Bị đau hông khi chạy bộ: Nguyên nhân và cách khắc phục

Hiểu rõ nguyên nhân, triệu chứng đau hông sẽ giúp bạn có cách khắc phục phù hợp

Video: Chạy bộ hàng ngày có lợi gì cho sức khỏe?

Video: Làm thế nào để bắt đầu chạy bộ?

Chạy bộ bao lâu là tốt: 5 phút, 20 phút hay cần nhiều hơn?

Nhịp tim lý tưởng khi chạy bộ là bao nhiêu?

Triệu chứng đau hông thường xuất hiện khi chạy bộ

Khi bị đau hông, các khu vực như vùng hông trước, ụ ngồi (nơi chịu toàn bộ trọng lượng cơ thể khi bạn ngồi xuống), vùng bên cạnh hông (nơi có dải chậu chày đi qua)… là những khu vực bị ảnh hưởng nhiều nhất.

Tùy thuộc vào việc khu vực nào bị ảnh hưởng mà bạn có thể gặp các triệu chứng đau hông khác nhau. Ví dụ, trong một số trường hợp, bạn có thể cảm thấy đau nhói bên trong khớp hông, đôi khi lại chỉ bị đau âm ỉ nhưng kéo dài.

Nguyên nhân khiến bạn bị đau hông khi chạy bộ

Một trong những nguyên nhân phổ biến nhất gây đau hông là do vận động quá sức. Điều này đặc biệt phổ biến ở những người chạy bộ vì bạn thường xuyên phải thực hiện các động tác lặp đi lặp lại với cường độ cao.

Đau hông là một trong những cơn đau thường gặp nhất với người chạy bộ

Các yếu tố như giày chạy không phù hợp, bề mặt chạy bộ không lý tưởng… cũng có thể là nguyên nhân khiến bạn bị đau hông. Theo đó, giày chạy quá cũ hoặc không phù hợp với bàn chân có thể ảnh hưởng tới khả năng vận động. Với bề mặt chạy bộ, bề mặt lý tưởng nhất để chạy bộ là nền đất cỏ vì chúng sẽ giúp giảm bớt áp lực lên cơ thể. Ngược lại, bề mặt bê tông rất cứng và thể gây nhiều áp lực hơn khi bạn chạy bộ.

Bên cạnh các yếu tố bên ngoài, một vài yếu tố như chiều cao, độ cong của lòng bàn chân cũng có thể ảnh hưởng tới nguy cơ bị đau hông khi chạy bộ. Lòng bàn chân ít cong sẽ khiến cơ hông phải làm việc vất vả hơn để hỗ trợ cơ thể.

Cuối cùng, một vài yếu tố như thể lực, sự linh hoạt và khả năng giữ thăng bằng cũng là những yếu tố ảnh hưởng tới nguy cơ bị đau hông khi chạy bộ.

Cách khắc phục tình trạng đau hông khi chạy bộ

Nếu tình trạng đau hông không quá nghiêm trọng, bạn chỉ cần nghỉ ngơi, hạn chế gây áp lực lên hông để thúc đẩy việc hồi phục. Bạn cũng có thể tập yoga, thực hiện các bài tập giãn cơ nhẹ nhàng để khắc phục tình trạng đau hông khi chạy bộ.

Trên thực tế, các bài tập giãn cơ rất quan trọng cả trước và sau khi vận động. Các chuyên gia khuyên bạn nên thực hiện các bài tập giãn cơ để thúc đẩy lưu thông máu, cải thiện độ đàn hồi và linh hoạt cho cơ bắp.

Trong một số trường hợp, cơn đau hông có thể xảy ra do một số chấn thương cụ thể (có thể bao gồm gãy xương, viêm gân). Do đó, nếu thấy đau hông nghiêm trọng, cơn đau ảnh hưởng tới khả năng thực hiện các hoạt động thường ngày… bạn nên đi khám để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Làm sao để ngăn ngừa đau hông khi chạy bộ?

Nếu bạn bị đau hông do vận động quá sức, hãy chú ý dành thời gian để nghỉ ngơi, thư giãn. Ngoài ra, thử chuyển sang thực hiện tập luyện chéo (cross-training) thay vì chỉ chạy bộ cũng có thể giúp khắc phục vấn đề về lâu dài. Theo đó, bạn nên thử tập yoga, tập Pilates để tăng cường vùng hông, bắp chân và mắt cá chân.

Bạn cũng nên thường xuyên kiểm tra giày chạy, thay giày mới khi giày cũ đã bị mòn. Lựa chọn giày chạy phù hợp với bàn chân sẽ giúp bạn ngăn ngừa đau hông khi chạy bộ.

Bị đau hông có nên tiếp tục chạy bộ hay không?

Trên thực tế, đau nhức cơ bắp hoặc căng cơ nhẹ thường không ảnh hưởng nhiều tới khả năng vận động. Trong những trường hợp này, cơn đau hông sẽ dần được cải thiện khi bạn tiếp tục chạy bộ nhẹ nhàng.

Tuy nhiên, nếu cơn đau hông tiếp tục kéo dài trong nhiều ngày hoặc trở nên dữ dội hơn, bạn nên dừng việc tập luyện và đi khám ngay để được hỗ trợ kịp thời.

Vi Bùi H+ (Theo MBG)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Khỏe đẹp