Giai đoạn nguy hiểm khi mắc sốt xuất huyết

Cha mẹ không được chủ quan khi trẻ bị sốt xuất huyết, ngay cả khi đã hạ sốt

Số ca mắc sốt xuất huyết tăng, lưu ý dấu hiệu nhận biết bệnh sớm

Bộ Y tế kiểm tra phòng, chống bệnh sốt xuất huyết ở TP.HCM

Đẩy mạnh truyền thông, phòng chống sốt xuất huyết

Dịch sốt xuất huyết tại TP.HCM chưa "hạ nhiệt", thêm 1 ca tử vong

Triệu chứng sốt xuất huyết trong giai đoạn nguy hiểm

Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, bệnh sốt xuất huyết Dengue thường khởi phát đột ngột và diễn biến qua ba giai đoạn: Giai đoạn sốt, giai đoạn nguy hiểm và giai đoạn hồi phục. Vì thế, việc cắt sốt không có nghĩa là bạn đã khỏi sốt xuất huyết.

Thực tế, giai đoạn sốt xuất huyết nguy hiểm nhất thường xảy ra vào ngày 3 - 7 của bệnh. Người bệnh có thể còn sốt hoặc đã giảm sốt. Một số biểu hiện ở giai đoạn này gồm:

- Đau bụng nhiều: Đau bụng nhiều và liên tục hoặc tăng cảm giác đau nhất là ở vùng gan.

- Vật vã, lừ đừ, li bì.

- Gan to > 2cm dưới bờ sườn, có thể đau.

- Nôn ói.

- Biểu hiện thoát huyết tương do tăng tính thấm thành mạch (thường kéo dài 24 - 48 giờ): Tràn dịch màng phổi, mô kẽ (có thể gây suy hô hấp), màng bụng, phù nề mi mắt. Nếu thoát huyết tương nhiều sẽ dẫn đến sốc với các biểu hiện vật vã, bứt rứt hoặc li bì, lạnh đầu chi, mạch nhanh nhỏ, huyết áp kẹt, da lạnh, nổi vân tím (sốc nặng), tiểu ít.

Nốt xuất huyết rải rác trên da

Nốt xuất huyết rải rác trên da

- Xuất huyết:

+ Xuất huyết dưới da: Nốt xuất huyết rải rác hoặc chấm xuất huyết thường ở mặt trước hai cẳng chân và mặt trong hai cánh tay, bụng, đùi, mạn sườn hoặc mảng bầm tím.

+ Xuất huyết niêm mạc như chảy máu chân răng, chảy máu mũi, nôn ra máu, tiêu phân đen hoặc máu, xuất huyết âm đạo hoặc tiểu máu.

 

Xuất huyết nặng cũng có thể xảy ra ở người bệnh dùng các thuốc kháng viêm như acid acetylsalicylic (aspirin), ibuprofen hoặc dùng corticoid, tiền sử loét dạ dày-tá tràng, viêm gan mạn. Tuyệt đối không hạ sốt bằng ibuprofen khi bị sốt xuất huyết.

+ Xuất huyết nặng: Chảy máu mũi nặng (cần nhét bấc hoặc gạc cầm máu), xuất huyết âm đạo nặng, xuất huyết trong cơ và phần mềm, xuất huyết đường tiêu hóa và nội tạng (phổi, não, gan, lách, thận), thường kèm theo tình trạng sốc, giảm tiểu cầu, thiếu oxy mô và toan chuyển hóa có thể dẫn đến suy đa phủ tạng và đông máu nội mạch nặng. 

- Một số trường hợp nặng có thể có biểu hiện suy tạng như tổn thương gan nặng/suy gan, thận, tim, phổi, não. Những biểu hiện nặng này có thể xảy ra ở người bệnh có hoặc không có sốc do thoát huyết tương.

Dấu hiệu người bệnh sốt xuất huyết cần đến cơ sở y tế

Theo Thiếu tá, bác sỹ Nguyễn Thị Hiệp - Bệnh viện TWQĐ 108, sốt xuất huyết mức độ nhẹ có thể được chỉ định theo dõi tại nhà. Tuy nhiên, người bệnh vẫn cần đi khám để được chẩn đoán và theo dõi vì bệnh có thể tiến triển từ mức độ nhẹ sang nặng. 

Bộ Y tế khuyến cáo người bệnh đến khám lại ngay khi có một trong các dấu hiệu sau:

- Người bệnh thấy khó chịu hơn mặc dù sốt giảm hoặc hết sốt.

- Không ăn, uống được.

- Nôn ói nhiều.

- Đau bụng nhiều.

- Tay chân lạnh, ẩm.

- Mệt lả, bứt rứt.

- Chảy máu mũi, miệng hoặc xuất huyết âm đạo.

- Không tiểu trên 6 giờ.

- Biểu hiện hành vi thay đổi như lú lẫn, tăng kích thích, vật vã hoặc li bì.

Mới đây, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM) mới tiếp nhận bé 7 tháng tuổi bị sốc sốt xuất huyết nặng. Trước khi nhập viện 4 ngày, trẻ sốt nhẹ, tiêu chảy hơn 10 lần/ ngày, nôn ói. Gia đình nhầm lẫn các triệu chứng trên với rối loạn tiêu hóa và cho trẻ uống thuốc không rõ loại, dẫn tới nhập viện trễ.

BSCKII Nguyễn Minh Tiến - Phó Giám đốc bệnh viện cho hay: “Đây là một trong các trường hợp sốc sốt xuất huyết ở trẻ nhũ nhi. Biểu hiện sốt không cao kèm với triệu chứng tiêu hóa nên phụ huynh và nhân viên y tế dễ mất cảnh giác với bệnh sốt xuất huyết, chỉ nghĩ bé bị rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy nhiễm trùng dẫn đến đưa trẻ nhập viện trễ.”

 
Quỳnh Trang
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Bệnh thường gặp