Hội thảo khoa học quản lý và điều trị phối hợp bệnh lý tim mạch- thận- chuyển hoá: Thực trạng và các khuyến nghị - Ảnh: MOH.
Đái tháo đường: Biến chứng mạch máu nhỏ làm tăng nguy cơ mù lòa, suy thận
Podcast: Nguy hiểm khi chữa suy thận mạn bằng cỏ mực
Biến chứng suy thận giai đoạn cuối nguy hiểm thế nào?
Làm việc ca đêm ảnh hưởng đến sức khỏe tim mạch như thế nào?
Đây là thông tin do TS. Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) đưa ra tại Hội thảo khoa học quản lý và điều trị phối hợp bệnh lý tim mạch- thận- chuyển hoá: Thực trạng và các khuyến nghị, do Hội Khoa học Kinh tế y tế Việt Nam với Cục Quản lý Khám, chữa bệnh phối hợp tổ chức.
Theo TS. Khoa, bệnh phối hợp giữa bệnh tim mạch, thận và rối loạn chuyển hoá đang trở thành thách thức lớn trong y tế hiện đại. Những bệnh lý này không chỉ làm gia tăng gánh nặng bệnh tật lên hệ thống y tế mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh và gia đình, đặc biệt trên nhóm người cao tuổi cùng một lúc có nhiều bệnh cần chăm sóc và điều trị.
TS. Khoa cũng cho biết, trong những năm qua, Bộ Y tế đã và đang nỗ lực đẩy mạnh các chương trình phòng, chống và quản lý các bệnh không lây nhiễm, trong đó có bệnh tim mạch, thận tiết niệu và các rối loạn chuyển hoá. Các hướng dẫn chẩn đoán về bệnh tim mạch, nội tiết - đái tháo đường, thận tiết niệu đã được ban hành khá đầy đủ, thường xuyên được cập nhật, giúp các cơ sở khám, chữa bệnh có tài liệu thực hành, nâng cao chất lượng quản lý và điều trị bệnh.
Tuy nhiên, thực tế hiện nay đòi hỏi chung ta cần phải có cách tiếp cận tổng thể và đa chiều hơn, đặc biệt là sự phối hợp liên ngành giữa các chuyên khoa tim mạch, thận và nội tiết.
Tại Hội thảo, TS. Dương Huy Liệu, Chủ tịch Hội Khoa học Kinh tế Y tế cho rằng, bệnh lý Tim mạch – Thận – Chuyển hóa thường đồng mắc và “thúc đẩy lẫn nhau” làm nặng thêm tiên lượng của người bệnh, đồng thời tạo thêm gánh nặng cho vấn đề chẩn đoán, điều trị cũng như cho hệ thống y tế nếu không được tầm soát, phát hiện, điều trị và quản lý một cách toàn diện trên đồng thời cả 3 khía cạnh.
PGS.TS Nguyễn Thị Thu Hoài, Phó viện trưởng Viện tim mạch Việt Nam cho biết, bệnh lý tim mạch - thận - chuyển hóa thường giảm nghiêm trọng tuổi thọ bệnh nhân, đặc biệt nếu cùng tồn tại.
Bệnh đái tháo đường và tăng huyết áp là nguyên nhân của hơn 80% bệnh thận giai đoạn cuối (ESKD) trên toàn cầu; Bệnh tim mạch ảnh hưởng đến 40% bệnh nhân đái tháo đường và ít nhất 30% bệnh nhân đái tháo đường có bệnh lý tim mạch.
Rối loạn chức năng tim làm tăng thêm gánh nặng về thận và trao đổi chất. Bất thường về tim ảnh hưởng đến sự tiến triển và kết cục của bệnh thận và chuyển hóa.
Tại Việt Nam, 55% bệnh nhân đái tháo đường type 2 đã xuất hiện biến chứng, chi phí điều trị biến chứng chiếm 70% tổng chi phí điều trị bệnh nhân đái tháo đường và trong các biến chứng, điều trị biến chứng tim mạch chiếm chi phí lớn nhất.
Những số liệu trên cho thấy, bác sĩ chăm sóc ban đầu có vai trò quan trọng trong việc tầm soát sớm bệnh thận mạn và giúp cải thiện việc chăm sóc cho những người mắc bệnh đái tháo đường, suy tim hoặc bệnh tim mạch.
"Việc tầm soát sớm bệnh nhân có nguy cơ cao và có quyết định chẩn đoán tiếp theo giúp tối ưu việc quản lý bệnh thận và tim mạch" - PGS.TS Vũ Thị Thanh Huyền, Trưởng khoa Nội tiết và Cơ xương khớp, BV Lão khoa TW chia sẻ.
Tại Hội thảo các chuyên gia đề nghị cơ quan quản lý và các cơ sở lâm sàng cần có kế hoạch và phương án để cùng chung tay xây dựng chương trình Quản lý, điều trị bệnh nhân Tim - Thận - Chuyển hóa.
Việc tiếp cận điều trị theo khuyến cáo nhiều bệnh lý đồng mắc tim mạch - thận - chuyển hóa với người bệnh là trung tâm. Việc quản lý và điều trị người bệnh tim mạch, kết hợp với điều trị đái tháo đường, được BHYT chi trả.
Bên cạnh đó, cần đưa vào chương trình đào tạo ở các trường đại học Y khoa nội dung về tim mạch - thận - chuyển hóa cho sinh viên và học viên sau Đại học, tổ chức đào tạo liên tục. Các Hội Tim mạch, Hội Nội tiết -Đái tháo đường, Hội Thận học tổ chức hội nghị, sinh hoạt khoa phối hợp lẫn nhau...
Xây dựng mô hình quản lý người bệnh, trong đó bác sĩ tim mạch, thận, nội tiết tăng cường tương tác, chia sẻ ý kiến các ca bệnh qua hội chẩn trực tiếp hoặc online, ứng dụng telemedicine. Phối hợp với dược sĩ lâm sàng, chuyên gia dinh dưỡng, phục hồi chức năng... trong điều trị và có sự đồng thuận chung giữa các khuyến cáo tim mạch, thận, nội tiết - đái tháo đường.
Bình luận của bạn