Chuyên gia chia sẻ: Cách ứng phó với dịch bệnh sau bão lũ

Bệnh lý đường tiêu hóa, da liễu là những nỗi lo lớn nhất sau bão lũ

Đảm bảo cung ứng đủ và kiểm soát giá thuốc sau mưa bão

Chăm sóc, vệ sinh móng đúng cách để bảo vệ sức khỏe

Đảm bảo an toàn thực phẩm mùa mưa lũ

Podcast: Phòng ngừa bệnh tả sau mưa lũ

Trong buổi tọa đàm "Ứng phó với dịch bệnh sau bão lũ" do báo Dân trí tổ chức sáng ngày 27/9, 2 chuyên gia ThS.Bác sĩ Chuyên khoa II Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, cùng PGS.TS. Dược sĩ Nguyễn Tuấn Dũng, Nguyên Trưởng bộ môn Dược Lâm sàng, khoa Dược, Đại học Y Dược TP.HCM đã đưa ra nhiều lời khuyên về cách phòng ngừa, bảo vệ sức khỏe cho người dân tại những vùng đang phải chịu ảnh hưởng bởi bão lũ.

Những lưu ý chung để giữ sức khỏe cho người dân vùng bị ngập lụt

Theo bác sĩ Cấp, người dân ở vùng ngập lụt cần cẩn trọng với nguy cơ tai nạn, thương tích; Nhiễm lạnh, cảm lạnh, viêm phổi do thường phải ngâm mình trong nước. Đặc biệt, khi nước lụt lan tràn khắp nơi, mang theo các chất ô nhiễm trên diện rộng, những người đang có vết thương hở trên da sẽ có nguy cơ cao bị nhiễm trùng.

Người dân cũng cần cảnh giác với các bệnh lây truyền qua đường nước, đường ăn uống như tả, lị, thương hàn, tiêu chảy do ký sinh trùng; Các bệnh lây truyền như sốt xuất huyết, sốt rét cũng là nỗi lo khi các loại côn trùng, muỗi có xu hướng gia tăng khi ngập lụt.

Do tình hình ngập lụt ảnh hưởng tới khả năng di chuyển, không phải người nào cũng có điều kiện tiếp cận với các cơ sở y tế hay bệnh viện lớn. Đây là lý do dược sĩ Dũng khuyên trong mùa bão lũ, người dân nên chủ động chuẩn bị cho mình và gia đình các “tủ thuốc di động”. Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh “thuốc là con dao 2 lưỡi”, do đó người dân vẫn cần sự tư vấn của chuyên gia khi dùng thuốc, nhằm phát huy tối đa hiệu quả điều trị bệnh.

Người dân nên chuẩn bị “tủ thuốc di động” và bảo quản thuốc nơi khô ráo, tránh ánh nắng

Người dân nên chuẩn bị “tủ thuốc di động” và bảo quản thuốc nơi khô ráo, tránh ánh nắng

Đảm bảo nước sạch và dinh dưỡng trong mùa bão lũ

Khi bị ảnh hưởng bởi ngập lụt, việc đảm bảo được nguồn nước và thực phẩm sạch là vấn đề cấp bách nhất với người dân.

Theo đó, khi nguồn nước đã bị nhiễm các loại chất ô nhiễm và các loại vi khuẩn nhưng chưa thể nhận được nguồn nước tiếp tế kịp thời, người dân có thể xử trí nước theo 4 bước sau: Thứ nhất, nước bẩn cần được lọc thô qua trấu, sỏi. Tiếp theo đó lọc qua cát (nếu có). Bước thứ 3 là cho nước lắng phèn, dùng cloramin B để sát khuẩn. Sau đó, người dân chia thành 2 loại là nước sinh hoạt để tắm giặt (có thể dùng ngay) và nước uống (cần đun sôi trước khi uống).

Với việc bảo quản thực phẩm trong điều kiện ngập lụt, dược sĩ Dũng nhấn mạnh cần đảm bảo đủ dinh dưỡng với các nhóm thực phẩm như rau củ quả, các thực phẩm giàu đường - đạm - mỡ. Theo đó, các loại trái cây họ cam quýt (như cam, chanh, bưởi), các loại củ (như bầu, bí, khoai lang), sữa và dầu ăn là những thực phẩm dễ bảo quản mà vẫn đảm bảo đủ dinh dưỡng cho người dân.

Ứng phó với dịch bệnh sau bão lũ

Sau bão lũ, những đối tượng như trẻ nhỏ và người cao tuổi, những người có bệnh nền (như đái tháo đường), người có hệ miễn dịch yếu… sẽ có nguy cơ cao gặp phải một số bệnh sau:

Tiêu chảy cấp

Do có thói quen hay đưa tay lên miệng, trẻ nhỏ sẽ rất dễ mắc các bệnh đường tiêu hóa như tiêu chảy cấp do virus, vi khuẩn (tả, lị, thương hàn), ký sinh trùng… Theo bác sĩ Cấp, trong trường hợp khó đưa người bệnh tới thăm khám tại các cơ sở y tế, cần phân biệt, tự đánh giá người bệnh đang bị tiêu chảy thường hay ở mức độ nguy hiểm. Theo đó, trường hợp người bệnh có số lần tiêu chảy không quá nhiều, đi ngoài không có máu sẽ được coi là tương đối an toàn, có thể tự theo dõi tại nhà.

 

Tiêu chảy ở mức độ nguy hiểm là khi người bệnh đi ngoài phân có máu do niêm mạc ruột bị tổn thương, tiêu chảy nhiều lần (5 - 10 lần/ngày) kèm nôn mửa, mất nước. Lúc này, người bệnh cần được đưa tới cơ sở y tế càng sớm càng tốt để bù điện giải tích cực.

Với trường hợp tự theo dõi tại nhà, người bệnh có thể thêm cà rốt vào các món ăn, bổ sung men vi sinh, lợi khuẩn (hay probiotic) để bảo vệ màng ruột. Một lưu ý nữa là người bị tiêu chảy cấp cần được bổ sung điện giải từ oresol (chú ý pha đúng tỉ lệ theo hướng dẫn của nhà sản xuất), bổ sung kẽm để ngăn virus sao chép. Nếu không có sẵn oresol tại nhà, bạn có thể pha nước cam (với đường và một chút muối) để thay thế cũng rất tốt.

Bệnh da liễu

Việc thường xuyên phải tiếp xúc với nguồn nước bẩn sau bão lũ có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh da liễu như nước ăn tay, nhiễm nấm, hắc lào… gây ngứa ngáy, khó chịu. Điều đặc biệt nguy hiểm còn nằm ở nguy cơ bị nhiễm khuẩn từ các vết thương hở khi tiếp xúc với nguồn nước ô nhiễm.

Để bảo vệ sức khỏe, các chuyên gia khuyến cáo người dân nên chủ động dùng ủng khi phải lội nước, dùng găng tay để bảo vệ bàn tay khi dọn rác thải… Sau khi lội nước, cần nhanh chóng rửa sạch da rồi lau khô, giữ người khô ráo để hạn chế nguy cơ mắc bệnh.

Trong trường hợp không may bị thương, người dân có thể sát trùng vết thương bằng oxy già, cồn iod hoặc betadine; Có thể rửa sạch vết thương hàng ngày bằng nước muối sinh lý để loại bớt dịch tiết, mủ, mầm bệnh. Khi đã có vết thương hở, người dân chú ý tránh để nước bẩn tiếp xúc trực tiếp với vết thương hở. Trong trường hợp buộc phải lội nước, cần che vết thương với băng vô khuẩn, không thấm nước rồi bọc thêm một lớp nilon bên ngoài.

Trong trường hợp vết thương trở nặng và có nguy cơ nhiễm trùng, người dân cần tới cơ sở y tế để được bác sĩ chỉ định dùng kháng sinh với đúng liều, đúng loại phù hợp, tránh việc tự ý dùng sai vừa kém hiệu quả, vừa có nguy cơ kháng thuốc kháng sinh về lâu dài.

Vi Bùi
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Bệnh thường gặp