Không chỉ là cây bóng mát mà bằng lăng còn có tác dụng trong việc hỗ trợ điều trị nhiều loại bệnh.
Những bài thuốc nam trị viêm thanh quản
Thuốc Nam trong vườn: 4 loại cây có tác dụng cầm máu
Thuốc Nam trong vườn: 4 loại cây trị tiểu đêm hiệu quả
Đơn giản để có một giấc ngủ ngon
Bằng lăng là loại cây có kích thước trung bình, lá của cây đã được dùng để điều trị bệnh đái tháo đường trong nhiều thế kỷ. Ngoài đặc tính đó, hoa và lá bằng lăng còn mang lại nhiều lợi ích cho sức khoẻ như chống oxy hoá, giảm cholesterol và ngăn ngừa nguy cơ béo phì.
1. Giúp kiểm soát lượng đường trong máu
Lá bằng lăng được ưa chuộng nhờ đặc tính chống đái tháo đường nổi bật. Tác dụng này được cho là xuất phát từ sự hiện diện của các hợp chất như acid corosolic, ellagitannin và gallotannin. Trong đó, acid corosolic đóng vai trò quan trọng bằng cách tăng cường độ nhạy cảm của cơ thể với insulin, thúc đẩy quá trình hấp thu glucose và ức chế hoạt động của enzyme alpha-glucosidase, từ đó góp phần kiểm soát đường huyết. Cơ chế này tương tự như tác động của chính insulin. Insulin là hormone chủ chốt điều tiết đường huyết, không thể đáp ứng đủ nhu cầu trong cơ thể người mắc bệnh đái tháo đường type 2 do tình trạng kháng insulin. Điều này dẫn đến sự tích tụ đường trong máu.
Các nghiên cứu lâm sàng đã chứng minh hiệu quả hạ đường huyết của acid corosolic. Ngoài ra, ellagitannin cũng góp phần đáng kể bằng cách kích hoạt glucose loại 4 (GLUT4), một protein vận chuyển glucose vào tế bào. Cùng với đó, gallotannin cũng được cho là có khả năng tương tự, thậm chí một dạng gallotannin là penta-O-galloyl-glucopyranose (PGG) được dự đoán còn có hoạt tính mạnh hơn cả acid corosolic và ellagitannin.
2. Có hoạt tính chống oxy hoá
Theo đó, khi thử nghiệm chiết xuất của hoa, lá bằng lăng, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra loại chiết xuất này rất giàu các hoạt chất như phenol, flavonoid, quercetin, các acid gallic, ellagic có tác dụng chống oxy hoá, trung hoà các gốc tự do gây tổn hại đến tế bào và thúc đẩy quá trình lão hoá, đồng thời phát triển các bệnh mạn tính. Nghiên cứu này được đăng tải tại Thư viện Y khoa Quốc gia (Mỹ) vào tháng 8 năm 2018.
3. Giúp giảm cân, chống béo phì
Theo Tạp chí sức khoẻ Healthline, béo phì là một vấn đề sức khỏe công cộng nghiêm trọng ảnh hưởng đến khoảng 40-45% người trưởng thành tại Mỹ. Đây cũng là yếu tố nguy cơ hàng đầu cho nhiều bệnh mạn tính. Chính vì thế, một số nghiên cứu gần đây đã tập trung vào tiềm năng của lá bằng lăng trong việc chống lại căn bệnh này. Cụ thể, các hợp chất sinh học có trong lá bằng lăng, như acid corosolic và polyphenol, được chứng minh có khả năng ức chế quá trình hình thành và phát triển tế bào mỡ trong các nghiên cứu. Đặc biệt PGG có vai trò quan trọng trong việc ngăn chặn sự biệt hóa của tế bào mỡ tiền thân.
4. Làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch
Các nghiên cứu thực nghiệm trên cả động vật và con người đã chỉ ra rằng acid corosolic và PGG có trong lá và hoa bằng lăng, có khả năng góp phần làm giảm đáng kể nồng độ cholesterol và triglyceride trong máu.
Cụ thể, trong một nghiên cứu kéo dài 10 tuần trên nhóm chuột thí nghiệm được cung cấp chế độ ăn giàu cholesterol đã cho thấy kết quả khả quan: nhóm được bổ sung acid corosolic chứng kiến mức giảm cholesterol máu lên tới 32% và giảm 46% cholesterol trong gan so với nhóm đối chứng. Tương tự, một nghiên cứu khác cũng trong thời gian 10 tuần, được thực hiện trên 40 tình nguyện viên người lớn mắc rối loạn dung nạp glucose lúc đói, đã cho thấy kết quả tích cực khi sử dụng kết hợp chiết xuất từ bằng lăng và củ nghệ. Nhóm này ghi nhận sự giảm đáng kể nồng độ triglyceride (35%) và sự gia tăng nồng độ cholesterol HDL (cholesterol tốt - 14%).
5. Một số lợi ích khác
Bên cạnh những tác dụng nêu trên, hoa và lá bằng lăng còn mang lại những lợi ích tiềm năng khác như:
- Chống ung thư: Chiết xuất từ lá bằng lăng có thể kích hoạt quá trình chết tự nhiên của các tế bào ung thư phổi và gan.
- Kháng khuẩn và kháng virus: Chiết xuất này thể hiện hiệu quả ức chế sự phát triển của một số loại vi khuẩn như Staphylococcus aureus và Bacillus megaterium, đồng thời cũng có khả năng chống lại virus gây cảm lạnh thông thường (rhinovirus kháng người - HRV).
- Chống đông máu: Cục máu đông là nguyên nhân chính dẫn đến các vấn đề nghiêm trọng như tăng huyết áp và đột quỵ. Chiết xuất bằng lăng cũng được cho là có khả năng hỗ trợ phân giải huyết khối.
- Bảo vệ chức năng thận: Nhờ hàm lượng chất chống oxy hóa dồi dào, bằng lăng có thể giúp bảo vệ thận khỏi những tổn thương do tác dụng phụ của thuốc hóa trị liệu.
6. Một số tác dụng phụ và vẫn đề cần cảnh báo đối với chiết xuất bằng lăng
Dù có nhiều lợi ích là thế nhưng khi sử dụng bằng lăng với mục đích hỗ trợ điều trị bệnh tật, cần lưu ý rằng khả năng hạ đường huyết của lá bằng lăng có thể tương tác với các loại thuốc điều trị đái tháo đường khác như metformin hoặc các thực phẩm có tác dụng hạ đường huyết khác, tiềm ẩn nguy cơ hạ đường huyết quá mức. Bên cạnh đó, những người có tiền sử dị ứng với các loài thực vật thuộc họ Lythraceae như lựu và cỏ thi tím, cần thận trọng khi sử dụng sản phẩm từ bằng lăng do nguy cơ phản ứng dị ứng tăng cao.
Một nghiên cứu khác được thực hiện trên bệnh nhân đái tháo đường bị suy giảm chức năng thận đã cho ra kết quả rằng, acid corosolic trong lá bằng lăng có thể gây tổn thương thận khi kết hợp với thuốc diclofenac. Điều này có thể liên quan đến sự tương tác giữa acid corosolic và quá trình chuyển hóa của diclofenac, đồng thời có thể dẫn đến tăng sản xuất acid lactic, gây ra tình trạng acid lactic máu nghiêm trọng, đặc biệt nguy hiểm đối với những người mắc bệnh thận.
Vì vậy, trước khi sử dụng bất kỳ sản phẩm nào từ bằng lăng, đặc biệt là đối với những người có tiền sử bệnh lý, cần tham khảo ý kiến của chuyên gia y tế để đảm bảo an toàn và tránh những tác dụng phụ không mong muốn.
Chiết xuất bằng lăng có thể được sử dụng dưới dạng trà, viên nang hoặc bột. Tuy nhiên, nếu sử dụng với mục đích điều hoà đường huyết, người bệnh cần tuân thủ theo liều dùng hàng ngày theo hướng dẫn cụ thể ghi trên nhãn của sản phẩm.
Tuyệt đối không tự ý điều chế và sử dụng khi chưa có chỉ định từ bác sĩ.
Bình luận của bạn