Căng thẳng ảnh hưởng đến tuyến giáp thế nào?

Stress có thể làm giảm số lượng tế bào miễn dịch, nguy cơ hệ miễn dịch sẽ tấn công tuyến giáp

Nguyên tắc “5 chữ R” giúp giảm stress, phòng ngừa rối loạn sự thích ứng

3 biện pháp nhỏ giúp đẩy lùi “tâm bệnh” cô đơn

Phụ nữ gen Z gặp nhiều vấn đề về sức khỏe tinh thần

Bị phát ban do stress phải làm sao?

Vai trò của tuyến giáp

Tuyến giáp là tuyến có hình dạng con bướm ở phía trước cổ, là bộ phận quan trọng trong điều chỉnh nhiều chức năng của cơ thể. Tuyến giáp sản sinh các hormone, trong đó thyroxine (T4) và triiodothyronine (T3) có vai trò quan trọng đối với quá trình trao đổi chất, điều chỉnh năng lượng cũng như sự tăng trưởng và phát triển tổng thể. Bác sĩ Harshitha Boyareddigari, chuyên gia tư vấn bệnh đái tháo đường và nội tiết, Bệnh viện Manipal (Ấn Độ) cho biết, những hormone này ảnh hưởng đến hầu hết các tế bào trong cơ thể, đảm bảo các cơ quan hoạt động tối ưu.

Căng thẳng ảnh hưởng thế nào đến tuyến giáp?

Khi căng thẳng xảy ra, phản ứng "chiến đấu hay bỏ chạy" của cơ thể được kích hoạt, kích thích giải phóng các hormone căng thẳng, như cortisol và adrenaline. Mặc dù phản ứng này quan trọng để sống sót khi đứng trước nguy hiểm, nhưng căng thẳng mạn tính có thể gây ra những tác động bất lợi cho tuyến giáp theo những cách sau:

Mất cân bằng nồng độ hormone

Căng thẳng kéo dài có thể phá vỡ sự cân bằng vốn mong manh của hormone tuyến giáp. Cortisol được giải phóng khi căng thẳng, có khả năng cản trở việc chuyển đổi T4 thành T3 (hormone dạng hoạt động mạnh), dó đó ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của tuyến giáp.

Phản ứng tự miễn

Theo một nghiên cứu đăng năm 2022 trên tạp chí International Scientific Information, căng thẳng mạn tính có thể góp phần gây ra các bệnh tuyến giáp tự miễn như bệnh viêm tuyến giáp Hashimoto hoặc Graves (hay Basedow). Trong những trường hợp này, hệ miễn dịch tấn công nhầm tuyến giáp, dẫn đến viêm và rối loạn chức năng.

Vòng phản hồi bị gián đoạn

Stress có nguy cơ làm gián đoạn sự giao tiếp giữa vùng dưới đồi, tuyến yên và tuyến giáp, được gọi là trục HPA. Điều này có thể dẫn đến sự bất thường trong sản xuất và giải phóng hormone tuyến giáp.

Tác động đến rối loạn tuyến giáp

Căng thẳng không trực tiếp gây ra rối loạn tuyến giáp, nhưng có thể làm tăng thêm các triệu chứng hiện có hoặc kích hoạt các triệu chứng mới. Bác sĩ Boyareddigari nhấn mạnh, những người có khuynh hướng bị bệnh tuyến giáp liên quan đến di truyền có thể nhận thấy căng thẳng như một chất xúc tác làm tăng tình trạng bệnh, do đó kiểm soát căng thẳng là rất cần thiết.

Cách kiểm soát căng thẳng giúp tuyến giáp khoẻ mạnh

Thiền là bài tập thể dục cho não, là một cách đơn giản, nhanh chóng để giảm căng thẳng

Thiền là bài tập thể dục cho não, là một cách đơn giản, nhanh chóng để giảm căng thẳng

Kỹ thuật giảm căng thẳng

Kết hợp các kỹ thuật giảm căng thẳng như thở sâu, thiền, yoga hoặc chánh niệm giúp thúc đẩy sự thư giãn, kiểm soát mức độ căng thẳng, đem lại sự cân bằng trong tâm trí.

Ngủ đủ giấc

Ưu tiên ngủ đủ giấc và đảm bảo chất lượng là điều cần thiết cho cả việc kiểm soát căng thẳng và sức khỏe tuyến giáp. Giấc ngủ giúp cơ thể được nghỉ ngơi và phục hồi, hỗ trợ sản sinh tối ưu các hormone.

Dinh dưỡng cân bằng

Một chế độ ăn uống cân bằng giàu chất dinh dưỡng, đặc biệt là iod và selen, rất quan trọng đối với chức năng tuyến giáp. Ăn các thực phẩm giàu chất Dinh dưỡng để hỗ trợ sản sinh và chuyển đổi hormone tuyến giáp, góp phần tăng cường sức khỏe tổng thể.

Tập thể dục thường xuyên

Tham gia hoạt động thể chất thường xuyên không chỉ giúp giảm bớt căng thẳng mà còn hỗ trợ quá trình trao đổi chất và cân bằng nội tiết tố trong cơ thể, có lợi cho sức khỏe tuyến giáp.

Thăm khám

Căng thẳng kéo dài làm tăng lo ngại về ảnh hưởng của nó đến tuyến giáp. Khi các biện pháp trên không giúp ích, bạn nên đi khám để được bác sĩ đánh giá chức năng tuyến giáp thông qua xét nghiệm máu và hướng dẫn kiểm soát căng thẳng.

 
Nguyễn Thanh (Theo Onlymyhealth)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Nội tiết