Bổ sung selen: Từ tăng đề kháng đến ngăn ngừa ung thư

Selen được mệnh danh là “Vi chất vàng cho hệ miễn dịch” song cơ thể lại không thể tự tổng hợp được mà cần bổ sung từ ăn uống hàng ngày

4 dấu hiệu thiếu hụt selen bạn nên biết

Ngoài calci, còn dưỡng chất nào giúp chống loãng xương?

Bổ sung selen thế nào để tốt cho tim, phòng ngừa ung thư?

Bổ sung selenium sẽ ngăn ngừa được ung bướu?

Chống oxy hóa

Selen đóng vai trò là thành phần chính của selenoprotein - một nhóm protein có chứa selen dưới dạng acid amin selenocysteine. Những selenoprotein này đóng nhiều vai trò trong bảo vệ chống oxy hóa, chuyển hóa hormone tuyến giáp, tổng hợp và sửa chữa DNA, chức năng hệ miễn dịch và bảo vệ chống lại nhiễm trùng.

Một trong những selenoprotein được nhiều người biết đến là glutathione peroxidase - một loại enzyme chống oxy hóa giúp trung hòa các gốc tự do có hại trong cơ thể, từ đó bảo vệ tế bào khỏi bị tổn thương do oxy hóa.

Đặc tính chống oxy hóa của selen đặc biệt quan trọng với sức khỏe tổng thể. Các gốc tự do được tạo ra dưới dạng sản phẩm phụ của quá trình trao đổi chất thông thường hoặc do tiếp xúc với các yếu tố môi trường (như ô nhiễm và bức xạ tia cực tím) có thể gây tổn thương tế bào và góp phần vào quá trình lão hóa. Selen với vai trò bảo vệ chống oxy hóa, giúp chống lại tác hại của các gốc tự do, hỗ trợ khả năng duy trì tính toàn vẹn tế bào của cơ thể.

Hỗ trợ chống ung thư

Tác dụng hỗ trợ chống ung thư của selen có thể liên quan đến đến vai trò của dưỡng chất này trong việc sửa chữa DNA, hỗ trợ hệ miễn dịch và điều chỉnh stress oxy hóa. Duy trì lượng selen cân bằng giúp ngăn ngừa nguy cơ ung thư. Tuy nhiên bạn không nên lạm dụng bổ sung selen, vì thiếu hoặc thừa dưỡng chất này đều có liên quan đến tăng nguy cơ ung thư.

Tham gia quá trình chuyển hóa hormone tuyến giáp

Các loại hạt chứa hàm lượng selen cao giúp cải thiện chức năng tuyến giáp

Các loại hạt chứa hàm lượng selen cao giúp cải thiện chức năng tuyến giáp

Tuyến giáp tạo ra hormone tuyến giáp giúp kiểm soát sự trao đổi chất trong cơ thể. Selen cần thiết cho quá trình chuyển hóa hormone tuyến giáp thyroxine (T4) sang dạng hoạt động - triiodothyronine (T3). Từ đó, selen hỗ trợ chức năng tuyến giáp hoạt động đúng cách, giúp ổn định quá trình trao đổi chất, sản sinh năng lượng cũng như sự tăng trưởng và phát triển tổng thể.

Vai trò trung tâm trong khả năng miễn dịch

Selen tham gia vào kích hoạt và điều hòa các tế bào miễn dịch, giúp cơ thể phản ứng hiệu quả với nhiễm trùng và bệnh tật. Duy trì cung cấp đủ selen giúp cải thiện phản ứng miễn dịch và giảm nguy cơ mắc một số bệnh nhiễm trùng. Ngược lại, thiếu selen kéo dài có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe như yếu cơ, mệt mỏi, tăng nguy cơ mắc một số bệnh.

Cần bổ sung bao nhiêu selen một ngày?

Là nguyên tố vi lượng, nên cơ thể cần một lượng nhỏ selen hàng ngày. Không giống với các vitamin và khoáng chất thiết yếu khác cơ thể cần được cung cấp một lượng lớn. Người trưởng thành cần tới 55mcg selen mỗi ngày, trẻ em có thể cần cung cấp 20-30mcg nguyên tố vi lượng này mỗi ngày.

Thực phẩm giàu selen

Tuy quan trọng với sức khỏe nhưng chỉ nên duy trì selen ở mức cân bằng, bổ sung quá nhiều có thể dẫn đến ngộ độc selen. Nguồn selen tốt nên bổ sung trong chế độ ăn uống gồm các loại hạt (đặc biệt là hạt quả hạch Brazil, một hạt Brazil có thể chứa từ 68-91mcg selen), cá (cá ngừ, cá bơn, cá mòi, cá hồi), tôm, cua, trai, hàu, thịt gia cầm, thịt nạc, trứng, ngũ cốc nguyên hạt, súp lơ xanh, rau chân vịt, khoai tây, đậu lăng, đậu Hà Lan.

 
Nguyễn Thanh (Theo Timesofindia)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Dinh dưỡng