ nhiều đồ ăn vặt không lành mạnh. Vì vậy, giảm thời gian sử dụng thiết bị có thể giúp hạn chế thói quen này.

- Cung cấp các lựa chọn ăn nhẹ lành mạnh hơn: Khi trẻ thèm ăn đồ có đường hoặc mặn, cha mẹ hãy cung cấp các lựa chọn thay thế bổ dưỡng như trái cây, các loại hạt...

 
Lê Tuyết (Lược dịch theo Hindustan times)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Khỏe đẹp