Vitamin C có chữa được nám da?

Có nên dùng vitamin C liều cao để chữa nám da, sạm da

Nám da tuổi trung niên: Phải trị từ bên trong!

Chống tia UV bằng thực phẩm tự nhiên

Cách thử kem chống nắng

Chống nắng cho da nhờ ăn uống

Acid ascortbic hay còn gọi là vitamin C được biết như là thuốc làm tăng sức đề kháng. Khi thiếu vitamin C thì mạch máu dễ vỡ gây xuất huyết dưới da.

Vitamin C là một chất chống oxy hóa mạnh, đóng vai trò quan trọng trong việc tăng sức đề kháng cho da, ngăn ngừa các bệnh truyền nhiễm trên da... Chức năng chủ yếu của vitamin C là giúp sản xuất collagen, một protein chính của cơ thể (vì vậy có ảnh hưởng đến làn da), tham gia sản xuất một số chất dẫn truyền thần kinh và hormone, giúp hấp thụ và sử dụng các yếu tố dinh dưỡng khác. Vitamin C cũng là chất chống oxy hóa rất quan trọng (bên cạnh vitamin E, beta-caroten và chất khoáng selen).

Để điều trị nám da, sạm da cần biết nguyên nhân gây nám, sạm da do đâu? Có rất nhiều nguyên nhân gây nám da: Thường là do tuổi tác, môi trường ô nhiễm, khói bụi, áp lực cuộc sống, căng thẳng... gây rối loạn nội tiết tố dẫn đến tình trạng nám da, tàn nhang, sạm da và vết thâm. Nám sạm da thường do tác động của tia tử ngoại, tế bào biểu mô tiết ra hắc tố melanin làm cho da sậm màu. Thực chất việc bổ sung vitamin C cho cơ thể thường xuyên đúng cách là biện pháp dưỡng da, giảm quá trình lão hóa hữu hiệu. Tuy nhiên, cũng có nhiều trường hợp da bị sạm do bệnh lý như: Suy thận mạn, thay đổi nội tiết, có thai... Trong các trường hợp này dùng vitamin C liều cao để chữa sạm da không hiệu quả mà còn phải hứng chịu những phản ứng phụ như tăng tiết bã nhờn da. Một số người tiêm vitamin C liều cao, lâu dài (có khi 2 - 3 tháng) với hy vọng làm đẹp da, chống sạm da sẽ phải đối mặt với nhiều nguy cơ cho sức khỏe. Dùng vitamin C thường xuyên (như uống viên sủi, ngậm kẹo vitamin C) sẽ làm cho cơ thể quen đi, khi không dùng sẽ cảm thấy mỏi mệt. Nếu dùng liều cao (1.000mg mỗi ngày) kéo dài có thể gây rối loạn tiêu hóa (nóng rát dạ dày, tiêu chảy), gây hiện tượng thừa sắt, giảm độ bền của hồng cầu, ở người thiếu men G6PD còn có thể bị tán huyết. Khi thiếu vitamin C thì mạch máu dễ vỡ gây xuất huyết dưới da. Mặt khác, dùng liều quá cao trên 2g/ngày kéo dài trong nhiều tháng có thể gây ra một số bệnh như viêm loét dạ dày, viêm bàng quang và đường tiết niệu do tác dụng kích ứng trực tiếp của vitamin C (bản chất là một acid) lên niêm mạc. Tệ hại hơn là uống liều cao vitamin C có thể gây mất ngủ, làm tăng oxalate calci trong nước tiểu, những tinh thể này sẽ lắng đọng tại thận tạo thành sạn thận, ức chế bài tiết insulin, gây tổn thương thận và tăng huyết áp, người đã hoặc đang bị sỏi thận thì không nên dùng vitamin C.

Lời khuyên của thầy thuốc

Để tránh những tai biến và tác dụng phụ khi dùng vitamin C, thay vì tiêm, dùng liều cao trong một thời gian ngắn khiến cơ thể khó hấp thu, nên chú ý đến các phương pháp hấp thu vitamin tự nhiên qua thực phẩm. Trong một hai ngày bạn khó có thể thấy ngay tác dụng. Nhưng dùng phương pháp hấp thụ tự nhiên hàng ngày cơ thể sẽ thích nghi tốt hơn và hiệu quả đẹp da, tăng sức đề kháng sẽ lâu dài hơn.

Chế độ ăn uống: Để có làn da mịn màng, tuyệt đối tránh ăn nhiều mỡ, đường, chất cay, nóng, đồ uống có ga... Hãy bồi dưỡng và nâng cấp làn da với những loại quả có màu vàng, đỏ (giàu vitamin A và C) rất sẵn trong mùa hè: Đu đủ, gấc, cà chua, bí đỏ, xoài, cam, quýt, dứa... Vitamin C có nhiều trong các loại rau xanh như bông cải xanh, cà chua, trong các loại nước quả tươi như cam, chanh, quýt, bưởi...

Massage và đắp mặt nạ cho da: Thường xuyên đắp mặt nạ để bổ sung độ ẩm, vitamin giúp tẩy sạch tế bào chết, tăng độ căng mịn, sáng da. Có thể dùng mặt nạ vitamin C tươi như cà chua, dưa chuột,... để làm mát da, thẩm thấu trực tiếp khoáng chất lên da. Mỗi ngày rửa mặt với nước pha một thìa nước cốt chanh cũng giúp da sạch, bổ sung thêm vitamin C.

DS. Nguyễn Bảo Anh

Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Khỏe đẹp