Đằng sau tấm vé dự World Cup

Nếu được đầu tư mạnh về ngân sách chắc chắc đội tuyển bóng đá nữ cũng như bóng đá nữ Việt Nam sẽ rất mạnh - Ảnh: VFF

Hạ đẹp Đài Bắc Trung Hoa, ĐT nữ Việt Nam làm nên lịch sử

Đội trưởng ĐT nữ Việt Nam: Hãy cùng chung tay để sớm đẩy lùi đại dịch

CLB nữ TP.HCM I bảo vệ thành công ngôi hậu Cúp Quốc gia

6 lần vô địch SEA Games, vị trí thứ 4 tại Đại hội thể thao châu Á (Asiad) 2014, ĐT nữ Việt Nam cũng là khách quen của giải bóng đá nữ châu Á (Asian Cup) các năm 1999, 2001, 2003, 2006, 2008, 2010, 2014, 2018, 2022, đấy là những chỉ dấu chứng minh đẳng cấp của các cô gái chúng ta.

Ở chiến dịch vòng loại World Cup năm 2014, ĐT nữ Việt Nam đã chạm sát cột mốc lịch sử khi chỉ còn cách chiếc vé dự VCK hơn 90 phút trận play-off với ĐT nữ Thái Lan. Tuy nhiên dù được trên sân nhà Thống Nhất, áp lực nặng nề đã khiến các cô gái vàng của chúng ta thất bại bất ngờ 1-2 và đành lỗi hẹn.

ĐT nữ Việt Nam đã hiện thực hóa giấc mơ dự World Cup nữ 2023

ĐT nữ Việt Nam đã hiện thực hóa giấc mơ dự World Cup nữ 2023

Nhưng rồi ước mơ, khát khao nay đã thành sự thật, ĐT nữ Việt Nam đã giành vé dự VCK World Cup 2023 một cách ngoạn mục trên đất Ấn Độ. Với kỳ tích này, tập thể ĐT nữ Việt Nam và cá nhân HLV Mai Đức Chung đã được Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc ký Quyết định tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất; Các tuyển thủ Chương Thị Kiều, Huỳnh Như và Nguyễn Thị Tuyết Dung được tặng thưởng HCLĐ hạng Nhì; Thái Thị Thảo, Nguyễn Thị Bích Thùy, Trần Thị Kim Thanh và Phạm Hải Yến được tặng thưởng HCLĐ hạng Ba.

Câu hỏi đặt ra lúc này là phải làm thế nào để bóng đá nữ Việt Nam được quan tâm nhiều hơn, đầu tư đúng mức hay có những sự động viên khích lệ tích cực, kịp thời. Cùng với đó, cần chuẩn bị gì để ĐT nữ Việt Nam chơi tốt tại World Cup 2023. Đấy chắc chắn là những câu hỏi không dễ trả lời. Đầu tư cho tương lai không chỉ chú trọng đào tạo trẻ, phát triển phong trào, xây dựng giải VĐQG ngày càng tăng lượng, nâng chất, còn ở sứ mệnh truyền cảm hứng cho các thế hệ trẻ, những phụ huynh yên tâm cho con mình theo nghiệp bóng tròn. Tóm lại là bóng đá nữ cần có nguồn kinh phí dồi dào hơn để hoạt động và phát triển.

Thực tế lâu nay, việc kêu gọi tài trợ cho bóng đá nữ luôn gặp khó khăn, từ cả cấp độ CLB cho đến ĐTQG. Xã hội hóa nguồn lực đầu tư, thu hút nguồn lực từ doanh nghiệp luôn là bài toán nan giải. Những đội bóng nữ gần như sống bằng nguồn tiền từ ngân sách địa phương, lương thưởng được nhận rất thấp. Đơn cử như tiền thưởng, từ chức vô địch quốc gia và Cúp Quốc gia của CLB TP.HCM trong cả năm 2021 không bằng một trận thắng ở các CLB V-League.

Hơn thập kỷ qua, giải Vô địch bóng đá nữ QG vẫn chỉ lèo tèo vài đội. Chức vô địch là cuộc ganh đua của hai trung tâm được đầu tư tốt nhất là TP.HCM và Hà Nội.

Hơn thập kỷ qua, giải Vô địch bóng đá nữ QG vẫn chỉ lèo tèo vài đội. Chức vô địch là cuộc ganh đua của hai trung tâm được đầu tư tốt nhất là TP.HCM và Hà Nội.

Suốt 10 năm qua, giải VĐQG nữ chỉ có một nhà tài trợ chính Thái Sơn Bắc và mức tiền thưởng cho nhà vô địch không quá 300 triệu đồng… Giải VĐQG luôn đá trong tình trạng lèo tèo khán giả. Nhiều tuyển thủ quốc gia sau khi giải nghệ phải ra vỉa hè bán rau, nước mía, sửa xe để hỗ trợ gia đình và thu nhập vô cùng bấp bênh. Vậy nên, rất ít ông bố, bà mẹ hướng con đến nghề cầu thủ.

Một ĐTQG chỉ thực sự mạnh khi có giải VĐQG phát triển, chất lượng. Vậy mà Giải vô địch bóng đá nữ Quốc gia lại chỉ có 6 CLB gồm TP.HCM, Hà Nội Watabe, Than khoáng sản Việt Nam, Phong Phú Hà Nam, Thái Nguyên T&T và Sơn La. Để tăng giúp giải sôi nổi hơn, BTC còn phải khích lệ hai CLB hàng đầu là TP.HCM và Hà Nội Watabe lập thêm đội 2 (TP.HCM 2 và Hà Nội Watabe 2) tham dự giải. Đây rõ ràng không thể là mô hình lý tưởng để duy trì một đội tuyển mạnh.

Nếu nhìn sang sự trỗi dậy của bóng đá nữ Philippines nhờ một đội hình toàn cầu thủ nhập tịch mới mẻ. Myanmar đá rất bốc lửa và Thái Lan đã có 2 hạng đấu ở giải VĐQG (thi đấu lên xuống hạng). Bóng đá nữ Việt Nam sẽ tụt hậu nếu chỉ dựa vào tinh thần vượt khó. Vài năm qua, ĐTQG cũng “dễ thở” hơn khi được Tập đoàn Hưng Thịnh tài trợ 100 tỷ đồng trong vòng 5 năm. Dù thế, vẫn cần nhiều hơn các Mạnh Thường Quân, những ông bầu đủ tiềm lực, tâm huyết để giúp ĐTQG được đi nước ngoài tập huấn; phát triển các trung tâm đào tạo bóng đá nữ, thúc đẩy bóng đá học đường và bóng đá phong trào. Từ những động thái chuyên nghiệp đó mới giúp phát lộ ra những tài năng, đưa trình độ bóng đá nữ Việt Nam vượt giới hạn.

Bóng đá nữ cần được đầu tư nhiều hơn nữa từ chuyện chế độ đến tập luyện và thi đấu nếu muốn vươn tầm thế giới

Bóng đá nữ cần được đầu tư nhiều hơn nữa từ chuyện chế độ đến tập luyện và thi đấu nếu muốn vươn tầm thế giới

Không còn nghi ngờ gì nữa, Việt Nam có “tài nguyên” dồi dào để phát triển bóng đá nữ lên tầm cao mới. Chúng ta liên tục vô địch khu vực Đông Nam Á, lớp tài năng kế cận cũng chẳng thể nói là ít. Nhưng rào cản lớn nhất, như đã phân tích ở trên, vẫn là vấn đề kinh phí. Nếu muốn bóng đá nữ Việt Nam đi đúng lộ trình thì dứt khoát bài toán “đầu tiên” phải được giải đáp. Ngoài ngân sách nhà nước, cần sự chung tay của toàn xã hội, nhất là doanh nghiệp có tiềm lực tài chính.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa yêu cầu cần tập trung các nguồn lực để đầu tư cho thầy trò HLV Mai Đức Chung, không chỉ cho chiến dịch World Cup, mà còn lo cả hệ thống để cách mạng nền bóng đá nữ. Điều đó khiến ai cũng nức lòng, bởi biết bao lần các cô gái vàng đã mang vinh quang về, tiền thưởng cũng kha khá nhưng sau rồi cuộc sống họ hàng ngày ra sao, Giải VĐQG thế nào, vẫn là câu chuyện xưa nay cũ.

Đã đến lúc phải đầu tư đích đáng cho bóng đá nữ - tài sản vô giá mà chúng ta đang sở hữu.

 
Thảo Uyên
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Khỏe