Việt Nam cần quan tâm phát triển bóng đá trẻ, bóng đá học đường nhiều hơn nữa vì tương lai của cả nền bóng đá - Ảnh: Đức Bình
Văn Toàn, Công Phượng, Quang Hải tiếp tục được HLV Troussier ưu ái
HLV Troussier trao cơ hội cho Công Phượng, Quang Hải
Thiết lập kỳ tích SEA Games, ĐT nữ Việt Nam xứng đáng vàng mười
Từ chuyện của Minh Trọng, Văn Bình
Chờ xem ông Troussier làm gì với dàn sao cũ trên ĐT Việt Nam
Trong tổng thể bức tranh đào tạo trẻ, có thể thấy từ trước đến nay Nghệ An vẫn là nôi đào tạo chất lượng số 1 của cả nước. Sự đầu tư bài bản, có hệ thống của tỉnh, ngành thể thao, sự vào cuộc của nhiều cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, sự ủng hộ của phụ huynh học sinh và hơn hết là niềm say mê môn thể thao vua của đông đảo người Nghệ…và nhiều nguyên nhân khác đã tạo nên truyền thống đáng tự hào đó. Và không chỉ trong tỉnh, người Nghệ đi ra muôn nơi vẫn giữ được “nét trội” liên quan đến bóng đá, từ bóng đá nam đến bóng đá nữ, từ trong đến ngoài tỉnh, ngoài nước.
Một ví dụ thôi để chứng minh: Đô Lương lâu nay là trung tâm cho ra lò nhiều thế hệ cầu thủ giỏi góp cho Sông Lam Nghệ An, từ thời Quang Tình, Công Minh, Văn Lắm, như Công Phượng, Tuấn Tài ở Hoàng Anh Gia Lai và Viettel…, góp cho bóng đá nữ Việt Nam như Thái Thị Thảo, Vũ Thị Hoa… Tất cả đều có gốc từ phong trào cơ sở, từ đào tạo trẻ ở các lò huyện, lò tỉnh, từ các giải đấu phong trào vẫn tổ chức đều đặn như một mô hình chưa thể thay thế hiện nay.
Nhìn rộng ra, ở nước ta bóng đá trẻ đang vận hành nhờ vào ngân sách như mô hình của SLNA, nhờ vào tài trợ của đơn vị tư nhân, các tập đoàn kinh tế lớn như Hà Nội FC, Viettel, HAGL, PVF, Học viện Juventus ở TP. HCM…Trong khi đó, với những nền bóng đá phát triển hàng đầu châu lục như Nhật Bản, Hàn Quốc…, bóng đá học đường được quan tâm đầu tư mạnh mẽ, có hệ thống và thu được kết quả lớn. Các cầu thủ được chăm lo từ khi học tiểu học, trung học và nhất là khi lên đại học. Từ đây, các tài năng được chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao để tiến lên cầu thủ chuyên nghiệp, trở thành nguồn nhân lực chính cho các đội tuyển quốc gia.
Chúng ta hẳn còn nhớ lời cố huấn luyện viên trưởng ĐT Việt Nam A. Riedl với câu nói nổi tiếng “bóng đá Việt Nam đang xây nhà từ nóc” với ngầm ý chúng ta không chú trọng đào tạo trẻ đúng cách, đúng hướng. Cũng không phải ngẫu nhiên sau chu kỳ thành công với bóng đá Việt Nam, ông Park Hang-seo vẫn muốn ở lại “quê hương thứ 2 yêu dấu” để tiếp tục với công việc bóng đá nhưng là với bóng đá học đường. Bởi đó là con đường chính, tất yếu để bóng đá Việt Nam thực sự đi lên, phát triển kịp với xu thế hiện đại của châu lục và thế giới. Ông Park Hang-seo đang xúc tiến thành lập một trung tâm bóng đá cộng đồng, “để dạy bóng đá” cho trẻ em Việt Nam bằng kinh nghiệm, nhiệt huyết của một người thầy mát tay, nhiều thành công và duyên nợ với bóng đá và đất nước Việt Nam.
Cũng cần nói thêm là “tố chất” bóng đá đường phố, hồn nhiên và nghệ sĩ như người Brazil, tinh quái và mưu chước như người Argentina, khỏe mạnh và tràn đầy năng lượng cống hiến như ở các nước châu Phi, khi được đào tạo khoa học và bài bản kiểu châu Âu đã và đang cho ra lò nhiều viên ngọc sáng như nhiều người từng biết. Bóng đá sân ruộng, làng xóm, vào lúc chiều tà như ở nhiều làng quê Việt Nam, nhất là ở Nghệ An, nếu được học tập ở các trung tâm huyện, tỉnh, ở các lò đào tạo tốt, ở trung tâm của ông Park Hang-seo sau này hay ở nước ngoài cũng tất yếu cho ra đời những cầu thủ chất lượng như mong muốn. Đó là một quá trình lâu dài, từng bước và mang nhiều hy vọng lớn lao, rất đáng được ủng hộ và cổ vũ.
Mùa bóng đá trẻ đang sôi nổi diễn ra ở nhiều nơi. Vui với thành tích, thành quả đạt được nhưng chúng ta cũng cần mở rộng diện quan sát, tìm tòi cách làm mới, hướng đi thuyết phục để bóng đá trẻ tiến thêm những bước dài, vững chắc và tiến bộ hơn. Bóng đá trẻ là “ngày hội của tuổi thơ” và toàn xã hội phải biết cách nâng tầm, nâng cao chất lượng ngày hội đó, bằng nhiều việc làm cụ thể, thiết thực, sáng tạo và đột phá, mà câu chuyện liên quan đến trung tâm bóng đá học đường của ông Park Hang-seo chỉ là một ví dụ cụ thể/./
Bình luận của bạn