GS.TS. Nguyễn Anh Trí: "Cả nước mới đáp ứng được 60% nhu cầu máu"

Sinh viên tham gia hiến máu nhân đạo

Nhận hiến máu từ 7h30 đến 22h hằng ngày

Cho máu đi, bạn ơi, máu sắp cạn kiệt rồi!

Cảm ơn biết bao – Máu đào hiến tặng

Người đàn ông hiến máu 1.000 lần, cứu 2 triệu trẻ em

PV: Thưa GS, ông có thể cho biết những nguyên nhân sâu xa dẫn tới việc thiếu máu trong thời gian qua?

GS.TS.Nguyễn Anh Trí: Trước hết tôi xin xác minh thông tin báo chí đã đưa về việc thiếu máu trong thời gian vừa qua là hoàn toàn chính xác. Việc thiếu máu kéo dài từ khoảng giữa tháng 5 đến giữa tháng 6 và trên phạm vi trên toàn quốc, trong đó trầm trọng tại một số cơ sở lớn, phải đảm bảo cung cấp máu cho nhiều bệnh viện như Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương.

Lý do của tình trạng này là thời tiết nắng nóng kéo dài, dẫn đến người dân ngại tham gia hiến máu. Thêm nữa, học sinh – sinh viên (đối tượng đóng góp 70% lượng máu tiếp nhận được ở nước ta) bước vào giai đoạn thi và nghỉ hè, từ đó nguồn người đến tham gia hiến máu bị giảm sút một cách nghiêm trọng. Có thời điểm Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương chỉ tiếp nhận được lượng máu bằng 30% so với nhu cầu, trong đó thiếu nhất là nhóm máu A và O.

PV: Vậy Viện đã có giải pháp gì cho tình trạng thiếu máu trên?

GS.TS. Nguyễn Anh Trí: Trước tình trạng đó, Viện đã nhận được sự vào cuộc mạnh mẽ của các cơ quan truyền thông, tích cực đưa tin về tình trạng thiếu máu. Viện cũng chủ động liên hệ với nhiều đơn vị để tổ chức hiến máu khẩn cấp, như Công an Thành phố, chỉ trong 2 ngày phát động, đã có 1.500 cán bộ, chiến sỹ đăng ký tham gia hiến máu. Cao điểm là 10 ngày gần đây, hàng trăm người đã tới Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương để hiến máu mỗi ngày, có ngày tiếp nhận được hơn 500 đơn vị máu (trong khi ngày thường chỉ tiếp nhận được 30 đơn vị máu). Không chỉ có khu vực Hà Nội, Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương đã phối hợp với nhiều điểm cầu khác trong cả nước như Đà Nẵng, Đắk Nông, Bắc Kạn để tổ chức ngày hội hiến máu và được người dân hưởng ứng rất nhiệt tình. Nhờ đó, tình trạng khan hiếm máu đã không còn quá căng thẳng và cơ bản được chấm dứt.

GS.TS. Nguyễn Anh Trí - Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương

PV: Xin ông cho biết tại sao Việt Nam có nhiều hoạt động hiến máu và mang lại kết quả cao nhưng vẫn để xảy ra hiện tượng thiếu máu như dịp vừa qua?

GS.TS. Nguyễn Anh Trí: Mặc dù trên thực tế chúng ta thấy hoạt động hiến máu đang diễn ra hết sức sôi động, gần như hàng tuần và hàng ngày trên toàn quốc. Riêng năm 2014, cả nước ta đã tiếp nhận được hơn 1 triệu đơn vị máu, trong số đó, 97% lượng máu tiếp nhận được từ người hiến máu tình nguyện, tỷ lệ dân số hiến máu đạt 1,1%.

Tuy nhiên, theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới, để đảm máu an toàn truyền máu cho mỗi quốc gia thì lượng máu tiếp nhận được tối thiểu phải bằng 2% dân số, như vậy chúng ta mới đáp ứng được gần 60% nhu cầu. Trên thực tế cho thấy, kỹ thuật y tế càng cao thì càng cần nhiều máu, trong khi đó y học của Việt Nam đang phát triển mạnh.

Qua tìm hiểu, người ta cho rằng để phong trào hiến máu nhân đạo phát triển bền vững thì phải mất ít nhất là 50 năm, thậm chí là có những quốc gia còn lâu hơn nữa. Ở Việt Nam mới chỉ hơn 20 năm nhưng đã đạt những kết quả rất tốt như trên rồi. Nhưng đến đây nếu chúng ta buông tay, thỏa mãn và hài lòng với kết quả đó thì tôi tin tình trạng thiếu máu vẫn còn và có thể quay trở lại nặng nề hơn.

PV: Vừa qua xảy ra hiện tượng thiếu máu trên phạm vi cả nước, tuy nhiên có thông tin cho rằng tại Bệnh viện Truyền máu Huyết học Thành phố Hồ Chí Minh không có hiện tượng thiếu máu. Vậy ông lý giải thế nào về vấn đề này?

GS.TS. Nguyễn Anh Trí: Tình trạng thiếu máu từ giữa tháng 5 đến giữa tháng 6 là một thực tế và xảy ra trên bình diện của cả nước. Tuy nhiên điều này có thể khác nhau ở từng địa phương, từng vùng miền và nhất là ở từng bệnh viện, từng Trung tâm Truyền máu (TTTM). Trong đó thiếu nhiều nhất vẫn diễn ra ở Hà Nội, cụ thể tại Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương. Ở một số nơi khác, đặc biệt tại Bệnh viện Truyền máu - Huyết học TP. Hồ Chí Minh không thể hiện rõ ràng sự thiếu máu vì một số lý do sau:

Việc TTTM đó đã cung cấp máu cho bao nhiêu tỉnh thành, bao nhiêu bệnh viện. Cụ thể Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương tiếp nhận máu để cung cấp cho hơn 120 bệnh viện ở 16 tỉnh thành thuộc khu vực miền Bắc, còn một số TTTM khác trong cả nước cũng có cung cấp cho các bệnh viện ở một số tỉnh thành nhưng không nhiều như ở Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương. Điều này phụ thuộc vào TTTM đấy có làm hoàn chỉnh công việc của một TTTM khu vực hay mới chỉ làm một phần công việc.

Một TTTM khu vực có nhiệm vụ làm từ việc tuyên truyền vận động hiến máu, tiếp nhận máu, sàng lọc máu, sản xuất ra các chế phẩm máu, lưu trữ bảo quản và cung cấp tận nơi cho người sử dụng. Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương làm đúng như vậy, bên cạnh đó với vai trò là viện đầu ngành chúng tôi còn còn làm công tác tuyên truyền vận động chung cho cả nước.

Mặt khác cũng có những Trung tâm, tôi có thể lấy ví dụ như Trung tâm Truyền máu thuộc Bệnh viện Truyền máu - Huyết học TP. Hồ Chí Minh, máu của họ chủ yếu do Trung tâm Hiến máu nhân đạo (Hội Chữ thập đỏ Thành phố Hồ Chí Minh) tiếp nhận và cung cấp cho. Công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia hiến máu cũng do Trung tâm Hiến máu nhân đạo đảm nhận. Do vậy, áp lực của việc thiếu máu ở Bệnh viện Huyết học – Truyền máu Thành phố Hồ Chí Minh nhẹ hơn rất nhiều vì họ không chứng kiến được những tình hình cụ thể đó.

Vấn đề cuối cùng mang yếu tố khách quan là tùy thuộc vào phong trào hiến máu nhân đạo ở từng nơi. Công bằng mà nói, các hoạt động thiện nguyện ở các tỉnh phía Nam nhất là Thành phố Hồ Chí Minh, họ đã làm nhiều và lâu năm và phong trào hiến máu nhân đạo ở Thành phố Hồ Chí Minh chúng ta phải thừa nhận là phát triển tốt hơn nhiều so với các địa phương khác trong cả nước. Tất cả những lý do đó nó tạo ra một bức tranh thiếu máu không đồng đều, không rõ ràng không giống nhau giữa các bệnh viện các trung tâm.

 PV: Có ý kiến kiến cho rằng việc tiếp nhận một lúc nhiều đơn vị máu sẽ không sử dụng hết. Vậy ở Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương có xảy ra hiện tượng này không?
 GS.TS. Nguyễn Anh Trí: Đâu đó cũng có ý kiến cho rằng các sự kiện hiến máu mà tiếp nhận một lượng máu lớn không dùng hết. Điều này ở tại một bệnh viện có thể đúng, nhưng với tư cách là một Viện chuyên khoa đầu ngành, chúng tôi cho rằng việc không sử dụng hết máu ở toàn quốc hiện nay là điều không xảy ra. Lý do là cung chưa đáp ứng được cầu, chúng ta mới chỉ cung cấp được khoảng 60% nhu cầu máu cho điều trị. Tất cả các sự kiện hiến máu lớn do Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương khởi xướng như Lễ hội xuân hồng, Hành trình Đỏ, Viện đều lên kế hoạch rất cụ thể. Chính vì vậy sẽ không có chuyện máu dùng không hết.
Một điều nữa là do Viện đã làm rất tốt việc tập trung hóa ngân hàng máu, chính vì vậy nên có thể tiếp nhận được nhiều máu và cung cấp về tận nơi cho rất nhiều bệnh viện. Với cách làm đó sẽ mang lại hiệu quả rất cao và an toàn, một điều quan trọng nữa về mặt xã hội thì chúng ta đã giải quyết được sự bình đẳng trong việc thụ hưởng dịch vụ truyền máu.
PV: Xin cảm ơn GS về cuộc trao đổi này!

 

Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Trò chuyện