Cá nhiễm thủy ngân ngày càng nặng do hiệu ứng nhà kính và việc đánh bắt thủy hải sản quá mức
Danh sách các loại cá và thủy hải sản có hàm lượng thủy ngân cao nhất, thấp nhất
Điều gì xảy ra khi ăn phải thuỷ hải sản nhiễm độc?
Những cách giải độc thủy ngân đơn giản đến không ngờ
Phụ nữ mang thai ăn mực có an toàn?
Cá là một thành phần quan trọng trong chế độ ăn uống lành mạnh, tuy nhiên đây cũng là nguồn thực phẩm có nguy cơ chứa nhiều thủy ngân. Ở liều lượng đủ cao, thủy ngân có thể gây độc cho hệ thần kinh và thận.
Những con cá nhỏ thường chỉ chứa một lượng thủy ngân rất nhỏ. Nhưng khi những con cá lớn hơn ăn những con nhỏ này, thủy ngân sẽ tích tụ trong mô mỡ của chúng. Vì vậy, các chuyên gia y tế thường khuyến cáo không nên ăn một số loài cá săn mồi sống lâu dưới biển, như cá mập, cá kiếm, cá thu vua và cá nàng đào (tilefish). Điều này đặc biệt quan trọng đối với phụ nữ mang thai và trẻ nhỏ, bởi lẽ độc tố thủy ngân có thể dễ dàng ảnh hưởng tới hệ thống thần kinh đang phát triển.
Thủy ngân được thải ra môi trường thông qua các hoạt động của ngành công nghiệp, như đốt than, đốt rác thải và luyện kim. Tuy nhiên, đây không phải lý do duy nhất khiến kim loại độc hại này tích tụ trong cá. Theo một nghiên cứu mới được đăng tải trên Tạp chí Nature (Anh), việc đánh bắt thủy hải sản quá mức và biến đổi khí hậu cũng có thể gây ra điều này.
Thủy ngân đang lấn sâu vào chuỗi thức ăn của con người
Thông qua các dữ liệu từ Vịnh Maine (một vịnh lớn của Đại Tây Dương trên bờ biển phía Đông Bắc của Bắc Mỹ), các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng trong giai đoạn 1969 - 2015, các hoạt động đánh bắt của con người đã làm thay đổi mức thủy ngân ở cá tuyết Đại Tây Dương và cá nhám gai. Trong khi đó, nhiệt độ nước tăng lên khiến mức thủy ngân trong cá ngừ vây xanh Đại Tây Dương tăng khoảng 56%.
Theo Giáo sư hóa học môi trường Elsie Sunderland hiện đang công tác tại Đại học Harvard (Mỹ), khi nhiệt độ nước biển tăng lên, cá cần nhiều năng lượng hơn để bơi. Cá săn mồi bắt đầu nuốt chửng con mồi và trở nên phàm ăn hơn. Vì cơ thể chúng không tăng trưởng thêm nên kết quả là nồng độ thủy ngân tích trữ trong mô càng nhiều hơn.
Bên cạnh đó, đánh bắt thủy hải sản quá mức có thể làm thay đổi chế độ ăn thông thường của cá săn mồi. Vào những năm 1970, việc đánh bắt cá trích hàng loạt đã buộc cả hai loài cá tuyết Đại Tây Dương và cá nhám gai phải thay đổi chế độ ăn. Cá tuyết chuyển sang ăn các loại cá nhỏ hơn, khiến mức thủy ngân của chúng giảm xuống. Nhưng cá nhám gai bắt đầu ăn mực ống và các loài động vật chân đầu chứa thủy ngân khác (như mực, bạch tuộc), từ đó làm tăng mức thủy ngân.
Sau đó, khi lượng cá trích tăng trở lại vào những năm 2000, cá tuyết đã trở lại thói quen ăn uống cũ, dẫn đến sự gia tăng 23% lượng thủy ngân. Ngược lại, hàm lượng thủy ngân trong cá nhám gai giảm.
Cá ngừ vây xanh Đại Tây Dương đã chứng minh tác động của biến đổi khí hậu: Trong những năm 1990, khi nhiệt độ nước biển thực sự hạ nhiệt trong một thời gian, sự tích lũy thủy ngân ở loại cá này đã giảm. Tuy nhiên, hàm lượng thủy ngân trong chúng lại tăng lên khi nhiệt độ nước tăng.
Từ năm 2012 - 2017, nghiên cứu cho thấy mức thủy ngân trong cá ngừ vây xanh tăng 3,5% mỗi năm dù lượng phát thải thủy ngân từ ngành công nghiệp đang giảm.
Giảm phát thải thủy ngân từ ngành công nghiệp tuy là tín hiệu tốt cho môi trường, nhưng như đã đề cập ở trên, đây không hẳn là yếu tố duy nhất dẫn tới việc các loại cá nhiễm thủy ngân ngày càng nhiều. Có nghĩa là, không chỉ giảm khí thải thủy ngân, mà chúng ta cần điều tiết cả khí nhà kính.
Một số chuyên gia dinh khuyến cáo người tiêu dùng nên hạn chế ăn một số loại cá có hàm lượng thủy ngân cao, thay vào đó, nên lựa chọn các loại thủy hải sản có hàm lượng thủy ngân thấp như tôm, cá hồi, cá da trơn, cá minh thái…
Bình luận của bạn