Phát hiện ra một chủng SARS-CoV-2 kết hợp giữa Delta và Omicron - Ảnh: SCMP.
Làn sóng Omicron đang lan rộng ở Đông Nam Á, tăng kỷ lục ở Philippines
WHO cảnh báo về "cơn sóng thần" khi Delta và Omicron cùng ập đến
Những điều cần biết về mũi tiêm vaccine COVID-19 liều tăng cường
Omicron đang lây lan nhanh "chưa từng thấy", Campuchia đã có ca đầu tiên
Theo Bloomberg, giáo sư khoa học sinh học Leondios Kostrikis tại Đại học Cyprus cho biết: "Hiện nay có các ca nhiễm cả biến thể Omicron và Delta. Và chúng tôi phát hiện ra chủng virus kết hợp giữa hai biến thể này, tạm gọi là Deltacron".
Sau khi giải trình tự 1.377 mẫu trong chương trình truy tìm các đột biến tiềm năng của SARS-CoV-2 ở Cyprus, nhóm nghiên cứu của ông Kostrikis cho biết đã phát hiện 25 ca bệnh mắc chủng này. "Tần suất phát hiện biến chủng cao hơn ở những người nằm viện, điều đó có nghĩa là có mối tương quan giữa Deltacron và tỷ lệ nhập viện", ông Kostrikis nói.
Tuy nhiên còn quá sớm để kết luận liệu Deltacron có gây ra thêm nhiều ca bệnh hoặc tác động của nó sẽ như thế nào.
"Thời gian tới, chúng tôi sẽ xem xét liệu chủng này có thể gây bệnh nặng hơn hay lây nhiễm nhiều hơn, hoặc có thể trở thành chủng trội so với Delta và Omicron hay không", Kostrikis nói, nhưng thêm rằng ông tin Deltacron sẽ không thể lấn át Omicron.
Bộ trưởng Y tế Cộng hòa Cyprus Michalis Hadjipantelas ngày 8/1 xác nhận biến thể Deltacron được phát hiện ở quốc gia này nhưng hiện chưa làm dấy lên bất kỳ lo ngại nào.
Cộng hòa Cyprus, quốc gia có dân số hơn 1,2 triệu người, đang đối mặt với làn sóng COVID-19 thứ năm, khiến số ca nhiễm mới tăng lên khoảng 5.500 ca mỗi ngày.
Báo cáo giám sát quốc gia Cyprus về COVID-19 được công bố hôm 7/1 cho thấy độ tuổi trung bình của những người bị nhiễm là 28 tuổi, cho thấy tốc độ lây lan nhanh chóng của virus trong giới trẻ.
Deltacron xuất hiện trong bối cảnh, siêu biến chủng Omicron đang tiếp tục lây lan trên diện rộng và đã áp đảo Delta ở một số khu vực trên thế giới. Omicron được cho có độc lực nhẹ hơn Delta, tuy nhiên, giới chuyên gia nhấn mạnh hiện vẫn cần thêm dữ liệu để củng cố cho giả thuyết này, đồng thời cảnh báo các nước cần nâng cao cảnh giác vì Omicron vẫn có thể gây nên những đợt bùng dịch COVID-19 quy mô lớn.
WHO lý giải các nguyên nhân khiến biến thể Omicron lây lan mạnh
Trước đó, ở một diễn biến đáng chú ý khác về biến thể Omicron, trong bối cảnh số ca mắc mới COVID-19 trên thế giới tăng lên mức cao nhất từ trước đến nay, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 7/1 cho rằng biến thể Omicron đang lây lan rất nhanh hiện nay là do sự kết hợp của nhiều yếu tố, trong đó có tính chất của biến thể và việc người dân tăng tiếp xúc.
Theo bà Maria Van Kerkhove, Trưởng nhóm kỹ thuật thuộc bộ phận dịch bệnh khẩn cấp của WHO, các đột biến cho phép virus SARS-CoV-2 bám vào tế bào người dễ dàng hơn. Ngoài ra, có yếu tố được gọi là "trốn miễn nhiễm", theo đó, người đã mắc COVID-19 và đã khỏi hoặc người đã tiêm chủng đầy đủ vẫn tái nhiễm.
Đại diện WHO cũng đưa ra một lý do khác liên quan đến sự khác biệt giữa Omicron với Delta và các biến thể khác. Đó là Omicron tự nhân đôi ở đường hô hấp trên, trong khi các biến thể trước đó và chủng virus gốc chủ yếu tự nhân đôi ở đường hô hấp dưới, cụ thể là ở phổi.
Ngoài ra, virus lây lan do mọi người tiếp xúc với nhau nhiều hơn, ở nhà nhiều hơn trong bối cảnh hiện đang là mùa Đông ở khu vực Bắc Bán cầu, không tuân thủ các biện pháp giãn cách vật lý.
Trước đó, theo Reuters, ngày 6/1, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho rằng dường như Omicron gây bệnh ít nghiêm trọng hơn so với Delta, đặc biệt là đối với những người đã tiêm chủng, tuy nhiên không nên xếp bệnh do biến thể mới này gây ra vào loại "nhẹ".
Người đứng đầu WHO cảnh báo về một "trận sóng thần" khi số ca nhiễm trên toàn cầu tăng vọt do sự lây lan của cả biến thể Delta và Omicron. "Tương tự các biến thể trước đây, Omicron đang đẩy nhiều người vào bệnh viện và cướp đi tính mạng con người", ông Ghebreyesus nói.
Mũi vaccine tăng cường giúp làm tăng kháng thể để phòng ngừa Omicron
Mới đây, các chuyên gia thuộc Đại học Minnesota (Mỹ) đã khẳng định, tiêm mũi vaccine tăng cường sẽ hỗ trợ ngăn chặn nguy cơ bệnh nặng hơn nếu nhiễm biến thể Omicron.
Dẫn tin từ SMCP, Louis Mansky, một nhà nghiên cứu về virus tại Đại học Minnesota cho biết, nhiều người hiểu nhầm vaccine ngừa COVID-19 sẽ ngăn chặn hoàn toàn sự lây nhiễm virus, nhưng vaccine chủ yếu được thiết kế để ngăn ngừa bệnh nặng. Các loại vaccine hiện nay vẫn nhằm ngăn ngừa bệnh nặng, đặc biệt là đối với những người đã được tiêm mũi tăng cường.
Hai mũi vaccine của Pfizer/BioNTech hoặc Moderna hoặc một mũi vaccine của Johnson & Johnson cung cấp khả năng bảo vệ mạnh mẽ khỏi tình trạng bệnh nghiêm trọng do biến thể Omicron.
Theo nhóm nghiên cứu, mặc dù những liều vaccine cơ bản chỉ phát huy một phần hiệu quả ngăn chặn lây nhiễm Omicron, nhưng mũi tăng cường, đặc biệt là với vaccine của Pfizer và Moderna, giúp làm tăng kháng thể hỗ trợ chống lại điều này.
Omicron được cho là tái tạo hiệu quả hơn nhiều so với các biến thể trước đó và nếu người nhiễm có tải lượng virus cao, nhiều khả năng họ sẽ truyền cho những người khác, đặc biệt là những người chưa được tiêm chủng. Còn những người đã được tiêm chủng, nếu nhiễm virus sẽ có các triệu chứng nhẹ, vì các mũi tiêm kích hoạt nhiều lớp "phòng thủ" trong hệ thống miễn dịch và khiến Omicron khó vượt qua tất cả.
Vì vậy, để phòng ngừa biến thể Omicron và các biến thể mới của virus SARS-CoV-2, các chuyên gia khuyến nghị mọi người nên tiếp tục thực hiện các biện pháp giữ an toàn như đeo khẩu trang khi ở trong phòng kín, tránh đám đông, tiêm các mũi cơ bản và tiêm mũi tăng cường.
Bình luận của bạn