Đái tháo đường và những điều bạn cần biết

Toàn cầu đang phải đối mặt với gánh nặng bệnh tật gia tăng nhanh và ngày càng trầm trọng từ bệnh đái tháo đường

35 tuổi bị đái tháo đường type 2, đường huyết 19,3mmol/L có nguy hiểm không?

Người thích đồ ngọt đối diện với nhiều nguy cơ sức khỏe

Đái tháo đường: Cách chăm sóc bàn chân để tránh nguy cơ đoạn chi

Đái tháo đường: Biến chứng mạch máu nhỏ làm tăng nguy cơ mù lòa, suy thận

Đái tháo đường là một căn bệnh mạn tính xảy ra khi cơ thể không thể sản xuất đủ insulin hoặc không thể sử dụng insulin một cách hiệu quả. Bệnh tiến triển nặng có thể biến chứng gây nên các căn bệnh nghiêm trọng như mù lòa, suy thận, đau tim, viêm loét, thậm chí cắt cụt chi dưới...

Theo Liên đoàn Đái tháo đường thế giới (IDF), số người mắc bệnh đái tháo đường hiện nay đang trên đà tăng lên hơn 780 triệu người vào năm 2025. Trong nỗ lực thay đổi quỹ đạo đó, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã đặt ra mục tiêu “bao phủ bệnh đái tháo đường toàn cầu” cần đạt được vào năm 2030 như sau:

+80% số người mắc bệnh đái tháo đường được chẩn đoán.

+80% người bệnh đái tháo đường được chẩn đoán kiểm soát tốt lượng đường huyết.

+80% người bệnh đái tháo đường được chẩn đoán kiểm soát tốt huyết áp.

+60% người bệnh đái tháo đường từ 40 tuổi trở lên được dùng thuốc trị mỡ máu statin.

+100% người bệnh đái tháo đường type 1 được tiếp cận insulin với giá cả phải chăng và tự theo dõi đường huyết.

Số ca bệnh và gánh nặng y tế trên toàn cầu

WHO cho biết số ca bệnh đái tháo đường trên toàn cầu đã tăng gấp 4 lần từ năm 1980.

Hiện nay, theo IDF, ước tính có khoảng 240 triệu người mắc bệnh đái tháo đường nhưng chưa được chẩn đoán trong tổng số gần 600 triệu bệnh nhân trên toàn cầu. Có đến hơn 70% người mắc bệnh đái tháo đường chưa được chẩn đoán sống ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình.

Năm 2021, chi phí y tế cho căn bệnh đái tháo đường là 966 tỷ USD, dự kiến sẽ đạt 1000 tỷ USD vào năm 2045. WHO cho biết, phần lớn gánh nặng này gia tăng ở các nước có thu nhập thấp và trung bình, cũng là khu vực đang chứng kiến sự gia tăng nhanh nhất về số ca bệnh.

Mục tiêu "Phát triển bền vững" của Liên Hợp Quốc (SDGs) bao gồm cam kết bảo đảm cuộc sống khỏe mạnh cho mọi người, đã liệt kê bệnh đái tháo đường cùng với bệnh ung thưbệnh tim là một trong những bệnh mạn tính không lây gây tử vong lớn nhất, cứ 2 giây lại có một ca tử vong ở những người từ 30 đến 70 tuổi.

Theo thống kê “Diabetes Atlas” của IDF, Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan, Mỹ là những quốc gia có tỷ lệ mắc bệnh đái tháo đường cao nhất vào năm 2021, mỗi nước đã ghi nhận hơn 30 triệu ca.

Tình trạng này dự kiến sẽ gia tăng nhanh nhất ở Châu Phi, cận Sahara với số ca bệnh dự kiến tăng 134%, ở Trung Đông và Bắc Phi dự kiến tăng 87%, các nước Đông Nam Á dự kiến tăng lên 68% vào năm 2045.

Dự báo đến năm 2045, khu vực Tây Thái Bình Dương có tỷ lệ mắc bệnh đái tháo đường cao nhất

Dự báo đến năm 2045, khu vực Tây Thái Bình Dương có tỷ lệ mắc bệnh đái tháo đường cao nhất

Bệnh đái tháo đường có chữa khỏi được không?

Về mặt y học, không có cách nào chữa khỏi bệnh đái tháo đường hoàn toàn. Tuy nhiên, bạn vẫn có thể đạt được mục tiêu “thuyên giảm bệnh”. Theo Tạp chí Diabetes Care, thuyên giảm bệnh đái tháo đường có những dạng sau:

- Thuyên giảm một phần: Khi người bệnh giữ được lượng đường huyết thấp hơn so với ngưỡng đái tháo đường (dưới 7mmol/L) trong vòng ít nhất 1 năm mà không cần dùng thuốc điều trị.

- Thuyên giảm hoàn toàn: Khi người bệnh đưa được đường huyết về mức bình thường (dưới 5,5mmol/L) trong vòng ít nhất 1 năm mà không cần dùng thuốc điều trị.

- Thuyên giảm kéo dài: Khi người bệnh đái tháo đường type 2 giữ được trạng thái thuyên giảm trong ít nhất 5 năm.

Ngay cả khi người bệnh đưa được đường huyết về chỉ số bình thường trong suốt 20 năm, tình trạng bệnh đái tháo đường vẫn chỉ được coi là “thuyên giảm” chứ không phải là “chữa khỏi” hoàn toàn.

Tuy nhiên với bệnh đái tháo đường, đặc biệt với bệnh đái tháo đường type 2, chúng ta có thể kiểm soát tốt thông qua chế độ ăn uống, tập luyện, sinh hoạt hợp lý, khoa học.

Khi đã mắc đái tháo đường, người bệnh cần được xây dựng chế độ ăn, sinh hoạt, tập luyện phù hợp

Khi đã mắc đái tháo đường, người bệnh cần được xây dựng chế độ ăn, sinh hoạt, tập luyện phù hợp

Một chương trình Ngăn ngừa Đái tháo đường của Anh (Diabetes Prevention Programme - NHS DPP) đã chứng minh được tính thành công khi lượng đường trong máu của những người tham gia giảm xuống nhờ thay đổi lối sống. Chương trình này hiện đang được áp dụng và truyền cảm hứng cho nhiều quốc gia khác, cũng như các doanh nghiệp trên toàn thế giới. Ngoài ra, thuốc cũng đang chứng minh hiệu quả trong việc giảm nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường type 2. 

Gần đây, các nhà khoa học Trung Quốc đã thành công trong việc đảo ngược tình trạng bệnh đái tháo đường ở một phụ nữ 25 tuổi thông qua cấy ghép tế bào gốc tự thân. Người phụ nữ mắc đái tháo được type 1 này đã trở thành người đầu tiên trên thế giới tự sản xuất insulin chỉ sau 3 tháng được điều trị. Các nhà khoa học xem đây là một tiến quan trọng và đầy hứa hẹn trong việc điều trị bệnh đái tháo đường type 1.

 

Ngày 14/ 11 hàng năm được Liên hiệp quốc và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) chọn làm Ngày Đái tháo đường thế giới (World Diabetes Day).

Hưởng ứng Ngày Thế giới phòng, chống Đái tháo đường 14/11, mọi người hãy cùng nâng cao nhận thức về bệnh đái tháo đường. Đặc biệt, WHO khuyến cáo người dân hãy xét nghiệm đường huyết 12 tháng 1 lần để sớm phát hiện bệnh và điều trị kịp thời. Người mắc bệnh đái tháo đường cần tuân thủ chế độ dinh dưỡng ăn uống cân đối và hợp lý (ăn uống tiết chế); uống thuốc đều đặn, xét nghiệm theo dõi đường huyết thường xuyên, ghi chép các chỉ số đường huyết cẩn thận, biết cách theo dõi và điều trị các biến chứng của đái tháo đường một cách hiệu quả.

 

 
Đào Dung (Lược dịch theo Word Economic Forum)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Bệnh thường gặp